Thứ Hai, 10/02/2020 06:40

Đợi hàng hóa “quay đầu” theo giá xăng, dầu

Giá xăng, dầu sau 4 kỳ “quay đầu” đã tương đương với thời điểm đầu năm 2022, nhưng giá hàng hóa thiết yếu, nhất là thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn “đứng”, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng.

Trình thêm phương án giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt để ghìm giá xăng dầuXăng, dầu & gas có lần giảm thứ 4 liên tiếpTăng giảm phải tương xứng

Giá các mặt hàng cá, thịt, rau... ở một số siêu thị nếu có biến động không liên quan nhiều vào giá xăng, dầu

Giá thịt heo, cá… ngược chiều xăng, dầu

Tại hầu hết các chợ truyền thống, như: Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu, Trường An…, giá các mặt hàng như thịt heo, thịt gà, cá… vẫn giữ ở mức cao dù giá xăng, dầu đã “quay đầu” giảm 4 kỳ liên tiếp tới gần 7.000 đồng/lít.

Cụ thể, ngoài thịt bò (bắp hoa 250 ngàn đồng/kg, bắp rùa 150 ngàn đồng/kg, bò phi lê 240 ngàn đồng/kg…); tôm (250 – 350 ngàn đồng/kg); thịt vịt (90 – 100 ngàn đồng/kg) giá không tăng, thì thịt heo các loại tăng từ 5 – 10 ngàn đồng/kg; trứng gà ta, gà công nghiệp tăng từ 5 – 8 ngàn đồng/chục; thịt gà tăng 15 đồng/kg; cá kình từ 180 – 300 ngàn đồng/kg lên 200 – 350 ngàn đồng/kg; cá đổng, cá nục, cá ác mó… đều tăng từ 10 – 25 ngàn đồng/kg…

Trong khi đó, giá các loại rau, củ lại giảm mạnh. Bà Lê Thị Cánh – người chuyên nhập rau, củ ở chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế) cung cấp cho các bếp ăn ở KCN Phú Bài (TX. Hương Thủy) cho biết, thời điểm tháng 2, tháng 3, hành lá 38 – 40 ngàn đồng/kg nay còn 25 – 30 ngàn đồng/kg; ớt đỏ Gia Lai, Đà Lạt 60 – 80 ngàn đồng/kg giảm còn 48 – 50 ngàn đồng/kg; cải ngọt 18 -19 ngàn đồng/kg giảm còn 8-10 ngàn đồng/kg; bắp cải 13-15 ngàn đồng/kg giảm còn 12 ngàn đồng/kg...

“Tuy nhiên, giá rau, củ lên xuống thường xuyên. Có thể hôm nay giảm nhưng mai lại tăng, bởi ngoài cước vận chuyển bị tác động bởi yếu tố giá xăng, dầu, việc các mặt hàng này tăng hay giảm giá còn phụ thuộc thời tiết, được mùa, mất mùa...”, bà Cánh cho biết thêm.

Người thu nhập thấp vẫn đang đợi giá cả hạ nhiệt

Tại các điểm đại lý tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, tuy một số mặt hàng như mỳ tôm, gia vị… tăng từ 3-5% nhưng giá các mặt hàng rau, củ, thịt, cá… vẫn giữ nguyên. “Do các mặt hàng rau, củ, thịt, cá… khi nhập vào đều có hợp đồng. Nếu có biến động giá là do quá trình bàn thảo trước đó giữa nhà cung cấp và siêu thị chứ không liên quan nhiều đến giá xăng, dầu hiện nay…”, đại diện siêu thị Go! Huế thông tin.

“Nếu so ở thời điểm giá xăng, dầu tăng kỷ lục thì đến nay, một số ít mặt hàng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, mức độ giảm chưa tương xứng với giá xăng, dầu, cộng thêm một số mặt hàng thiết yếu khác vẫn neo ở mức cao khiến nhiều người thu nhập thấp cứ mãi ngóng đợi giá cả hạ nhiệt”, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (TP. Huế) chia sẻ.

Các mặt hàng thiếu yếu vẫn còn tăng giá. Ảnh: MC

Thị trường tự điều tiết

Giá xăng, dầu giảm mạnh là cơ sở giúp ghìm đà tăng và giảm giá hàng hóa trên thị trường. Nhưng giảm giá một số mặt hàng thiết yếu “ăn theo” giá xăng, dầu lại là câu chuyện khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá tăng liên quan đến vật tư, nguyên liệu đầu vào, nhân công… Tuy nhiên, khi giá xăng, dầu giảm nhưng chưa có dấu hiệu ổn định, nhà phân phối sản phẩm chưa có thông báo giảm giá các mặt hàng cung cấp… thì việc điều chỉnh giá không phải ngày một ngày hai là có thể thực hiện.

Khi xăng, dầu tăng, rất nhiều mặt hàng rất nhanh tăng theo để bù lại chi phí xăng hoặc tranh thủ “tát nước theo mưa”... Và đến thời điểm hiện tại, xu hướng này vẫn không hề giảm. Do đó, việc tiếp tục điều hành để làm sao đó, những lợi ích từ việc giá xăng, dầu giảm sẽ tới được với các mặt hàng khác.

Để điều chỉnh giá, trước mắt các đại lý tạp hóa, siêu thị… cần nhanh chóng đề nghị các nhà phân phối, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… đánh giá lại chi phí sản xuất để giảm giá hàng hóa hợp lý; đồng thời, đưa ra một số chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, giảm nhiệt thị trường. Còn với tiểu thương các chợ dân sinh, có lẽ, chấp nhận lãi ít để bán được nhiều hàng và giữ chân khách mua là giải pháp khả dĩ.

Theo Sở Công Thương, khác với các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…, thị trường ở Huế là thị trường bán lẻ, cũng như không có quỹ bình ổn thị trường liên quan đến chuyện tăng/giảm giá do xăng, dầu mà chỉ có quỹ bình ổn khi thiên tai, bão lũ. Vậy nên, việc điều tiết giá cả đối với những mặt hàng nói trên do chính thị trường quyết định.

Cũng theo Sở Công thương, hiện đơn vị đã chỉ đạo các phòng, ban và phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình mua bán các mặt hàng thiết yếu trên thị trường và tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết, bán đúng giá; ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, thao túng giá… đồng thời, lên phương án phối hợp với một số doanh nghiệp cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu; mời những đầu mối, nhà phân phối xăng, dầu lớn trên địa bàn tỉnh ký cam kết, đảm bảo phải cung cấp xăng, dầu đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Công Thương hướng tới đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng từ 8 - 9
Bộ Công Thương hướng tới đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng từ 8 - 9%

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, mục tiêu đặt ra là hướng tới việc thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 8 - 9%.

Đồng hành tháo gỡ khó khăn
Đồng hành tháo gỡ khó khăn

Việc bình ổn giá xăng, dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.