Thừa Thiên Huế đã về nhất trong cuộc đua xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là chỉ số PAPI) với số điểm 48,059. Về nhì là Bình Dương với số điểm 47,178 điểm. Những tỉnh có chỉ số từ 47 điểm trở lên thuộc hàng hiếm. Ngoài Bình Dương chỉ có thêm Thanh Hóa: 47,102 điểm.
Thừa Thiên Huế đã làm một bước nhảy vọt ngoạn mục. Năm 2020, tỉnh về nhất là Quảng Ninh với số điểm 48,81 điểm. Đơn vị về nhì và ba chỉ hơn 46 điểm. Cũng trong năm này, Thừa Thiên Huế xếp thứ 10.
Chỉ số PAPI là chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công, gồm 8 chỉ số thành phần. Nhìn vào 8 chỉ số thành phần, chúng ta có thể thấy chỉ số này đo lường một nền hành chính công vận hành để phục vụ người dân và doanh nghiệp có tốt hay không; tốt ở mức độ nào; tính minh bạch ra sao; có nhũng nhiễu, tham ô tham nhũng hay không…
8 chỉ số thành phần đó là: mức độ tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai việc ra quyết định cấp địa phương, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, quản trị điện tử.
Chúng ta vượt lên 9 bậc để chiếm ngôi đầu, không phải là các tỉnh yếu hơn mà chính sự phấn đấu vượt bậc của chúng ta. Điều này được thể hiện qua sự tăng lên của các chỉ số thành phần. So với năm 2020, phần lớn các chỉ số thành phần chúng ta đều tăng cao. Ví dụ như chỉ số công khai việc ra quyết định cấp địa phương - năm trước chỉ có 5,47 điểm thì năm nay nhảy vọt lên 6,203 điểm. Tương tự, chỉ số kiểm soát tham nhũng là 7,32/ 7,772 điểm…
Duy nhất chỉ có chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân là thấp điểm hơn – năm 2020 là 5,03 điểm và năm 2021 là 4,575 điểm.
Để có được kết quả này, chúng ta đã có một sự chuẩn bị, cố gắng phấn đấu rất lớn. Từ giữa năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch duy trì và nâng cao chỉ số PAPI. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách, nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Điều này có thể hiểu, mọi công việc, mọi trách nhiệm đều có địa chỉ, đều có người chịu trách nhiệm cụ thể chứ không phải nói chung chung. Và kết quả là bộ máy hành chính công vận hành khá tốt để có được kết quả như ngày hôm nay.
Như trên đã nói, hiểu một cách khái quát chỉ số PAPI là nhằm đo lường xem thử một nền hành chính công vận hành có tốt không? Mà nền hành chính vận hành cốt lõi là để phục vụ cho nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là đo lường việc tạo dựng môi trường làm việc, sinh sống và kinh doanh.
Người ta thường nói, để đạt được một danh hiệu đã khó, giữ vững danh hiệu lại càng khó hơn. Trong cuộc đua tạo dựng môi trường, chúng ta có thể thua bạn kém em ở một thời điểm nào đó. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tạo dựng một môi trường ngày càng tốt hơn, tức là chỉ số thành phần của chính chúng ta năm sau phải cao hơn năm trước.
Lê An Bình