Chủ Nhật, 19/11/2017 14:15

Đòn bẩy cho phát triển công nghiệp nông thôn

Từ việc lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), năm 2020, nhiều đề án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở được triển khai.

Đổi mới công nghệ để mở rộng thị trườngĐi lên từ rừng và dịch vụ nông nghiệp

Năm 2020 sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề đệm bàng Phò Trạch

Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Từ nguồn kinh phí khuyến công, đầu năm 2020, Sở Công thương xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn đến năm 2025 để làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN. Trong đó, triển khai thực hiện hoàn thành thủ tục thành lập và lập quy hoạch chi tiết CCN Hương Phú (Nam Đông).

Để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn nhằm tạo mặt bằng thu hút các dự án đầu tư, các địa phương như Nam Đông, Phong Điền, A Lưới phân bổ nguồn vốn đầu tư hệ thống thoát nước và san lấp mặt bằng CCN Hương Hòa (Nam Đông), xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, hệ thống điện tại CCN Điền Lộc (Phong Điền), xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại CCN A Co (A Lưới). Mục tiêu của đề án là hoàn thành cơ bản hạ tầng CCN vào năm 2025; hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung chậm nhất trong năm 2022, trong đó yêu cầu có lộ trình thực hiện hàng năm, kèm theo nguồn kinh phí được phân bổ thực hiện.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, thực hiện đề án phát triển CNNT tỉnh đến năm 2025, năm 2020, huyện đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng các hạng mục như đường giao thông, lắp đặt hệ thống điện… tại CCN Điền Lộc nhằm hoàn thiện hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Năm 2019, huyện đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các cơ sở CNNT trang bị máy móc thiết bị, trong đó đầu tư 700 triệu đồng xây dựng khu trưng bày và thao diễn nghề sản xuất sản phẩm đệm bàng Phò Trạch, hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư máy điêu khắc gỗ vi tính và máy sấy nông sản, trang bị máy móc, thiết kế mẫu và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Năm 2020, thông qua đề án phát triển CNNT của tỉnh, Sở Công thương và các ban ngành, địa phương hỗ trợ các cơ sở phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để phát huy hiệu quả đề án, các đơn vị lựa chọn một số cơ sở ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ như mây tre Bao La, bún Ô Sa, bún Vân Cù, cơ sở chế biến nông sản thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu để hỗ trợ đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cải tiến mẫu mã.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển CNNT đến năm 2025 là 1.897 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ là 289 tỷ đồng (15%), vốn xã hội hóa là 1.608 tỷ đồng (85%). Đến năm 2025, tỉnh ưu tiên thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng các CCN, làng nghề; phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cơ sở CNNT, phát triển thị trường và vùng nguyên liệu phục vụ phát triển CNNT.

Theo Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La Võ Văn Dinh, thông qua đề án phát triển CNNT tỉnh, HTX được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà trưng bày sản phẩm và thao diễn nghề, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến và đào tạo nghề để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm làng nghề trong nước.

Để thực hiện mục tiêu đề án, ngành công thương đang đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm CNNT, trong đó ưu tiên hỗ trợ máy móc và nhãn hiệu cho các sản phẩm CNNT đạt giải cao tại các hội thi, bình chọn cấp tỉnh, cấp quốc gia và các thương hiệu uy tín. Ngoài ra, sẽ tập trung nguồn lực triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hằng năm vào các ngành công nghiệp có thế mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày…

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh nhận định: So với mấy năm trước, hiện trên địa bàn có khá nhiều sản phẩm CNNT và đặc sản có chỗ đứng trên thị trường, đây là kết quả của các hoạt động kết nối thị trường, hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho các cơ sở CNNT trong thời gian qua. Năm 2019, nguồn vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ trên 2 tỷ đồng cho các cơ sở CNNT, trong đó tập trung hỗ trợ các làng nghề, như mây tre đan, đệm bàng và bún tươi; năm 2020 tiếp tục lựa chọn hỗ trợ các ngành nghề có thương hiệu và đảm bảo vùng nguyên liệu.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng CCN và hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cơ sở CNNT, giai đoạn 2020- 2025 tỉnh ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất CNNT. Trong đó, hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu tràm tại huyện Phú Lộc, Phong Điền để phục vụ sản xuất và chế biến dầu tràm; nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất cho làng nghề đệm bàng Phò Trạch; vùng nguyên liệu mây tre cho làng nghề đan lát.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm sáng nông thôn
Điểm sáng nông thôn

Từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã thật sự tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức hội viên nông dân (HVND) xã Quảng Thọ (Quảng Điền) trong bảo vệ môi trường, xây dựng đường làng, ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo
Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo

Kết quả đạt được trong thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian qua phải kể đến những mô hình phát triển sinh kế đưa về các địa phương, hộ dân một cách kịp thời và thiết thực.

Chuyển đổi số Tư duy, hành động mới
Chuyển đổi số: Tư duy, hành động mới

Tại Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), địa phương đang có nhiều chuyển biến hiệu quả, thích ứng với tình hình thực tế.