Thứ Bảy, 25/08/2018 06:45

Giáo dục địa phương, đừng làm học sinh… sợ - kì 1: Khám phá cuộc sống quanh ta

Theo Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), giáo dục địa phương là chương trình chính khóa và là môn học bắt buộc, chiếm tới 20% thời lượng nội dung giáo dục phổ thông.

Khơi dậy niềm đam mê học sử5 điểm nhấn quan trọng về định hướng tuyển sinh 2021-2025

 Tìm hiểu văn hóa di sản tại Đại Nội

Thật nghịch lý, trong khi có kiến thức sâu rộng và hiểu biết tường tận về thế giới rộng lớn thì đối với nhiều học sinh những gì gần gũi xung quanh lại hóa thành… xa lạ.

Mới “chộ” nhưng… không rõ

Đầu năm 2021, chúng tôi được mời dự một buổi học ngoại khóa, tham quan Khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu tại làng Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang) của học sinh Trường tiểu học Phú Mậu 1. Ngày thường yên tĩnh, chiều nay khu di tích bỗng trở nên rộn ràng hơn khi có sự xuất hiện của các cô cậu học trò.

Các em được hướng dẫn tham quan từ đường họ tộc Nguyễn Chí, nhà lưu niệm đang trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu; được thăm giếng nước xưa hàng trăm năm tuổi, khiêm tốn khép mình nơi góc vườn.

Các em mừng vui như trở về khu nhà vườn thân quen của mình. Cô học trò Phan Thị Thùy Anh (lớp 5/1) hồn nhiên bảo, đây là lần thứ 3 được đến nơi này, lần trước là vào dịp em được kết nạp Đội cùng một lần nữa đi tham quan. Thùy Anh bảo thích xem ảnh,  tài liệu, hiện vật…ở khung cảnh yên tĩnh tại khu di tích. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi chúng tôi hỏi Nguyễn Chí Diểu là ai thì Thùy Anh … lúng túng. Em chỉ nói chung chung, đó là một người nổi tiếng và tài giỏi của địa phương.

Buổi học thực tế của học sinh Trường tiểu học Phú Mậu tại làng nghề hoa giấy Thanh Tiên

Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Tự Khánh tự hào về vùng đất Phú Mậu, nơi có làng hoa giấy Thanh Tiên, hoa tươi Tiên Nộn, có tranh và hội vật làng Sình nổi tiếng. Tuy nhiên, thầy Khánh không vui bởi không phải học sinh nào của nhà trường cũng biết và hiểu rõ giá trị những “đặc sản” này của quê hương. Thầy bảo, có thể hằng ngày các em đều đi qua, được “chộ” di tích hay thắng cảnh nhưng không biết đó là gì. Cũng theo lời thầy Khánh, nhiều học sinh ở thôn Lại Tân, vùng tái định cư của xã, chỉ cách vài cây số lại không hề biết quê mình có làng hoa giấy hay cả khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu nổi tiếng kia!

Trải nghiệm để hiểu hơn

Tại Trường tiểu học Quảng Phú (Quảng Điền), chúng tôi được cô giáo Hiệu trưởng Lê Thị Loan mời dự buổi học trải nghiệm của học sinh lớp 5/1 do thầy giáo Đoàn Văn Tùng làm chủ nhiệm ở Hợp tác xã mây tre đan Bao La. Công tác chuẩn bị bắt đầu từ lớp học, khi các em được thầy Tùng tận tình giới thiệu nội dung cơ bản về hoạt động trải nghiệm, làm quen với sản phẩm và những dặn dò cẩn thận khi đi đường.

Tại hợp tác xã, các em được đón tiếp chu đáo. Đích thân ông Giám đốc Võ Văn Dinh giới thiệu về làng ghề có hàng trăm năm tuổi này, công dụng và giá trị lan tỏa của sản phẩm làng nghề từ những vật dụng hằng ngày đến các mặt hàng sản phẩm du lịch. Dưới sự hướng dẫn của ông Dinh và những nghệ nhân, các em được làm quen với một số công đoạn làm ra một sản phẩm đan lát của làng nghề nổi tiếng này. Nhìn những học sinh tự nhiên như ở chính trong ngôi nhà mình, đầy hứng thú tiếp cận với công việc, chúng tôi cũng vui lây. 

 Trước đó, cũng tại Trường tiểu học Phú Mậu 1, chúng tôi có dịp tham dự một buổi trải nghiệm tham quan và tập làm hoa giấy tại nhà nghệ nhân Nguyễn Hóa ở làng Thanh Tiên của học sinh lớp 5/1 do cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Nhung dẫn dắt. Đó là một buổi chiều giáp Tết âm lịch. Mặc dù công việc cuối năm bận rộn nhưng ông Hóa vẫn dành cho các em những tình cảm đặc biệt. Ông chuẩn bị sẵn những cánh hoa, cành hoa và tận tình chỉ dẫn cho các em cách bôi hồ, làm hoa lẻ, ráp cành… Ông cũng tranh thủ giới thiệu về lịch sử 300 năm nghề hoa giấy và vui vẻ trả lời những câu hỏi thắc mắc của cô trò. Ông Hóa cho biết, 2 đối tượng tham quan cơ sở làm hoa giấy của ông là khách du lịch và học sinh. Lâu ngày, không có đoàn học sinh nào đến là cảm thấy nhớ. Làm việc với các em hiếu động, khéo tay, ông vui lắm và mong muốn qua các em, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống này.

Cùng trong buổi chiều hôm đó, chúng tôi có dịp làm quen với nhóm 5 em học sinh lớp 10 chuyên toán 2 Trường trung học phổ thông chuyên Quốc Học thực hiện clip về làng hoa giấy Thanh Tiên. Em Lê Thị Thanh Tâm, một thành viên trong nhóm tỏ ra rất hào hứng và cho biết, đây là bài tập tích hợp trong chương trình môn địa lý. Lớp của em đã được phân thành 5 nhóm để thực hiện về các làng nghề và khu du lịch tại Huế, trong đó có làng hoa giấy Thanh Tiên.

Trường tiểu học Phường Đúc (TP. Huế) hướng dẫn học sinh gói bánh chưng trong ngày tết cổ truyền

Từ thực tế ở Trường tiểu học Phường Đúc (TP. Huế), cô giáo Hiệu trưởng Lê Thị Ly Na tỏ bày, các em rất phấn khởi khi tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế. Đó là lúc học sinh có cơ hội sử dụng tối đa các giác quan trong việc tiếp nhận, chuyển hóa thông tin và biểu đạt. Các em có cơ hội vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn hằng ngày. Học sinh cũng có nhiều hiểu biết hơn về cuộc sống ở địa phương; từ đó, có thêm tình yêu đất nước và niềm tự hào về quê hương mình.

Gieo mầm yêu thương

Ngược lên A Lưới, đã hơn một năm rồi nhưng Phó Hiệu trưởng Lê Thị Thủy, Trường mầm non Hồng Thượng vẫn không quên hôm diễn ra trò chơi dân gian mô phỏng lễ hội đâm trâu của dân tộc Pa Kô do trường tổ chức. Thật ngộ nghĩnh là con trâu bằng xốp, rồi các công cụ như giáo, cồng, khèn… và đặc biệt là lễ vật cúng tế mô phỏng như thật do cô trò nghĩ ra. Các cô cậu học trò trong vai diễn được phân công, ban đầu còn ngại ngùng nhưng dưới sự điều hành của các cô giáo đã nhập cuộc nhanh chóng, tạo nên một không khí sôi động, nhiều sắc màu tươi trẻ.

Không ai phủ nhận đâm trâu là lễ hội đặc sắc của bà con các dân tộc Pa Cô- Tà Ôi - Cơ Tu - Pa Hy - Vân Kiều. Các cô trò Trường mầm non Hồng Thượng đã chọn mô phỏng lễ hội này làm một trò chơi dân gian trong chương trình giáo dục phương. Chia tay Trường mầm non Hồng Thượng, chúng tôi nhớ mãi cô giáo Thủy xinh đẹp cứ mãi xuýt xoa, A Lưới đang ở vào thời điểm lễ hội A za. Tiếc quá do dịch bệnh bùng phát, lễ hội không được khuyến kích tổ chức. Thế nên, kế hoạch tổ chức trò dân gian có chủ đề về lễ hội này trong năm 2021 gặp khó khăn. Còn không, mời các anh chị cùng lên trải nghiệm, vui lắm! 

Cũng gắn với việc giáo dục nét đẹp văn hóa vùng cao A Lưới, Trường mầm non Hồng Thượng còn đưa điệu hát ru con vào các tiết học âm nhạc. Thật khó quên đối với bao người dân nơi đây là những ca từ đầy yêu thương: “Con ơi con hỡi ngủ cho ngoan/ Mẹ mong con khôn lớn từng ngày…”. Bên cạnh sưu tầm, các cô giáo còn sáng tác và soạn nhiều lời mới. Cô giáo hiệu trưởng Lê Thị Dịu với sáng tác “A Lưới sắc xuân” bằng tiếng Việt và Pa Cô không chỉ được phổ biến trong trường học mà còn được giải Nhất cuộc thi làn điệu dân ca địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Khái niệm “địa phương” trong tương quan với “trung ương” được hiểu gắn với các đơn vị hành chính từ cấp làng xã đến cấp tỉnh. Còn hiểu một cách nôm na, đó là thế giới với những gì gần gũi xung quanh, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Đáng nói, ngay cả những người lớn tuổi có thể vẫn chưa biết, không có kiến thức, chưa hiểu và cảm nhận được giá trị của nó. Đó cũng là lý do bằng nhiều hình thức khác nhau, giáo dục kiến thức địa phương đã được đưa vào các trường học ở Thừa Thiên Huế thời gian qua.

Đan Duy - Huế Thu - Hữu Phúc

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Vừa dạy học, vừa lắng nghe

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.