Thứ Năm, 09/11/2017 06:45

Giãn đóng bảo hiểm xã hội giúp doanh nghiệp vượt khó

Hỗ trợ giải quyết khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện chủ trương của BHXH Việt Nam, cho phép các doanh nghiệp (DN) giãn đóng BHXH; cụ thể là tạm ngừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Nợ bảo hiểm xã hội: Người lao động khốn đốn

DN được giãn đóng BHXH nếu gặp khó khăn trong sản xuất (ảnh minh họa)

COVID-19 gây khó

Chị Nguyễn Thị Vy, công nhân Công ty CP Trường Phát cho hay, do dịch COVID - 19, đơn vị gặp khó khăn nên công việc chỉ cầm chừng. Giờ công ty thúc đóng tiền BHXH, nhưng chị Vy chẳng biết lấy đâu ra tiền đề nộp.

Đại diện phía các DN, ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Du lịch Đại Bàng cho hay, công ty có trên 30 lao động, trong đợt dịch đã nghỉ việc đến 20 người. Xét về tiêu chuẩn, công ty đủ điều kiện để nộp chậm BHXH. Tuy nhiên, do khó khăn nên doanh nghiệp còn nợ BHXH. Trong lúc này, nhiều lao động nghỉ sinh, không được hưởng chế độ thai sản vì chưa chốt sổ BHXH nên DN phải ứng trước cho NLĐ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 2.520 DN tham gia BHXH, đa phần hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, kinh doanh vận tải, gia công may mặc, xuất nhập khẩu… Đa số đã và đang chịu tác động bởi đại dịch COVID - 19. Số lao động bị ảnh hưởng từ 35 - 45%, tương đương 40.000-50.000 lao động. Còn ở khu vực tự do chưa thể tính được, do lực lượng lao động khá lớn.

Theo BHXH tỉnh, do một bộ phận lao động tạm ngừng việc, thu nhập bị giảm sút, nên việc trích nộp BHXH cũng bị ảnh hưởng. Ba tháng đầu năm, cơ quan BHXH thu chỉ đạt 21,71% kế hoạch. Chỉ trong tháng 4/2020, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 4.000 người. Số lao động nghỉ việc chủ yếu do đơn vị giải thể, thay đổi cơ cấu tổ chức, thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh, tập trung ở nhân viên cấp dưỡng, bán hàng…

Đồng hành

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 860/BHXH - BT hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, nhiều DN đang rất khó khăn, không có doanh thu, thu hẹp sản xuất, kinh doanh phải tính đến phương án nghỉ không lương, tạm ngưng hợp đồng lao động, thậm chí chấm dứt hợp đồng với NLĐ.

Ở Thừa Thiên Huế, để tạo điều kiện cho DN nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, liên ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính và BHXH ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành số 798/HDLN – LĐTBXH – TC – BHXH, xem xét giải quyết đề nghị của các DN về việc tạm dừng đóng BHXH cho NLĐ vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Đến ngày 17/4/2020, trên địa bàn Thừa Thiên Huế có 45 đơn vị đề nghị tạm dừng đóng BHXH cho người lao động vào quỹ hưu trí và tử tuất theo hướng dẫn liên ngành số 798/HDLN-SLĐTBXH-STC-BHXH ngày 31/3/2020 về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN gặp khó khăn do dịch COVID -19. Trong số 45 DN nêu trên, có 9 DN thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp như may mặc, giày da...; 1 DN vận tải; 8 DN thuộc lĩnh vực khách sạn, nhà hàng; 7 DN thuộc lĩnh vực dịch vụ; 8 DN thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và 12 DN thuộc các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới có 3 đơn vị được Sở Lao động Thương binh Xã hội thẩm định đã đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ngành BHXH thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với 3 đơn vị này.

Còn nhiều khó khăn

Chị Nguyễn Thị Vy cho hay, nghe có chính sách giãn đóng BHXH bản thân chị rất mừng khi việc tham gia BHXH không bị gián đoạn, quyền lợi được đảm bảo.

Khảo sát cho thấy, các DN trên địa bàn tỉnh đa phần hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và khách sạn có quy mô nhỏ, khả năng tài chính không cao nên khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 đã không đủ năng lực tài chính để trả lương ngừng việc cho NLĐ mà đa phần đều cho toàn bộ NLĐ nghỉ việc hoặc nghỉ việc không lương, nên không thể thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Đó là lý do khiến cho số DN ở Thừa Thiên Huế được tạm ngừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất tương đối ít.

Theo quy định chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các DN gặp khó khăn trong giai đoạn này tạm thời chưa đóng 22% trên tổng quỹ tiền lương của DN cho cơ quan BHXH để sử dụng khoản tiền này cho công tác phục hồi sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Sau khi hết thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị phải đóng bù khoản 22% tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho cơ quan BHXH mà không phải chịu tính lãi nộp chậm. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì cơ quan BHXH sẽ không thực hiện thanh tra chuyên ngành.

Đáng nói, một số DN chưa nắm bắt đúng chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của Nhà nước là được cho phép không đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động trong giai đoạn này nên việc áp dụng chưa đúng theo quy định. Nhiều DN cho rằng, họ phải sa thải lao động mới đủ 50% tổng số lao động có mặt mới đủ điều kiện hưởng chính sách này. Thực tế, theo quy định tại Thông tư 59/2015/TTLĐTHXH của Bộ Lao động Thương binh xã hội, DN có số lao động nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc mà chiếm 50% so với tổng số lao động có mặt ở thời điểm trước khi DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 thì sẽ tạm dừng đóng và quỹ hưu trí và tử tuất, kể từ tháng đơn vị đề nghị.

Bài, ảnh: HUẾ THU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.