Thứ Bảy, 25/04/2020 15:35

Gập ghềnh đường lên đỉnh Olympia

Sau hơn 22 năm phát sóng, "Đường lên đỉnh Olympia" đã trở thành niềm đam mê của rất nhiều bạn học sinh. Được đứng trên trường quay S14, trả lời những câu hỏi và giành được chiếc vòng nguyệt quế là ước mơ ấp ủ của nhiều thế hệ học sinh Thừa Thiên Huế. Nhưng cánh cửa đến với đỉnh núi tri thức không phải lúc nào cũng rộng mở.

Nguyễn Minh Triết tham dự "Đường lên đỉnh Oympia" năm thứ 23Xác định 4 thí sinh tham dự chung kết Nguyệt Quế Đỏ IV

Cần có thêm nhiều sân chơi học thuật chất lượng như Nguyệt quế đỏ

Nhiều dấu ấn trong lòng khán giả

Nhắc đến Thừa Thiên Huế tại Đường lên đỉnh Olympia, người ta có thể nghĩ ngay đến Trường THPT chuyên Quốc Học với bề dày thành tích tại sân chơi này: 5 lần có thí sinh lọt vào trận chung kết năm và hai nhà vô địch Hồ Ngọc Hân (năm 2009) và Hồ Đắc Thanh Chương (năm 2016). Tại năm thứ 22 của chương trình, đại diện của Quốc Học Huế, em Phan Lê Thúc Bảo cũng đạt thành tích tốt, nhưng cũng chỉ dừng bước ở cuộc thi quý.

Huế không chỉ có Trường THPT chuyên Quốc Học. Những năm gần đây, khán giả xem truyền hình ấn tượng với nhiều gương mặt đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hẳn nhiều người còn nhớ sự điềm tĩnh, tự tin đã giúp em Tôn Thất Chính (Trường THPT Hai Bà Trưng) giành được vòng nguyệt quế tại cuộc thi tuần 3, tháng 1, quý 3 của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17; sự bản lĩnh, vững vàng trong hai phần thi câu hỏi phụ của Hoàng Anh Quân (Trường THPT Nguyễn Huệ), thí sinh đã vào đến cuộc thi  quý tại "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 20. Hay gần đây nhất, tại "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 22, em Phạm Đức Lương (THPT Thừa Lưu) khiến người xem trầm trồ khi giải được chướng ngại vật khi chưa có gợi ý nào được lật mở tại trận tuần 3, tháng 2, quý 3, qua đó tiến bước vào vòng thi tháng.

Chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" là đam mê và mơ ước của nhiều em học sinh trên địa bàn tỉnh và các em cũng tràn đầy tiềm năng trong việc đạt thành tích cao tại sân chơi này. Tuy nhiên, việc thiếu vắng những sân chơi theo motip của "Đường lên đỉnh Olympia" tại trường học khiến các em gặp khó trong việc duy trì đam mê. Thậm chí, nhiều em còn chia sẻ rằng, nếu không đậu vào Trường THPT chuyên Quốc Học, cánh cửa đến với đỉnh Olympia cũng coi như đã khép lại.

Khó duy trì sân chơi

Những năm thập niên 2010, bên cạnh Tiếp lửa tài năng (hay sau này là "Nguyệt quế đỏ") của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, "Khơi nguồn tri thức" của Trường THPT Hai Bà Trưng và "Chinh phục Olympia" của Trường THPT Nguyễn Huệ cũng được nhiều người biết đến như là một cuộc thi nhằm tuyển chọn thí sinh đại diện cho trường tham dự chương trình "Đường lên đỉnh Olympia". Tuy nhiên sau một vài năm, "Khơi nguồn tri thức" và "Chinh phục Olympia" dần “rơi rụng” và hiện nay không còn được tổ chức lại.

Nguyễn Nhật Huy, Trưởng Ban chuyên môn của Nguyệt Quế Đỏ mùa 3 cho biết, “linh hồn” của chương trình nằm ở các câu hỏi. “Đối với những cuộc thi như "Đường lên đỉnh Olympia", nội dung các câu hỏi bám sát vào chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, tuy nhiên cách ra đề lại không hề giống như cách các bạn thường làm bài kiểm tra ở lớp. Điều đó đòi hỏi đội ngũ soạn câu hỏi phải thường xuyên theo dõi chương trình để biết cách soạn đề sao cho chất lượng nhất. Đó cũng là cái khó của nhiều chương trình theo mô-típ của Olympia tại trường học khi các thầy, cô giáo viên không có nhiều thời gian rảnh để theo sát "Đường lên đỉnh Olympia" được”, Nhật Huy chia sẻ.

Bên cạnh các câu hỏi, phần mềm được sử dụng trong các chương trình sẽ quyết định mức độ cạnh tranh cũng như sự thành công của chương trình. Nếu phần mềm thường xuyên gặp vấn đề trong quá trình tổ chức cuộc thi, các trận thi đấu sẽ phần nào bị vỡ vụn và thí sinh sẽ có phần chán nản. Tuy vậy, số lượng phần mềm phục vụ cho các cuộc thi Olympia hiện nay khá khiêm tốn về số lượng lẫn chất lượng nên cũng là một khó khăn trong việc tổ chức sân chơi trí tuệ này trong trường học.

Ngoài những yếu tố kể trên, kinh phí tổ chức cũng là vấn đề nan giải đối với các trường. Theo cô giáo Nguyễn Ngọc Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, "Đường lên đỉnh Olympia" là một sân chơi rất bổ ích nhưng cũng khó duy trì khi thiếu đội ngũ và kinh phí tổ chức. “Trường THPT chuyên Quốc Học có thể duy trì "Nguyệt quế đỏ" như một sân chơi học thuật vào mỗi mùa hè nhờ vào đội ngũ tổ chức là các bạn cựu học sinh là sinh viên, kinh phí cũng được các bạn chủ động đi xin từ các nhà tài trợ. Đó là điều mà các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh chưa thể thực hiện được”, cô Hà phân tích.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo môi trường để học sinh rèn luyện, trưởng thành
Tạo môi trường để học sinh rèn luyện, trưởng thành

Trong ngôi trường nổi tiếng về thành tích học tập, Đoàn Trường THPT chuyên Quốc Học Huế đã cụ thể hóa hoạt động làm theo lời Bác bằng những công trình, phần việc thanh niên gắn với nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy.