Thứ Ba, 09/06/2020 07:02

Giảm giảng đường, tăng cường đến doanh nghiệp

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) nhằm đào tạo nguồn nhân lực sát với nhu cầu thị trường lao động là một trong những yêu cầu đòi hỏi các đơn vị đào tạo đại học (ĐH) phải đổi mới.

Tuyên dương 13 giảng viên trẻ tiêu biểu của Đại học HuếThầy giáo mặc áo blouseTân sinh viên và những bỡ ngỡ đầu năm học40 học viên được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị tích cựcTìm giải pháp cho công tác chuyển đổi số lĩnh vực báo chí

Cán bộ doanh nghiệp trao đổi với sinh viên

Nhiều vấn đề đặt ra

Khác với giai đoạn trước, các đơn vị đào tạo ĐH hiện nay đều đẩy mạnh ký kết hợp tác với hàng chục DN. Ngay một đơn vị đào tạo mới thành lập năm 2019 như Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế, nhưng đến nay đã hợp tác với khoảng 30 DN, tập đoàn.

Mở rộng hợp tác với DN là tín hiệu tích cực, song, hiệu quả từ hợp tác vẫn còn những trăn trở. Đặc biệt, làm sao để thúc đẩy vai trò của DN trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn luôn là vấn đề đáng được quan tâm.

TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho biết, đến nay, cơ cấu thời lượng cho sinh viên thực hành, thực tập, thực tế tại DN đã chiếm khoảng 40%, nhưng với những ngành kỹ thuật và công nghệ, phải làm sao nâng tỷ lệ đó lên 50%. Đồng thời, sinh viên cần được trải nghiệm, rèn luyện các kỹ năng nghề, kỹ năng mềm đúng theo yêu cầu thực tiễn của DN.

Dưới góc độ đào tạo ngành đặc thù, ông Trần Nguyên Phong, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho rằng, hiện 2 kỳ thực tập của sinh viên có thời gian khoảng 5 tháng. Muốn tăng thời lượng, nhưng để thay đổi cơ cấu khung chương trình có nhiều vướng mắc. Mặt khác, một số DN cũng muốn tiếp nhận nhiều sinh viên thực tập, nhưng hạn chế về không gian nơi làm việc.

Theo PGS.TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế, nguyên lý đào tạo bậc ĐH là đào tạo tư duy, chú trọng nền tảng lý thuyết gắn kết với thực hành. Việc xây dựng các kỳ thực tập, chương trình thực tế tại DN khá tốt, trái lại, việc đưa DN vào tham gia vào quá trình đào tạo không phải trường hợp nào cũng thuận lợi. Họ tham gia với tư cách hỗ trợ thực hành có thể tốt, nhưng đào tạo lý thuyết thì ngược lại, nguyên nhân liên quan đến nghiệp vụ sư phạm, cũng như những tiêu chuẩn quy định giảng viên đứng lớp. “Nhiều người là cán bộ, lãnh đạo DN, giỏi về nguyên tắc vận hành DN, nhưng lại không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn giảng viên dạy ĐH phải là thạc sĩ trở lên, đây cũng là điểm khó để họ tham gia vào giảng dạy”, PGS.TS. Phan Thanh Hoàn phân tích.

Đại diện lãnh đạo Trường Du lịch - ĐH Huế cho hay, bài toán khó nhất là giúp sinh viên trải nghiệm, thực tập quản lý. Các DN tuyển thực tập sinh cũng đòi hỏi phải làm được việc. Với thực tập quản lý, DN không muốn mạo hiểm cho sinh viên thực tập nên người học hầu như không có cơ hội. Có chăng, sinh viên chỉ được nghe các nhà quản lý DN chia sẻ.

Tại các ngày hội việc làm, câu chuyện về khoảng cách từ giảng đường đến thực tiễn công việc vẫn còn. Theo đại diện một công ty, thực trạng chung của DN sau khi tuyển dụng chưa thể giao việc ngay mà phải đào tạo thêm. Lý do là nhà trường chỉ đào tạo nền tảng cốt lõi, khi ra thực tiễn mỗi DN có những điểm khác nhau. Chỉ khi trải nghiệm, thực tập, thực tế nhiều mới giúp sinh viên nhanh chóng thích ứng. “Môi trường, văn hóa DN, kỹ năng nghề nghiệp là những điều sinh viên cần phải học nhiều ở thực tiễn”, đại diện DN cho hay.

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng và tuyển thực tập sinh đối với sinh viên

Tăng tính thực tiễn từ doanh nghiệp

Mục tiêu đào tạo là cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, sinh viên ra trường phải thích ứng với thị trường lao động. Điều đó đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ hơn từ nhà trường và các đơn vị, DN mà câu chuyện “giảm giảng đường, tăng cường đến DN” vốn đã nói nhiều, nhưng vẫn còn rất mới.

Giải quyết vấn đề trên, nhà trường và DN phải ngồi lại tháo gỡ những rào cản, tìm lợi ích giữa các bên để phối hợp. Theo đại diện Trường ĐH Nông Lâm, không cần đợi đến các năm cuối mà ngay sau năm 1, đơn vị đào tạo có thể triển khai cho sinh viên thực hành, thực tế tại DN để liên hệ thực tế ngay sau khi học lý thuyết. Ngoài ra, có thể cùng DN phối hợp tổ chức các học kỳ tại DN cho người học.

PGS.TS. Nguyễn Đức Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế cho biết, từ những ký kết hợp tác, năm nay, nhà trường sẽ tăng thời gian thực tập dài hơn, từ 2-3 tháng lên 4-6 tháng. Sinh viên thực tập đảm nhận và trải nghiệm nhiều vị trí công việc. DN cũng sẽ tăng hỗ trợ (một phần lương) ở những tháng sau cho sinh viên thực tập khi đã quen việc. Ngoài ra, nhà trường sẽ mời các DN về tổ chức các khóa học về nghiệp vụ theo hướng đào tạo nguồn (ngoài các học phần khung chương trình), từ đó giúp sinh viên đỡ bỡ ngỡ và DN cũng chủ động hơn trong việc lựa chọn nguồn nhân lực.

Một trong những yêu cầu để hợp tác với DN là cần linh hoạt thích ứng. Theo ông Phong, phải dựa trên những thuận lợi và khó khăn từ cả hai phía để tháo gỡ. Như câu chuyện không gian thực tập, để tiện cho hoạt động thực hành, thực tập, nhà trường đã bố trí không gian thực hành DN khoảng 300m2 tại trường, DN cử chuyên gia đến hướng dẫn như cách đào tạo nguồn qua đó tăng thời lượng thực hành cho sinh viên. Khoa cũng nắm bắt nhu cầu của DN tuyển thực tập sinh, để thông báo, phối hợp, tạo điều kiện cho sinh viên ứng tuyển các vị trí của doanh nghiệp theo dạng bán thời gian, ngoài hai kỳ thực tập bắt buộc.

Hiện nay các trường cũng phải cải tiến chương trình đào tạo theo hướng giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn, rèn luyện khả năng thích ứng khi ra trường, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức phối hợp DN để có thể cập nhật, đưa những thực tiễn nghề nghiệp đến với người học.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng dầu giảm mạnh
Giá xăng dầu giảm mạnh

TPO - Từ 15h ngày 14/12, giá các loại xăng giảm từ 778 - 917 đồng/lít, trong khi đó giá dầu cũng giảm ở mức tương đối. Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng dầu giảm.

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.