Thứ Hai, 05/12/2016 06:15

Dự án thủy điện Thượng Nhật nợ người dân hàng chục tỷ đồng

Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Thượng Nhật ở xã Thượng Nhật (Nam Đông) dự kiến tháng 6/2019 sẽ tích nước, nhưng 187 hộ dân bị thu hồi đất rừng sản xuất giao cho dự án (DA) đến nay vẫn chưa được nhà đầu tư (NĐT) chi trả đền bù với số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Thực hiện đúng tiến độ giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Cảng HKQT Phú BàiSẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án bảo tồn di sảnThu hồi hàng chục dự án chậm triển khai

Tại công trình thủy điện Thượng Nhật

Dài cổ chờ đền bù

NMTĐ Thượng Nhật do Công ty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. DA được Bộ Công Thương cấp phép đầu tư năm 2007, chính thức khởi công tháng 5/2008, có tổng vốn đầu tư 158 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 154ha, với 2 tổ máy công suất 6MW. Dự kiến tổ máy số 1 phát điện vào quý 1/2010.

Sau khi khởi công rầm rộ, DA chỉ triển khai vài hạng mục nhỏ, bỏ dở việc đền bù giải phóng mặt bằng. Tháng 7/2012, DA được điều chỉnh mức đầu tư lên trên 341 tỷ đồng và tái khởi động trở lại vào năm 2016.

Ông Trần Đình Khởi, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật thông tin, để phục vụ DA, khoảng 187 hộ dân trên địa bàn xã, tập trung chủ yếu ở thôn 2 (bị thu hồi hàng trăm ha đất rừng sản xuất để giao cho nhà đầu tư). Theo đó, số tiền đền bù cho các hộ dân đã được các ngành chức năng và nhà đầu tư phê duyệt là hơn 22 tỷ đồng. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, người dân chưa được chi trả. “Người dân thì rất sốt ruột vì nghe DA sắp tích nước mà tiền vẫn chưa được bồi thường còn nhà đầu tư, họ cứ hẹn mãi. Lúc đầu, họ hẹn trước tết 2019 nhưng sau tết vẫn không thấy trả, rồi họ hẹn qua tháng 3, tháng 4, tháng 5 nhưng vẫn không có. Cuối tháng 5/2019, tôi có gọi điện cho ông giám đốc NMTĐ Thượng Nhật để hỏi về số tiền đền bù thì ông nói đang ở Hà Nội để làm thủ tục… vay tiền”- ông Khởi nói.

Qua tìm hiểu, phần lớn các hộ dân nằm trong diện đền bù là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn và chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Đức (trú thôn 2) là một trong những hộ dân bị thu hồi rừng sản xuất nhiều nhất và được phê duyệt bồi thường gần 1 tỷ đồng. Hơn 3 năm nay, gia đình ông Đức chờ “dài cổ” nhưng vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Không biết tìm chủ đầu tư ở đâu, ông Đức cùng nhiều hộ dân khác liên tục đến UBND xã để hỏi tiền đền bù giải phóng mặt bằng. “Rừng sản xuất của chúng tôi, thủy điện đã lấy rồi; người dân không còn nghề nên đành đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày. Chúng tôi mong muốn, các ngành chức năng sớm vào cuộc, yêu cầu nhà đầu tư sớm trả tiền đền bù để dân chuyển nghề mới. Nếu tình trạng này kéo dài thì cuộc sống người dân ngày càng khốn khổ, con cái trước nguy cơ bỏ học”- ông Hồ Văn Trân, một trong những người thuộc diện bền bù bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Đoàn (61 tuổi - cán bộ hưu trí) cũng bị thu hồi nhiều diện tích đất sản xuất và được phê duyệt bồi thường hơn 400 triệu đồng. “Tui chờ hoài vẫn chưa thấy họ chi trả tiền đền bù trong khi rừng mình không còn. Tiền đền bù cũng không có nên gia đình không biết tính chuyển nghề gì cho con cái cả”- ông Đoàn lo lắng.

Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, những ngày cuối tháng 5/2019, người dân đã bất bình trước sự chây ì đền bù của chủ đầu tư và không đồng ý với mức giá đền bù được công ty đưa ra vì chưa thỏa đáng và chưa công khai.

Nhà dân bị nứt do tác động của việc nổ mìn chưa được đền bù

"Chưa đền bù đầy đủ cho dân thì không thể tích nước"

Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế liên quan đến việc công trình thủy điện Thượng Nhật đang sắp cán đích nhưng chưa chịu chi trả đền bù cho người dân, ngày 30/5, ông Trần Quốc Phụng- Chủ tịch UBND huyện Nam Đông xác nhận, đến thời điểm này, nhà đầu tư vẫn còn nợ của người dân hơn 22 tỷ đồng tiền đền bù liên quan đến thu hồi đất rừng sản xuất. Người ít thì khoảng 150 triệu đồng, người nhiều gần 1 tỷ đồng. Trước câu hỏi, theo quy định của pháp luật, bất kỳ một DA nào trước khi triển khai thì nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước, trong đó có việc chi trả đền bù giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, vì sao DA này chưa chi trả nhưng vẫn triển khai thi công, ông Phụng cho rằng, do lúc đó, nhà đầu tư nói là khó khăn và hứa quá trình thi công sẽ sớm chi trả đền bù cho dân.

Nói về thông tin DATĐ Thượng Nhật dự kiến tháng 6/2019 này sẽ tích nước trong khi tiền đền bù của dân vẫn còn “treo”, ông Phụng khẳng định: “Khi chưa đền bù đầy đủ cho dân thì chắc chắn DA sẽ không thể tích nước được. Huyện cũng đã làm việc với chủ đầu tư về việc chi trả bồi thường cho dân nhưng họ nói chưa có tiền và đợi đi vay ngân hàng”.

Nhà cửa hư hỏng chưa được hỗ trợ, đền bù

Ngoài khoản nợ người dân hơn 22 tỷ đồng nói trên, trong quá trình thi công, DATĐ Thượng Nhật còn làm đất đá bay vào nhà dân và rung chấn làm nứt nhà của 46 hộ dân ở xã Thượng Nhật. Hiện, việc khảo sát, kiểm đếm mức độ hư hỏng nhà cửa của người dân vẫn chưa được phía công ty thực hiện. Người dân mong muốn chủ đầu tư có động thái nhằm hỗ trợ, đền bù thỏa đáng để người dân sửa chữa nhà cửa.

Bài, ảnh: Thái Sơn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án liên quan chương trình giảm phát thải mang lại nhiều hiệu quả
Dự án liên quan chương trình giảm phát thải mang lại nhiều hiệu quả

Sáng 22/2, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trong thực hiện, giám sát và đánh giá Chương trình Giảm phát thải (ER-P)”.