Thứ Tư, 21/09/2016 14:24

Doanh nghiệp ứng phó với giá điện tăng

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3 sẽ giảm bớt áp lực cho ngành điện. Tuy nhiên, gánh nặng lại chuyển sang các doanh nghiệp sản xuất. Chi phí tăng đang buộc doanh nghiệp phải "thắt lưng buộc bụng".

Huy động trên 500 nhân viên thực hiện chốt chỉ số công tơNhiều bất cập cần sớm giải quyếtXăng trước áp lực tăng giá vào ngày mai 18/3Giá điện dự kiến tăng 8,36% vào cuối tháng Ba

Chi phí sản xuất chắc chắn sẽ tăng

Theo Bộ Công Thương, tính toán sơ bộ tác động của giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến các khách hàng là đơn vị sản xuất. Hiện Tập đoàn Điện lực (EVN) có hơn 1,4 triệu khách hàng sản xuất, với mức tăng 8,36%, bình quân mỗi hộ phải trả 12,39 triệu đồng tiền điện/tháng, tăng 839.000 đồng/tháng (trong điều kiện vẫn sử dụng lượng điện tương đương năm 2018).

Bộ Công Thương họp báo công bố tăng giá điện chiều 20/3. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Đặc biệt, EVN đã tiến hành khảo sát nhiều khách hàng sản xuất rất lớn trong ngành sắt thép, xi măng… Theo đó, với 40 khách hàng sản xuất xi măng chi phí sẽ tăng thêm 7,19%, tức là trả thêm 13 triệu đồng/tháng. Khách hàng sản xuất sẽ trả thêm cao nhất là 95 triệu đồng/tháng. Khảo sát đối với 40 khách hàng tiêu biểu sản xuất sắt thép cho kết quả trả thêm thấp nhất là 7,3%, tương đương 50 triệu đồng và hộ trả thêm cao nhất là 8,28%.

Thực tế là khi giá điện tăng, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp (DN) chắc chắn sẽ tăng theo. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết: 2 nhà máy của công ty tiêu tốn đến 1,5 tỉ đồng tiền điện mỗi tháng dù công ty đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện. Ông Lĩnh cho rằng, chi phí sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Tương tự, Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi tháng cũng tiêu tốn khoảng 1,5 tỉ đồng tiền điện cho 4 nhà máy chế biến thủy sản. Ngành này sử dụng điện rất nhiều trong khâu chế biến.

Dự kiến, với giá điện tăng 8,36%, mỗi tháng công ty này sẽ phải chi thêm cả trăm triệu đồng cho tiền điện. Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc công ty cho biết, tất cả chi phí khác đều tăng như nguyên liệu thủy sản (tăng 20 - 30%), lương công nhân, bảo hiểm xã hội nên việc tăng giá điện sẽ gây khó cho DN, có thể lợi nhuận sẽ giảm.

Ngành dệt may cũng là ngành sản xuất phải tiêu tốn nhiều điện năng. Theo đại diện một DN dệt may tại Hà Nội (xin giấu tên), giá điện tăng sẽ đẩy khó khăn thêm cho DN, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên bởi ngoài nhân công, nguyên liệu thì điện cũng là yếu tố quan trọng tạo nên giá thành.

Sau hơn 1 năm giữ ổn định, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên hơn 1.864 đồng/kWh. Đồ họa: TTXVN

Ngành dệt may đang cầm cự, không thể tăng giá bán vì nếu như vậy sẽ mất khách hàng.  Ngành dệt may phải cạnh tranh với các nước trong khu vực bởi đa số hàng dệt may xuất khẩu. Khi giá bán cao, phía nhập hàng có thể tìm đến các nước khác có chi phí sản xuất thấp hơn.

Từ năm 2010 tới nay, đã có 7 đợt tăng giá điện, tính cả lần này là 8. Theo các DN, giá điện tăng liên tục trong nhiều năm qua gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Trong khi thị trường trong nước cũng như xuất khẩu phải cạnh tranh từng đồng, chỉ cần giá bán cao hơn một chút là bị đối tác từ chối ngay.

Áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm

Do giá điện tăng trực tiếp tác động đến "túi tiền" DN nên bản thân mỗi DN đều chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, để tiết kiệm một cách triệt để thì có thể sẽ phải đầu tư lớn, chi phí cao hàng chục tỷ đồng, do đó không phải DN nào cũng có thể đầu tư được.

Trong ngành thủy sản, ông Trần Văn Dũng cho biết: Để có hệ thống nhà xưởng thông minh, tiết kiệm điện khoảng 30% thì phải đầu tư đến 15 tỉ đồng cho một nhà máy. Còn lắp đặt thêm nguồn điện mặt trời, vốn đầu tư mỗi nhà máy cũng đến chục tỉ đồng.

Chưa thể đầu tư ngay "một cục" nên trước mắt, nhà máy sẽ sắp xếp lại giờ sản xuất theo khung giờ thấp điểm để được hưởng giá điện thấp. Như vậy, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tuy nhiên sẽ tiết kiệm được đáng kể.

Chi phí sản xuất thép sẽ tăng do giá điện tăng. Ảnh minh họa: Sỹ Thắng/TTXVN

Theo bảng giá điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất từ 20/3, với cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá điện giờ thấp điểm là 970 đồng/kWh, giá điện giờ cao điểm là 2.759 đồng/kWh. Với cấp điện áp dưới 6 kV, giá điện giờ thấp điểm là 1.100 đồng/kWh, giờ cao điểm là 3.076 đồng. Như vậy có thể thấy chênh lệch giá điện giờ thấp điểm và cao điểm là rất lớn. DN có thể tranh thủ giờ thấp điểm để sản xuất hưởng giá thấp.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: DN trong ngành đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiết kiệm điện như lò điện hồ quang, nhiệt độ thải khí nóng được tận dụng để sấy thép phế khi đưa vào lò nung tiết kiệm điện từ 15 - 20%. DN thép còn có thể thay thế năng lượng khác như khí thiên nhiên để sản xuất nhưng chi phí đầu tư rất lớn, vượt khả năng.

Đại diện Công ty CP nhựa Bình Minh cho biết đã đầu tư thiết bị hiện đại, hằng năm xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng nên chi phí điện/sản phẩm là khá thấp so với các DN khác cùng ngành. Các DN khác có suất tiêu thụ điện năng/kg sản phẩm cao hơn còn chịu áp lực lớn hơn rất nhiều.

Theo các chuyên gia, để tiết kiệm điện, các DN cần làm nhà xưởng sản xuất tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên; hạn chế nguồn nhiệt bên ngoài xâm nhập nhà xưởng. Đồng thời, sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lượng tái tạo. Nếu DN thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó có sử dụng điện mặt trời thì có thể giảm được năng lượng tiêu thụ tới 40 - 50%.

Theo Báo Tin tức

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.