35,7% là tỷ lệ của tổng lượng khách đến Huế (1.603.456 lượt) trong 11 tháng so với năm 2019. Cũng trong mốc so sánh, tổng doanh thu du lịch trên địa bàn trong khoảng thời gian này chỉ đạt 3.703.499 triệu đồng, bằng 32,57%. Nếu đặt trong sự so sánh theo kế hoạch đề ra từ đầu năm là 3-5 triệu lượt trong năm 2022, trong khi chỉ còn số lượt khách của tháng 12, có thể chắc chắn là năm 2022 này, du lịch Huế không thể cán đích.
Đây là con số thấp không chỉ so với kế hoạch đặt ra mà cả với những gì mà chúng ta kỳ vọng. Từ cuối tháng 3 đến suốt cả mùa hè, lượng khách đến Huế khá đông, nhưng có vẻ như cũng chỉ tập trung trong một khoảng thời gian nhất định. Cũng dễ nhận thấy đa phần là khách nội địa, nên điều này có thể trả lời cho chất lượng của doanh thu.
Nhưng đây cũng không phải là vấn đề riêng của Thừa Thiên Huế. Xấp xỉ 3 triệu trong năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt con số gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhưng so với năm 2019 – thời điểm trước dịch – vẫn giảm ở trên 81% (nguồn Tổng cục Thống kê). Lượng khách du lịch nội địa thì có vẻ khả quan hơn, ở mức 96,3 triệu lượt, cao hơn cả tổng lượng khách trong năm 2019.
Ở khía cạnh doanh thu, chỉ có trên 32% doanh nghiệp cho hay, doanh thu có tăng so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận về số lượt khách phục vụ, 60% doanh nghiệp cho biết đang ở dưới mức trước đại dịch.
Có một vấn đề mà nhiều người quan tâm, cũng như được đặt câu hỏi, xới xáo vấn đề, rằng vì sao mở cửa du lịch sớm hơn hẳn nhưng việc phục hồi hoạt động du lịch của Việt Nam vẫn chậm so với nhiều nước khác như Thái Lan, Singapore, Indonesia? Trả lời câu hỏi này của báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn quốc gia (TAB) khẳng định, mấu chốt vẫn là vấn đề visa và làm thế nào để khách quốc tế đến Việt Nam có thể ở lại nhiều hơn 15 ngày, bao gồm nới rộng hơn thời gian lưu trú, thông thoáng và tiện ích trong gia hạn trên cơ sở tăng cường kiểm soát và đảm bảo an ninh. Tăng sự cạnh tranh, trước mắt là so với các nước trong khu vực thì ít nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 10% lượt mỗi năm – nhận định đến từ chuyên gia của TAB.
Tất nhiên, bên cạnh vấn đề về visa, lĩnh vực kinh doanh du lịch – dịch vụ còn cần đến những trợ lực thúc đẩy khác về sản phẩm du lịch, nguồn cung lao động, chất lượng nguồn nhân sự và đương nhiên là cả chất lượng của dịch vụ.
Trở lại vấn đề đối với Thừa Thiên Huế, chúng ta vẫn nhận thấy năm 2022 vẫn là năm nhiều áp lực. Chúng ta có Festival 4 mùa, có thêm nhiều điểm đến nhưng ngoài việc phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế, việc làm sao và làm thế nào để tăng nguồn khách bằng thời điểm trước dịch không phải là điều dễ dàng. Việc tăng chất lượng nguồn thu đã khó và việc cán đích theo kế hoạch hiện vẫn khó. Nhưng cũng không vì vậy mà chúng ta không kỳ vọng, khi mà những vấn đề vĩ mô sẽ được giải quyết, tháo gỡ ở tầm vĩ mô; những vấn đề thuộc về cơ chế, nguồn lực địa phương sẽ được tháo gỡ ở địa phương ngay trong thời gian tới.
Minh Hà