Thứ Năm, 11/10/2018 16:00

Giản đơn là yêu Huế

Sáng chủ nhật, mượn chiếc xe đạp của con trai, tôi đạp lòng vòng qua các con đường của Huế. Yên tĩnh, sạch sẽ và rợp bóng cây xanh. Những con đường vì thế cứ làm tôi mê nhớ quay quắt mỗi khi phải xa Huế dù chỉ có vài ngày.

Nghĩ về “giấc mơ Huế”Không còn là giấc mơ

Rời những con đường đẹp như tranh vẽ bên Thành nội, tôi đạp xe qua cầu Trường Tiền về phố thị phía bờ Nam sông Hương. Đường Lê Lợi thì không cần phải nói. Con đường “đẹp đến từng cm” từ xưa đến nay và đang từng ngày càng đẹp thêm lên. Những con đường nhỏ xinh kết nối đường Lê Lợi với tuyến Nguyễn Huệ nằm sâu hơn một quãng phía bên trong như Lê Lai, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ cũng được chăm chút đầu tư và đều là những con phố tuyệt đẹp. Riêng tuyến Ngô Quyền, con đường khá hẹp so với công năng giao thông, nhưng lại hớp hồn không ít du khách và người dân Cố đô, nhất là giới mê nhiếp ảnh bởi đôi hàng cây lim xẹt, mà người Huế vẫn thích gọi là cây hoàng điệp hay điệp vàng. Đôi hàng cây xanh mướt cụng đầu vào nhau tạo nên một vòm xanh che mát cho cả con đường. Đến mùa hoa thì thôi khỏi bút nào tả xiết. Hoa trên vòm cây, hoa trải thảm mặt đường. Cả con phố nhuộm vàng đẹp đến nôn nao khiến bước chân người đi qua như cũng muốn rón rén để khỏi làm hỏng bức tranh tuyệt hảo do tay người và tạo hóa đã làm nên. Tiếc là con đường đẹp như thế lại thiếu mất bờ lề. Nếu có được đôi bờ lề nữa thì hoàn mỹ. Nhiều lần tôi đã thầm tiếc và ước mong như thế. Bây giờ, đôi bờ lề mơ ước đó cũng đã hiện hữu khiến ai kia đều thỏa nguyện mong chờ…

Từ đường Ngô Quyền, tôi chầm chậm đôi chân đạp xe rẽ lối Nguyễn Trường Tộ để ra Lê Lợi. Con đường nằm giữa 2 ngôi trường nổi tiếng xứ Huế xưa nay Quốc Học và Đồng Khánh-Hai Bà Trưng, nhỏ thôi nhưng đầy ký ức, đầy hoài niệm khiến bao “cô, cậu” học trò năm xưa mỗi khi có dịp trở về không khỏi thổn thức và tần ngần chân bước. Bỗng đâu đó trên những vòm xanh từ phía sân trường vọng vang tiếng hòa ca của những chú chích chòe, vành khuyên khiến tôi không thể không dừng chân để lắng nghe. Một vài người khách du lịch đi dạo sớm cũng sững sờ đứng lại nghiêng ngó. Họ cứ ngỡ có nhà ai quanh đấy nuôi chim, đến khi nghe tôi bảo, ấy là tiếng của lũ chim tự do. Và Huế tôi, chim về với phố từ lâu đã không còn là chuyện lạ. Tất cả mới ồ lên thích thú: “Tuyệt vời, không thể nói gì hơn 2 tiếng tuyệt vời!”.

Không phải là tôi buột miệng ngẫu hứng mà “chim về với phố” là chuyện đã và đang xảy ra với Huế từ nhiều năm qua, khi mà hệ thống cây xanh đường phố, cây xanh công viên ngày mỗi được chăm chút, tăng dày và bảo vệ. Mà không chỉ có các loài thông thường như chim sâu, se sẻ, cả vành khuyên, chúp mào, mỏ két (vẹt), chích chòe, họa mi,… cũng thấy rủ nhau về với Huế. Gần đây là những cánh cò trắng. Chúng lũ lượt kéo nhau về kiếm ăn và trú ngụ ở cồn Dã Viên. Có những buổi chiều tà, hàng đàn cò trắng bay rợp sông Hương tạo nên cảnh kỳ thú và yên bình đến khôn tả.

Của cải, tiền bạc có thể Huế chưa giàu, nhưng cảnh quan, môi trường thì chưa chắc có mấy đô thị có thể sánh vai cùng Huế. Có người bảo, giàu tiền giàu bạc dễ, giàu cảnh quan môi trường mới khó. Ngẫm nghĩ, đó hoàn toàn không phải chuyện “con cáo với chùm nho” hay… “mệ” trạng, mà quả đúng là vậy. Và như thế, tôi yêu Huế là điều giản đơn. Thậm chí còn hơn thế nữa, không hiếm người ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên…“Giấc mơ Huế”- vì thế- được mọi người nâng niu cũng là điều dễ hiểu…

HUY KHÁNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023
Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023

Sáng 21/2, ông Trần Anh Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Trung Chính - đơn vị liên danh thi công dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (giai đoạn 1) thông tin, tất cả hạng mục hạ bộ dưới nước của công trình cầu vượt sông Hương sẽ cố gắng hoàn tất vào cuối năm 2023.

Đêm thơ tôn vinh dòng Hương
Đêm thơ tôn vinh dòng Hương

Tối 5/2 (nhằm ngày 15 tháng Giêng), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức đêm thơ với chủ đề “Hương Giang - dòng sông di sản”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Festival Thơ Huế 2023. Đến dự chương trình có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Nghĩ về danh xưng Huế của tôi
Nghĩ về danh xưng Huế của tôi

Vào cuối tháng 12 âm lịch năm Ất Hợi (1635), khi ấy dương lịch đã qua năm 1636, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chính thức phát lệnh cho dời công phủ từ làng Phước Yên, bên dòng Bồ giang (huyện Quảng Điền) chuyển vào làng Kim Long (huyện Hương Trà), khởi đầu một thời kỳ mới.

Huế, một chữ “mới” trong chữ “hoài”…
Huế, một chữ “mới” trong chữ “hoài”…

Đúng ba mươi năm trước (năm 1993) khi vận động cho Huế được là di sản văn hóa thế giới, trên poster với hình ảnh điện Thái Hòa chụp qua ô cửa hình chiếc khánh, UNESO đã để một slogan rất lạ bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp: Huế luôn luôn mới!