Thứ Hai, 20/05/2019 17:39

Doanh nghiệp vận chuyển than khó do nút giao Tỉnh lộ 16 lầy lội

Nút giao tại cầu vượt đang thi công trên tuyến Tỉnh lộ 16 (Hương Văn, Hương Trà) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lầy lội khiến hàng loạt doanh nghiệp khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng gặp khó.

Đầu tư 396 tỷ đồng mở rộng Tỉnh lộ 16Xe tải “cày” nát Tỉnh lộ 16

Nút giao Tỉnh lộ 16- tuyến đường độc đạo, bị sa lầy gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân lưu thông

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp khai thác, vận tải vật liệu xây dựng trên tuyến Tỉnh lộ 16 đã phản ánh lên UBND thị xã Hương Trà, kiến nghị Sở GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn) có các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, thông tuyến đi lại tại khu vực nút giao Tỉnh lộ 16.

Ngày 20/11, nhiều phương tiện chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá trên tuyến Tỉnh lộ 16 qua về nút giao trên tuyến này liên tục bị sa lầy, các xe nối đuôi nhau nhưng chỉ ít  vượt qua được. Nhiều xe tải hạng nặng bị kẹt lại khiến tình hình giao thông khá phức tạp. Những ngày trước đó, đã có 2 xe tải chở đá khi chạy qua nút giao bị sạt lở đất, xe lật bên đường. Khu vực này có nhà dân nhưng rất may không gây thiệt hại về người.

Tỉnh lộ 16 là tuyến huyết mạch nối Quốc lộ 49A và Quốc lộ 1A. Để thi công cầu vượt, đơn vị thi công gói thầu ở đây đổ đất lên cao từ 3-8m, phía hai đầu đường dẫn. Lượng đất đổ lên đã đường lu lèn nhưng do mưa kéo dài thời gian qua khiến khu vực này sụt lún, phương tiện vận tải của doanh nghiệp cũng như người dân khi lưu thông qua đây rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Ông Hồ Anh Bảo, Tổng Giám đốc Công ty Trường Sơn cho biết, việc thi công tại nút giao trên tỉnh lộ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp nhiều ngày nay do các phương tiện vận tải qua về nút giao gặp khó khăn. Đặc biệt trong những ngày mưa gần như không thể lưu thông được do phương tiện bị sụt lún, sa lầy.

“Công ty có 10 phương tiện xe tải chuyên chở đá từ mỏ (sau khi đã xay) ở Hương Vân (Hương Trà) về, bình quân khoảng 500m3/ngày. Thời gian gần đây, do đường thường xuyên bị sình lầy nên chỉ chở được 100m3/ngày. Công ty đã đề xuất phía thi công cần đảm bảo an toàn, lưu thông tại nút giao này”.

Một phương tiện bị sa lầy, không thể "vượt tuyến"

Sẽ yêu cầu đơn vị thi công san gạt, ủi đất

Không chỉ ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật liệu xây dựng mà ở hướng ngược lại, nhiều doanh nghiệp vận chuyển thiết bị, vật tư thi công từ khu vực phường Tứ Hạ theo Tỉnh lộ 16 vào thi công các công trình ở khu vực thuộc tuyến Quốc lộ 49A cũng đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng.

Ông Nguyễn Chí Cảm, Giám đốc Công Ty TNHH Tân Bảo Thành thông tin, nhiều ngày nay, việc thi công các công trình dự án của công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc vận chuyển vật tư, thiết bị qua về gặp khó khăn.

Cụ thể, đối với dự án xử lý nước rác thải ở xã Hương Bình (Hương Trà) hiện nay do tuyến Tỉnh lộ 16 bị “nghẽn” ở nút giao khiến vật tư thi công ở đây thiếu thốn dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ công trình. Trong khi đó, để vận chuyển thiết bị, vật liệu đi qua các tuyến đường khác thì quãng đường xa hơn, chi phí xăng dầu khấu hao rất lớn.

“Khảo sát ở khu vực nút giao này cho thấy, nhà thầu thi công tuyến cao tốc chỉ có đổ đá cấp phối dày phương tiện vận tải mới lưu thông được. Việc san gạt chỉ là tạm thời, nếu mưa xuống chắc chắn bị sình lầy trở lại nên về lâu dài rất khó cho các phương tiện”, ông Cảm cho biết thêm.

Theo Sở GTVT, thời gian qua, để phục vụ thi công công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Cam Lộ - La Sơn, theo quyết định của Bộ GTVT, đã huy động tuyến Tỉnh lộ 16 cùng các tuyến đường tỉnh khác như tỉnh lộ 9, 17, 17B,... thành đường công vụ để phục vụ thi công cao tốc. Khi hình thành đường công vụ thì bên tiếp quản là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì các tuyến đường này, vừa phục vụ thi công công trình, vừa phục vụ dân sinh. Sau khi hoàn thành cao tốc, đơn vị này có trách nhiệm hoàn trả nguyên trạng tuyến đường lại cho địa phương sử dụng. Sở GTVT đã yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh có phương án sửa chữa, khắc phục các điểm xuống cấp trên Tỉnh lộ 16 nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến.

Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng điều hành dự án 2 – Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thừa nhận việc xuống cấp, sình lầy tại nút giao Tỉnh lộ 16 đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng cũng như giao thông đi lại của người dân. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng các phương tiện vẫn có thể qua lại được, không có chuyện ngưng trệ sản xuất như các doanh nghiệp phản ánh.

Để đảm bảo giao thông trên tuyến, ông Hưng khẳng định trước đây đã đổ đá cấp phối bề mặt cho các phương tiện xe máy người dân lưu thông qua lại. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng yêu cầu đơn vị thi công ở đây bố trí phương tiện san gạt, ủi đất tạo mặt bằng lưu thông. “Sắp đến, Ban QLDA sẽ tiếp tục yêu cầu đơn vị thi công đưa thêm máy móc, phương tiện túc trực để san gạt, ủi đất đảm bảo lưu thông tại đây, nhất là trong những ngày nắng trở lại”, ông Hưng khẳng định.

Phương tiện khó khăn khi qua lại nút giao trên Tỉnh lộ 16 thuộc Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn

Bài, ảnh, clip: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Tông vào xe tải bên đường, hai anh em gặp nạn
Tông vào xe tải bên đường, hai anh em gặp nạn

Sáng 25/2, lực lượng chức năng tỉnh đang tiến hành cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường cao tốc La Sơn –Túy Loan, thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Hương Phú (huyện Nam Đông) và xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc).

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.