Thứ Ba, 28/07/2020 10:13

Điểm nhấn từ Shan tuyết

Từ xa xưa, khi nói đến ấm trà người ta thường nghĩ đến người đã có tuổi. Nhưng nay, có một người con gái đã mạnh dạn nâng trà lên thành một trào lưu “thưởng trà” trong giới trẻ.

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Hoài Phương (bên trái)

Đó là Nguyễn Thị Hoài Phương (sinh 1988), một cô gái sinh ra ở Huế và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh. Trà không phải là thức uống ưa thích của cô cho đến một ngày... Trong một chuyến đi, cô làm quen rồi bén duyên với món trà cổ thụ Shan tuyết của vùng núi Tây Bắc. Từ thích uống đến tò mò đi sâu nghiên cứu hương vị của thứ nước uống vốn thường chỉ dành cho người già… cô gái trẻ gia giảm nguyên liệu, nhấn nhá cách pha chế để tạo nên một thức uống mà theo cô nói, nó không chỉ dành cho người già mà còn chinh phục lớp trẻ.

Trong một lần gặp gỡ với chàng trai người Mỹ Logan Meinert Draws, cô thay đổi suy nghĩ về trà. Là một thanh niên đam mê du lịch, Logan sau khi đi khám phá, trải nghiệm 5 quốc gia khác nhau đã chọn dừng chân sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Chung niềm đam mê xê dịch, anh và Phương rất nhanh trở nên thân thiết. Chính anh đã giới thiệu cho Hoài Phương về trà cổ thụ Shan tuyết. Bắt đầu bằng loại trà đặc trưng của đồng bào vùng Tây Bắc, Phương nghiên cứu, tìm hiểu và trở nên “ghiền” trà. Đó cũng là lúc cô quyết định cùng Logan tham gia vào Vietnam Natural Products, một nơi chuyên bán trà cùng những món thức uống hữu cơ và chuyển sang kinh doanh loại nước được gắn mác “văn hoá Việt Nam” này.

Khi có một chút kiến thức về trà Hoài Phương trở về Huế, mang theo niềm đam mê mới. Không chọn phố xá sầm uất, cô về quê (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) mở một tiệm giải khát nhỏ với nhiều thức uống, trong đó, loại trà đặc biệt mang hương vị của núi rừng Tây Bắc là chủ đạo. Shan tuyết là loại trà thu hoạch từ những cây chè cổ thụ mọc tự nhiên ở rừng Hà Giang, chỉ có người dân bản địa mới rành khai thác, thu hoạch. Nguồn trà cũng do Phương lên Hà Giang tìm mua hoặc nhờ người quen thuê người thu hoạch, đem phơi rồi chuyển về Huế. Nhiệm vụ của Phương là chế biến và bán.

Với giới trẻ Huế, rất ít người có đam mê 1uống trà. Nếu có thì thường chỉ là những loại trà đen, trà nhài, những loại trà có nguồn gốc nước ngoài hay phổ biến nhất là hồng trà. Còn các loại trà xanh thuần Việt thanh niên ít khi lựa chọn làm thức uống bởi vị đắng, chát của lá trà và giá thành của những dòng trà ngon có giá cũng khá cao. Tuy nhiên, Shan tuyết với hương thơm mùi cỏ sớm, vị ngọt thanh, mát, ngọt hậu, thứ trà đặc trưng vùng Tây Bắc đã hoàn toàn chinh phục cô. Phương thường xuyên nghiên cứu nhiều cách chế biến Shan tuyết để có thể làm được những loại trà phù hợp với giới trẻ. Cô tận dụng hết những bộ phận của cây như búp, hoa, lá, rễ để làm những loại trà khác nhau. Trong đó, ngoại trừ những dạng trà pha theo phương pháp thông thường, Phương còn có những món như trà Chai (một loại trà được pha bằng trà kết hợp nhiều loại thảo mộc khác nhau), trà sữa organic được làm từ trà Shan tuyết. Hoài Phương cũng đặc biệt nghiên cứu và làm ra một loại trà sử dụng hai trái rừng đặc biệt của vùng núi Thừa Thiên Huế là mắc khén và màng tang A Lưới.

Hơn 5 năm qua, tiệm trà nhỏ ở Phú Hồ đã trở thành một địa chỉ cho giới trẻ… thưởng trà. Điều đáng nói là, trà của Phương không chỉ chinh phục giới trẻ Huế mà nó còn là một địa chỉ nước uống độc đáo dành cho du khách Việt và cả người nước ngoài khi đến Huế. Ngoài ra, vào những ngày nắng đẹp, nếu đến vào buổi chiều, rất có thể “cô chủ” sẽ nổi hứng dẫn bạn ra giữa cánh đồng để thưởng trà ngắm hoàng hôn. Đây cũng là một trong những điểm đặc biệt chỉ có ở vùng thôn quê. Hoặc cũng sẽ có những lúc cô gái đam mê xê dịch ấy rủ bạn bè, khách hàng đi lên núi, vào rừng, xuống biển, ra giữa thiên nhiên để thưởng thức những tách trà ấm mang âm hưởng Tây Bắc.

Hoài Phương chia sẻ: “Để có thể chinh phục được mọi người, mình tự mày mò ra các công thức pha trà mới lạ như các loại trà ủ lạnh, ủ cà phê, trà kết hợp trái cây, trà pha sữa, trà Chai kết hợp các nguyên liệu tự nhiên từ rừng của Việt Nam. Mình cũng sẵn sàng chia sẻ công thức để các bạn trẻ tiếp cận với trà dễ dàng nhất. Cũng có những loại như trà sữa Organic không đường, làm ngọt bằng thảo mộc dành cho người bị tiểu đường và người ghiền trà sữa nhưng sợ tăng cân”.

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp ở Huế đã tổ chức các hội chợ dành cho những thương hiệu nhỏ. Nhân cơ hội đó, Hoài Phương đã tham gia và đạt được nhiều sự ủng hộ tích cực. Có thể nói, hương vị nhẹ nhàng, thành phần thuần tự nhiên đến từ những sản phẩm Shan tuyết qua bàn tay khối óc của cô gái trẻ đã chinh phục được nhiều người. Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng mà cô gái trẻ tạo được bước ngoặt trong giới trẻ Cố đô nói riêng và giới trẻ nói chung trong việc tiếp cận với văn hoá trà của Việt Nam.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.