Thứ Tư, 09/08/2017 14:21

Điều không thể mất

Cha ông rất nhớ những gì thuộc về ngày xưa và có quá nhiều điều hiện tại gợi cụ liên tưởng quá khứ.

Sắp đến ngày giỗ cha, ông lau dọn bàn thờ rồi ngồi lặng trước di ảnh bậc sinh thành; sau cùng là lần giở, ngắm những di vật cụ để lại. Đây là chiếc mũ tai bèo, cái xắc-cốt cụ luôn đeo bên mình, cây đàn măng-đô-lin và nhiều nhất là sách vở. Ông dừng lại lâu hơn với cuốn sổ chỉ to như hai bàn tay, đã ngả màu vàng nhạt; phía trên là mấy chữ tô đậm “NHỚ VÀ GHI”, ngay bên dưới là ý nguyện người viết: “Cho con”; những trang sau là từng dòng ngay ngắn, nắn nót. Mỗi lần cầm cuốn sổ, ông bồi hồi, thương cha rồi lại trách mình.

Với cha ông, có lẽ ký ức chiến tranh vẫn ám ảnh cả khi đã thôi bom đạn. Nhớ hồi từ chiến khu trở về, việc đầu tiên là cụ dọn sạch mảnh vườn rộng cả mẫu do tổ tiên để lại. Thế là tre mây, mù u, thầu đâu… bị chặt hết. Nghe ai đó thắc mắc “sao không để cho mát”; cụ cười: “Bao năm trong rừng sâu núi thẳm, đến nhìn mặt trăng mặt trời cũng không trọn vẹn. Chặt đi cho thoáng”. Thế nhưng qua mùa nắng, hình như cụ thấy tác hại khi vắng bóng cây xanh nên sửa sai bằng trồng lại vườn cây ăn quả.

Đến làm nhà, cụ cũng khác người. Thợ thì khuyên cứ phải nhà cao cửa rộng mới sang nhưng cụ chỉ thích mái nhà thấp nhỏ, các cửa đều có kích thước khiêm tốn dưới mức thông thường. Chủ-thợ tranh luận tưng bừng nhưng không ngã ngũ. Sau cùng, chủ thầu chạm đến nơi sâu thẳm trong lòng gia chủ: “Chắc cụ quen sống trong hang đá hay hầm bí mật nên thấy nhà dù nhỏ cũng thành to, đúng không? Hòa bình rồi, nên nghĩ khác đi, cụ ơi!” Cụ ngớ người, “à” lên rồi làm theo lời thợ.

Khi không ai can gián, cha ông lại theo ý mình. Vốn khéo tay, cụ tự xẻ gỗ làm những vật dụng trong nhà. Đây là mấy cái giường với chiều rộng chỉ tám tấc tây; quá chật với ai đó nhưng với cụ chắc thoải mái lắm so với khi nằm võng. Kia những chiếc tủ đựng quần áo hay sách vở nhỏ đến khác thường, chắc do cụ quá quen với cái ba-lô gói gọn tư trang ngày trước nên đã làm vậy.

Cha ông rất nhớ những gì thuộc về ngày xưa và có quá nhiều điều hiện tại gợi cụ liên tưởng quá khứ. Xem một bộ phim về chiến tranh, nhìn con đường hay cây cầu mới, khi nghe con trai đậu đại học hay vào những ngày lễ... đều có thể khiến cụ ngồi lặng suy tư. Ngay sau đó là cái giọng trầm trầm thường mở đầu bằng “ngày xưa”, đưa người nghe về với những tháng năm xa.

Dường như cụ muốn những trải nghiệm của mình lan tỏa đến các con. Thế nhưng mỗi khi nghe cha mở đầu “ngày xưa”, “hồi đó” hay “nhớ lại”... ông liền bỏ đi, ấy là lúc nhỏ. Sau này, kẻ làm con tỏ ra biết điều hơn, nói đúng là khách sáo hơn nên vẫn ngồi nghe nhưng vẻ hững hờ thì không thể giấu. Thấy thế, người kể chuyện cụt hứng, giọng rời rạc rồi im hẳn; nỗi buồn thì phảng phất trên gương mặt khắc khổ. Không ít lần cha sắp cất giọng xa xăm, con liền bỡn cợt: “Lại  nghe chuyện ngày xưa rồi!”. Thế là người cha nín lặng, thở dài.

Sau ngày cha mất, xem tư trang của cụ, ông mới hay có bao điều tâm huyết nhưng không thể chia sẻ được cha “Nhớ và ghi cho con”. Mỗi lần đọc những dòng ấy, ông lại dằn vặt về sự nông nổi của một thời tuổi trẻ.

Nhớ có lần thấy con đổ cơm thừa xuống cống, cụ la lớn; liền đó là giọng giảng giải với lời bắt đầu quen thuộc “ngày xưa”. Thấy con lảng đi bằng cách chăm chú rửa chén nên cha dừng lời; sau ghi lại: “Ngày xưa, cơm gạo được coi là hạt ngọc của trời, thế mới hay làm ra hạt thóc khó chừng nào. Giá như con biết, đời ông cha “tối ăn khoai đi ngủ sáng ăn củ đi làm” để rồi con không lãng phí thứ hạt quý chắt chiu từ đồng ruộng”.

Cụ hoài niệm và lo xa: “Giỗ tổ. Nghe văn tế, tưởng nhớ tiền nhân. Hành trình về phương Nam của tổ tiên 400 năm trước, hẳn là cuộc di thực đầy gian nan khi vượt hàng ngàn dặm với sông sâu núi cao hay biển khơi đầy giông bão. Rất tiếc gia phả dòng họ viết bằng chữ Nho, nay trở nên xa lạ với cháu con. Đã thế, đời sau càng lúc càng xa cội nguồn; biết đâu bản quán tổ tiên!?”

Sau này, ông đã biến trăn trở của cha thành hiện thực khi lặn lội nhiều nơi tìm người rành Hán-Nôm nhờ dịch gia phả dòng họ ra Quốc ngữ; lại đăng tin trên báo để tìm về quê cha đất tổ. Tìm được rồi, ông dẫn đầu dòng họ ra Bắc kết nối thâm tình, dâng hương tổ tiên.

Buồn lo của cụ gắn với xa xưa còn nhiều, chẳng hạn: “Xót xa đứng trên nền cũ của đình làng. Đình lớn đến mức đứng đầu này nói to đầu kia không nghe, với những hàng cột người ôm không xuể, đã tan nát trong bom đạn. Bao giờ mới dựng lại được đình làng, để xuân-thu nhị kỳ cúng tế tưởng nhớ tiền hiền khai khẩn hậu hiền khai cơ!?”

Khi đình làng và lễ tế thành hoàng làng được khôi phục theo đề xuất của mình, ông lại nhớ bậc sinh thành. Cứ nghĩ lúc sinh thời có bao điều cha muốn chia sẻ với con nhưng không nhận được đồng cảm, ông lại day dứt. Vậy nên sau mỗi lần hoàn thành những việc cụ từng ao ước, ông lại cúi đầu trước bàn thờ cha, những mong ở nơi xa thẳm, cụ thể tất cho đứa con đã có lúc dửng dưng trước những điều thuộc cội nguồn, bản sắc của mình.

***

Nỗi niềm của người cha quá cố tương đồng với suy nghĩ của ông khi con trai ông du học. Nhà nghèo nhưng thằng bé tự thân vận động và được học bổng toàn phần. Khi con học năm thứ ba, ông đánh tiếng thăm dò: “Học xong, con về nước làm chứ?”. Đáp lại là khả năng bỏ ngỏ: “Nếu có điều kiện, con ở lại”. Hình như điều kiện đến sớm khi nó học giỏi, vừa học vừa làm, vẫn có thu nhập khá; lại có công ty ngỏ ý thuê nó sau khi học xong. Nghe con tươi cười khoe, ông cũng vui nhưng sau lại phấp phỏng lo.

Khi ba nhắc lại chuyện về, con hào hứng tự tin nhưng nằm ngoài mong đợi của ông: “Thời hội nhập, với thế giới phẳng và công dân toàn cầu thì nên sống ở nơi mình thích, chứ ba; đâu nhất thiết về nước”. Lời lấp lửng ấy phần nào hé lộ hướng lựa chọn của con khiến nỗi lo của người cha nâng lên cấp độ mới. Những liên tưởng xa gần rồi suy diễn về những điều không hay khi con lập nghiệp xứ người làm ông giật mình bởi mơ hồ thấy nó đang dần xa thật rồi.

Nhìn con cháu của bạn bè cùng lứa nay sống ở nước ngoài, ông ái ngại bởi những khác biệt của thế hệ ra đời nơi xứ lạ. Về với cội nguồn nhưng những đôi mắt trẻ cứ ngơ ngác trước cảnh làng quê hay lạ lẫm nhìn lễ cúng tổ tiên; ngay tiếng nói của ông cha, chúng còn ngượng nghịu, nói chi đến giữ gìn hồn cốt giống nòi. Vậy nên, là người ruột thịt, gần đấy nhưng có khi xa đấy. Điều đó khiến ông man mác với nỗi buồn không tên; vận vào con mình, ông lại bồn chồn, không yên.

Lắm lúc ông nghĩ lan man, sao có những người thích sống xa xứ đến thế; cầm cái thẻ xanh của nước ngoài cứ sướng ngất ngây như thể đổi đời. Ông thì so đo thường tình thôi, ở nơi mà người già quen sống trong viện dưỡng lão, chắc họ lạ lắm trước ước mong bình dị: “Có con mà gả chồng gần/Có bát canh cần nó cũng đem cho”. Tương tự thế, khi người trẻ sớm thích sống riêng, chắc khó đồng cảm với mái ấm “tứ đại đồng đường” của xứ mình. Và nữa, còn bao rào cản, khoảng cách không hề nhỏ ở xứ lạ; trong khi những gì thân thuộc nơi cố hương cứ khắc khoải, thiết tha. Với nhiều người, khi đi xa nỗi nhớ lại quay về, tuổi già đến tình quê càng sâu nặng. Đã vậy, đâu dễ mở lòng, hòa mình với cộng đồng mới. Đấy, lắm người rời quê lên phố thăm con, sống trong trọn vẹn yêu thương và đủ đầy vật chất nhưng vẫn ngong ngóng về quê, có khi chưa đi đã tính ngày về, trông khổ như bị… đi đày. Nếu con giữ lại chơi lâu, có người còn giãy nảy rồi khóc đòi về như đứa trẻ ngày đầu đến lớp. Tuy nhiên, chẳng ai có thể cắt nghĩa rành mạch, vì sao nơi chôn nhau cắt rốn lại níu chân người xứ mình đến thế… Là ông âm thầm nghĩ vậy; không nói ra bởi biết đâu có kẻ dè bỉu “tầm nhìn xa không qua được lũy tre làng”.

Nhưng với con thì ông thẳng thắn bày tỏ những dự cảm, lo âu của mình nếu nó chọn cả đời tha hương. Không áp đặt, chẳng khuyên nhủ xa xôi, ông hỏi ngay khi nó sắp tốt nghiệp: “Con định về hay ở lại?”. Nó lại thách đố sự nóng lòng của người cha: “Con đang thu xếp, ba yên tâm”. Câu trả lời cứ như không, như lạc đề khiến ông chưa thôi thấp thỏm.

Và rồi, hơn cả sự yên tâm là niềm vui vỡ òa khi con trở về. Sau phút giây tay bắt mặt mừng cùng những cái ôm hôn lẫn trong nước mắt, ông lặng lẽ ngó quanh. Niềm vui cứ lớn dần khi ông thấy nhiều tư trang cùng rất nhiều sách vở theo con hồi hương, điều ấy cho hay nó về hẳn. Ông thắc mắc: “Sao bữa trước con nói còn hơn tháng nữa mới học xong?”. Đáp lại là giọng sôi nổi: “Con cố tăng tốc nhằm lấy đủ tín chỉ và cán đích sớm, để còn kịp về giỗ ông nội, ba ạ”.

Ông đứng sững nhìn con, lòng vui rưng rưng.

NGUYỄN CẢNH TƯỜNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những mảng màu xứ Huế
Những mảng màu xứ Huế

Mỗi khi hồi tưởng về một vùng đất từng in dấu chân, năm giác quan của tôi lại thực hiện một chuyến du hành nho nhỏ xuyên quá khứ.

Tàng Thơ Lâu, kết nối giá trị quá khứ đến đương đại
Tàng Thơ Lâu, kết nối giá trị quá khứ đến đương đại

Di tích lịch sử văn hóa độc đáo Tàng Thơ Lâu (344 Đinh Tiên Hoàng, TP. Huế) vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa vào sử dụng, hình thành một trung tâm lưu trữ tư liệu, trung tâm nghiên cứu về di sản văn hóa Huế.

Dân ca Tà Ôi - gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
Dân ca Tà Ôi - gạch nối giữa quá khứ và hiện tại

Đã có lúc tưởng chừng như mai một nhưng vượt lên mọi biến thiên, dân ca Tà Ôi vẫn còn vang vọng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Thứ thanh âm quyện hòa vào cây rừng ấy, mắt thường không thể nhìn thấy nhưng là di sản từ bao đời của những người con của núi.

Đông Nam Á hiện tại và điểm nhìn hướng đến tương lai
Đông Nam Á hiện tại và điểm nhìn hướng đến tương lai

Bên cạnh nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại cần được tiếp tục giải quyết triệt để, khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đã đạt được nhiều thành quả đáng kể thông qua một số sự kiện lớn. Kết thúc năm 2019 sôi động, Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ bước vào một năm mới – 2020 với nhiều hy vọng mới, nhiệm vụ mới.