Thứ Năm, 10/09/2015 13:15

Festival Huế mang đến nhiều cơ hội

Hàng trăm nghìn du khách đến Huế, hàng triệu lượt người tham gia vào lễ hội là con số mà Ban tổ chức Festival Huế thống kê trong các kỳ vừa qua. Kéo theo đó là nhu cầu về ăn uống, vui chơi cũng tăng tỷ lệ thuận.

Người dân đang chờ đợi kỳ Festival Huế lần thứ 10 diễn ra

Kinh doanh hiệu quả

Từ các khách sạn, nhà hàng, tiểu thương chợ Đông Ba, dịch vụ taxi, xích lô, đến người dân bán nước dọc đường… ai cũng “tươi” hơn vì kinh doanh có hiệu quả.

Ban quản lý chợ Đông Ba cho biết, trong thời gian diễn ra Festival Huế, tình hình kinh doanh ở chợ nhộn nhịp hơn hẳn nhờ vào lượng khách du lịch đến chợ tăng 20-30% so với những ngày thường. Không chỉ đến tham quan, nhiều du khách đến còn để mua hàng lưu niệm, như nón lá, áo dài… Chị Lê Thị Cúc, một tiểu thương bán nón lá cho hay, có những kỳ Festival Huế, nón bài thơ “cháy hàng” do khách đến mua tăng mạnh. Vào những ngày nắng nóng, có nhiều vị khách đã đến mua rồi, khi đi chơi sử dụng nên quay lại lần hai để mua mang về nhà. “Festival Huế 2018 sắp đến rồi, chắc tôi phải dự trữ hàng sớm, lỡ đến đó lại hết nón để bán”, chị Cúc hồ hởi.

Đắt khách nhờ festival phải nói đến dịch vụ xích lô du lịch. Anh Hoàng Văn Huế, Tổ trưởng tổ xích lô du lịch cửa Hiển Nhơn, cho biết: “Trong những ngày diễn ra Festival “anh em” gần như chạy hết công suất. Ngày thường chạy nhiều vào ban ngày, ban đêm có tour đặt trước mới chạy, không thôi về nhà nghỉ ngơi. Nhưng vào những ngày festival diễn ra, chạy ban đêm nhiều hơn cả ban ngày. Do vậy, ai cũng mong đợi đến ngày, khách đến nhiều hơn để có nhiều “cuốc” xe hơn”.

Nhớ lại kỳ Festival gần nhất, một người bán nước dọc đường Lê Lợi (xin được giấu tên) chia sẻ, hôm đó ở bia Quốc Học diễn ra một chương trình lớn, khách đến xem rất đông. Trời nóng, dù đã lường trước nhu cầu khách mua nước uống sẽ tăng, chuẩn bị rất nhiều nước nhưng cũng không đủ. Tôi phải điện thoại liên tục để người nhà mang đến.

Điểm nhấn

Cách đây mấy hôm, facebook của tôi nhắc lại kỷ niệm về một clip đã chia sẻ 4 năm về trước. Clip này kể lại câu chuyện của một chàng trai miền Nam ra Huế du lịch, tình cờ gặp một cô gái Huế. Hai người xa lạ, nhưng cứ “đụng” nhau liên tục trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cảm mến, nhưng thời gian lưu lại Huế của chàng trai quá ngắn nên cả hai cùng hẹn một dịp khác gần nhất và cô gái liền hẹn chàng trai vào đúng thời gian Festival Huế năm 2014. Clip này được dàn dựng lại từ một câu chuyện có thật, để thấy festival là cơ hội để những đôi tình nhân hẹn hò, là chất “xúc tác” để những đôi lứa đến gần bên nhau.

Nói lại về hoạt động xích lô du lịch, anh Hoàng Văn Hiếu không ngần ngại dành những lời cám ơn cho Festival Huế. Anh nói, ngoài việc tăng thêm thu nhập, trước mỗi kỳ festival, đội ngũ xích lô đều được tập huấn về kỹ năng, nhất là về tiếng Anh, nhờ thế,  tôi đã giao tiếp được với khách và nhất là có thêm những từ ngữ mới, trang bị thêm một số cử chỉ, hành động chuẩn mực và ăn mặc đẹp hơn. Vào những ngày đó, thấy mình như người quảng bá văn hóa Huế hơn là người đạp xe xích lô chở khách.

Ra chợ Đông Ba những ngày Festival Huế, ấn tượng nhất là tiểu thương mặc áo dài để bán hàng. “Nhiều du khách đến mua hàng, thấy chúng tôi mặc áo dài, liền “bắt” đội nón lá vào để chụp ảnh. Dù khá bất ngờ, nhưng thấy mình trở thành “người mẫu” bất đắc dĩ lại thấy vui. Thú thật, cả năm buôn bán, chỉ vào những dịp cưới hỏi con cháu mới diện được áo dài. Ban đầu khá nhiều người bảo khó chịu, nhưng sau đó, tuy có vướng víu thật, nhưng đầy tự hào.

Một chủ trương xuyên suốt của Festival Huế là đưa lễ hội về các vùng quê để những người dân ở đó được hòa mình. Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2018 cho hay, từ những manh nha ban đầu đó đã hình thành được một số lễ hội, như Lăng Cô biển gọi, Thuận An biển gọi, Sóng nước Tam Giang... Năm nay, Ban tổ chức Festival Huế sẽ cố gắng tăng tần suất đưa đoàn nghệ thuật về với các huyện, thị xã và chất lượng nghệ thuật cao nhất có thể.

Nhiều người cho rằng Huế trầm lắng. Nhưng đến những ngày này mới biết Huế rộn ràng, vui tươi như thế nào. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đánh giá, mục tiêu của Festival Huế là tạo ra một Huế nguyên bản trong các lễ hội truyền thống, và có một Huế khác biệt, sôi động, độc đáo trong những lễ hội mang hơi hưởng đương đại. Đó là những tiêu chí cơ bản để đưa Huế trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Tất nhiên, còn có những ý kiến khác nhau về Festival Huế, nhưng có một điểm chung mà ai cũng phải thừa nhận, festival vẫn là điểm nhấn của Huế, mỗi khi nhắc đến Huế là nhắc đến festival.

Bài, ảnh: Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón cơ hội việc làm mới từ thị trường lao động
Đón cơ hội việc làm mới từ thị trường lao động

Đầu năm, thị trường lao động sôi động trở lại. Tâm thế của người lao động đang bắt nhịp đà khắc phục hậu dịch bệnh và tìm kiếm công việc phù hợp, ổn định để vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời gian qua.

Cơ hội phục hồi cho ngành thép Việt Nam
Cơ hội phục hồi cho ngành thép Việt Nam

Sau một thời gian dài giá các mặt hàng sắt thép liên tục lao dốc, cộng thêm sức ép về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngành thép Việt Nam đã và sẽ đối diện với nhiều thách thức, nhất là về năng lực tiêu thụ khi thị trường còn tiềm ẩn rủi ro. Trong bối cảnh đó, kênh xuất khẩu được nhận định sẽ là cửa sáng đối với các doanh nghiệp thép để giải bài toán tiêu thụ.

Những sự kiện nổi bật có thể định hình lại châu Á trong năm 2023
Những sự kiện nổi bật có thể định hình lại châu Á trong năm 2023

Trong năm 2023, châu Á sẽ đón nhận những cơ hội và cả những thách thức mới khi đang phục hồi từ sau đại dịch COVID-19. Dưới đây là những sự kiện nổi bật được liệt kê theo thứ tự thời gian, được xem là sẽ góp phần định hình lại khu vực này trong năm 2023:

“Kỹ nghệ” Festival Huế
“Kỹ nghệ” Festival Huế

Sau sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, Festival Huế đang thực hiện vai trò lớn lao hơn của mình là góp phần phát triển kinh tế - xã hội.