Chủ Nhật, 29/10/2017 16:22

Dịch bệnh tôm gây thiệt hại lớn

Dịch bệnh tôm nuôi đang lây lan nhanh từng ngày, tính đến 29/4 có đến hàng ngàn ha bị nhiễm bệnh, thiệt hại ước tính hơn 150 tỷ đồng.

Thường xuyên kiểm tra cống cấp, thoát nước

Người dân “bó tay”

Ông Trần Hoàng ở xã Giang Hải (Phú Lộc) lo lắng, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay rất khó cho các loại thủy sản phát triển. Mưa nắng thất thường, môi trường thay đổi đột ngột khiến tôm không kịp thích nghi, yếu sức, dễ dẫn đến các loại bệnh. Ban đầu tôm chỉ chết rải rác, sau đó lây lan nhanh, chết hàng loạt diễn ra từ một tuần nay.

Sau khi kiểm tra, xác định bệnh đốm trắng, ông Hoàng và các hộ nuôi tôm ở địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, phòng trừ theo quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đốm trắng là loại dịch bệnh nguy hiểm, đến nay chưa có biện pháp xử lý, thuốc đặc trị hiệu quả nên đã lây lan diện rộng. Hai ao hồ nuôi tôm sú của ông Hoàng đến nay hơn một tháng tuổi đã bị dịch bệnh đốm trắng, buộc phải tiêu hủy. Chi phí mua con giống, thức ăn, điện, nước… ước thiệt hại trên 100 triệu đồng.

Theo chính quyền địa phương, trước khi thả nuôi, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn các biện pháp phòng trừ dịch bệnh thủy sản nuôi. Tuy nhiên do thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường thay đổi đột ngột, dịch bệnh xảy ra bất ngờ và quá nhanh khiến các hộ nuôi “không kịp trở tay”. Với dịch bệnh đốm trắng rất khó ngăn chặn, xử lý triệt để nên khi vừa phát hiện, chưa kịp phòng trừ thì dịch đã lây lan nhanh trên diện rộng.

Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Giang Hải có khoảng 80% diện tích nuôi tôm chuyên tôm, nuôi xen ghép bị dịch bệnh, với tỷ lệ 70-80%. Với các diện tích nuôi chuyên tôm sú gần như bị thiệt hại hoàn toàn; các ao hồ nuôi xen ghép tôm-cua-cá chủ yếu thiệt hại về tôm với tỷ lệ khoảng 30-40%. Chính quyền địa phương, ngành thủy sản đang hỗ trợ người dân các biện pháp xử lý, chôn hủy tôm bị bệnh, tiêu độc, khử trùng ao hồ, vùng nuôi nhằm hạn chế thiệt hại.

Ước thiệt hại hơn trăm tỷ đồng

Tôm chưa đạt kích cỡ buộc phải thu hoạch vì sợ dịch bệnh

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông thông tin, các loại dịch bệnh, nhất là đốm trắng xảy ra trên địa bàn huyện cách đây khoảng ba tuần, ban đầu chỉ một số ít diện tích. Sau đó dịch bệnh lây lan nhanh tại các địa phương, đỉnh điểm khoảng một tuần trở lại đây. Vụ nuôi này, toàn huyện Phú Lộc thả nuôi khoảng hơn 1.000 ha, đến nay có khoảng 80% diện tích bị dịch bệnh, trong đó có khoảng 600 ha bị năng, với tỷ lệ tôm chết khoảng 80%.

Trên địa bàn huyện Phú Vang đến nay có khoảng 50% diện tích tôm sú, nuôi xen ghép bị dịch bệnh, trong đó nặng nhất là xã Phú Xuân. Các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ nhưng dịch bệnh đã lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn. Nhiều ao hồ nuôi tôm, nuôi xen ghép 1,5-2 tháng tuổi bị chết hàng loạt. Ngoài tôm sú, một số ao hồ nuôi cá dìa, kình, nâu có hiện tượng chết rải rác, một số ao nuôi chết hàng loạt. Qua kiểm tra, trên tôm sú xuất hiện bệnh đốm trắng; các loại cá bị chết do thời tiết phức tạp, môi trường thay đổi đột ngột.

Tôm sú nuôi trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai bị dịch bệnh đốm trắng và một số bệnh thông thường khác bắt đầu xảy ra tại một số địa phương ở Phú Lộc. Đến nay, diện tích tôm bị chết trên toàn tỉnh lên đến hàng ngàn ha, trong đó diện tích có tỷ lệ chết từ 50-90% hơn 1.000ha. Ước thiệt hại do dịch bệnh tôm, thủy sản có thể đến 150 tỷ đồng. Dịch bệnh tôm gây thiệt hại nặng nhất là huyện Phú Lộc với diện tích gần 1.000 ha bị nhiễm, tiếp đó là các huyện Phú Vang, Quảng Điền…

Nhiều ao hồ nuôi tôm trên đầm phá ở Phú Lộc bị dịch bệnh

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, trong tuần qua, diễn biến thời tiết phức tạp, thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh lây lan nhanh. Hầu hết các diện tích nuôi trên vùng đầm phá đến nay từ hơn 1-2 tháng nên đáy ao đã tích tụ nhiều chất hữu cơ, độc hại dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Qua quan trắc môi trường 6/10 điểm đo tại vùng đầm phá có tồn một số yếu tố môi trường quá mức, hoặc thấp hơn giới hạn cho phép. Nhiều vùng nuôi có hiện tượng màu nước đậm, biên độ triều thấp, nước lưu thông kém.

Tại điểm xả thải vùng ba xã Vinh Hưng, Giang Hải, Vinh Mỹ (Phú Lộc) có độ mặn thấp, các khu vực cống bị bèo lấp kín bề mặt làm ôxy trong nước giảm thấp, tồn tại môi trường độc hại nên ảnh hưởng đến sức khỏe đối với các đối tượng nuôi, dễ xảy ra dịch bệnh.

Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản, người nuôi cần có các biện pháp kỹ thuật phù hợp khi lấy nước vào ao; tăng cường chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho các đối tượng nuôi; sử dụng vôi để xử lý, ổn định độ pH trong nước. Các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tăng cường, chủ động phòng bệnh trong thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường trong thời gian đến. Một số ao hồ thả nuôi sớm, người dân có thể thu hoạch nhằm tránh thiệt hại lớn do dịch bệnh...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

  Ý kiến bình luận