Thứ Ba, 06/01/2015 12:22

Giám sát chặt hoạt động khai thác có phép cũng như trái phép

Sáng 6/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi,

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông vẫn tái diễn

Cả nước có 824 mỏ cát, sỏi được cấp giấy phép khai thác; trong đó, có hơn 90 dự án nạo vét, cải tạo luồng lạch đường thủy được cấp phép. Hơn 500 bến bãi kinh doanh được cấp phép và hàng trăm bến bãi tự phát.

Mặc dù được cấp phép, nhưng các đơn vị khai thác vẫn vi phạm như: không thả phao trong phạm vi khai thác, khai thác quá số lượng cho phép, vượt số lượng tàu thuyền đăng ký, bán trực tiếp trên sông mà không có chứng từ, hóa đơn mua bán… Đối với các dự án được cấp phép nạo vét, cải tạo luồng lạch vẫn để xảy ra vi phạm do khai thác ngoài phạm vi cấp phép, chỉ nạo vét vị trí có cát mà không nạo vét ở những điểm có bùn, khai thác vượt số lượng, số tàu cho phép…

Thời gian qua, hoạt động khai thác trái phép đã hạn chế, nhất là ở những vùng trọng điểm. Song, tình trạng khai thác chui, khai thác vào ban đêm vẫn tồn tại. Việc tập kết cát, sỏi tại các bến bãi chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến dòng chảy, đê bao…

Theo báo cáo của Bộ Công an tại hội nghị, từ đầu năm đến nay, ngành đã phát hiện, xử lý trên toàn quốc 3.282 vụ vi phạm, bằng 75% số vụ trong năm 2016; xử phạt vi phạm hành chính trên 17,2 tỷ đồng, bằng 41% số tiền xử phạt so với năm 2016.

Dù được cấp phép, nhưng một số đơn vị khai thác vẫn xảy ra vi phạm

Tại thừa Thiên Huế, công tác quản lý khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông có những chuyển biến tích cực, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển KT-XH. Phần lớn các tổ chức được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông thực hiện khá nghiêm túc quy định pháp luật, hoạt động khai thác từng bước đi vào nề nếp, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ xây dựng trên địa bàn, đóng góp vào nguồn ngân sách Nhà nước thông qua các nghĩa vụ tài chính.

Tuy vậy, tình hình khai thác cát, sỏi còn diễn ra trái phép ở một số địa phương như, TP. Huế, Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền. Từ năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 400 trường hợp vi phạm trên tuyến sông Hương, sông Bồ với tổng số tiền xử phạt hơn 1,97 tỷ đồng. Đầu năm 2017 đến nay, Chánh Thanh tra Sở TNMT ban hành 39 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 39 cá nhân có hành vi vi phạm khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép với tổng số tiền phạt 219 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã giảm đáng kể, công tác quản lý của chính quyền địa phương từng bước được tăng cường.

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 07 về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu liên quan đến phạm vi, thời gian hoạt động khai thác, vận chuyển trên sông; trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép; thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác và các bãi tập kết có phép. Khảo sát quy hoạch các bến bãi tập kết và kinh doanh cát, sỏi đảm bảo phù hợp với quy hoạch dân cư, đô thị để kịp thời bổ sung quy hoạch…

                                                                             Tin, ảnh: Hoài Thương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm đặc trưng của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao
Sản phẩm đặc trưng của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao

Đó là vinh dự lớn của tỉnh tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị diễn ra tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được tổ chức ngày 5/2, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.