Thứ Ba, 05/05/2020 14:21

Gìn giữ một giá trị văn hóa

Dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu”vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 7 vào cuối tuần qua...

Khánh thành bảo tồn Triệu Tổ Miếu và khai mạc “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”Giới thiệu “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam” trong Đại Nội

Tôi đón nhận thông tin về dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu” vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 7 vào cuối tuần qua, bằng sự cảm kích và trân quý đặc biệt. Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế tự hào sánh cùng Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là 2 Văn Miếu cấp Quốc gia. Cả nước còn có 28 Văn Miếu cấp tỉnh và một thống kê có thể chưa đầy đủ mà tôi được biết, có đến 444 di tích Văn Miếu cấp phủ, huyện, tổng, làng.

Trở lại Văn Miếu Huế, được biết đến với nhiều tên gọi khác, như: Văn Thánh Huế, Văn Thánh Miếu Huế, Thánh Miếu, Tiên Sư Miếu... Dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1775), Văn Miếu đã được xây dựng ở làng Triều Sơn, một làng ở ngoại ô của thủ phủ Phú Xuân. Đến năm 1770, chúa Nguyễn Phúc Thuần cho di dời “Văn Miếu đến xã Long Hồ” vì “thấy địa thế Triều Sơn ẩm thấp”. Khi quân Trịnh vào chiếm cứ Phú Xuân - Thuận Hóa (1775 - 1786), rồi nhà Tây Sơn làm chủ tại đây (1786-1801), Văn Miếu vẫn được giữ nguyên tại vị trí cũ.

Năm 1808, sáu năm sau khi lên ngôi, vua Gia Long bàn với các triều thần chọn một nơi thích hợp hơn để xây dựng một Văn Miếu uy nghi, đồ sộ và đẹp đẽ nhằm tôn vinh địa vị của Nho học, vì nhận thấy chỗ đất dựng miếu ở làng Long Hồ không được rộng rãi, mỹ quan. Cuối cùng, ngài quyết định chọn chỗ đất nằm giữa làng Long Hồ và chùa Thiên Mụ, sát bờ sông Hương, tức địa điểm Văn Miếu hiện nay. Ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ (miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử) và mở Quốc Tử Giám.

Trong suốt thời Gia Long trị vì (1802-1820), triều Nguyễn chỉ mở các khoa thi Hương nên chưa có tấm bia nào được dựng ở Văn Miếu. Đến năm Minh Mạng thứ ba (1822), bắt đầu mở khoa thi Hội và bia tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng từ đó, duy trì đến năm 1919. Tổng cộng có 32 tấm bia tiến sĩ được dựng lên với mục đích chính là biểu dương Nho sĩ hiển đạt và khuyến học. Những người được ghi tên khắc đá ở bia tiến sĩ là những hiền tài, đã được triều đình khẳng định vai trò và giá trị. Bia còn nhằm răn dạy kẻ sĩ về trách nhiệm đạo lý.

Nhân chuyện Văn Miếu Huế, tôi được biết gần đây xuất hiện phong trào tu sửa, chỉnh trang lại những Văn Miếu của làng. Chính tại nơi đây, trong các dịp tế lễ, nhiều làng quê kết hợp tôn vinh và phát thưởng con em trong làng đỗ đạt và học giỏi. Cũng như Văn Miếu Huế, Văn Thánh của làng thờ Đức Khổng Tử và các học trò của ông. Đáng nói, nơi đây còn thờ những bậc tiên nho, danh sư của làng như sự ngưỡng mộ, tự hào và tri ân mà làng quê dành cho những đứa con yêu, tài năng của mình. Người ta cũng tìm thấy ở các Văn Miếu làng Huế, bên cạnh các di chỉ của triều đình là những văn chỉ, văn thánh của các làng.

Người ta đã nói tới việc đầu tư tu bổ, phục hồi Di tích Văn Miếu là rất cần thiết nhằm tưởng nhớ đến những danh nhân đã góp phần xây dựng đất nước dưới triều Nguyễn. Đồng thời, góp phần tôn vinh, cổ vũ tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Thừa Thiên Huế nói riêng. Sau khi hoàn thành phục dựng, công trình góp phần làm phong phú thêm cho di sản kiến trúc Cố đô Huế nói chung và cụm Di tích nhà vườn Kim Long - chùa Thiên Mụ - Văn Miếu nói riêng, tạo thêm điểm tham quan hấp dẫn cho du khách.

Còn tôi, đã nghĩ nhiều đến truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, luôn quý trọng hiền tài và luôn xem cái sự học như chìa khóa vạn năng để mỗi người bước vào đời, phụng sự quê hương, đất nước. Đó là nét đẹp văn hóa đang được gìn giữ.

ĐAN DUY

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943
Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, bản Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.

Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp
Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp

Sáng 23/2, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền, Bảo tàng Mỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Quảng Điền tổ chức triển lãm chuyên đề Sắc Xuân.

Hội Báo toàn quốc 2023  Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo
Hội Báo toàn quốc 2023: "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo"

Theo thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Báo toàn quốc 2023 với chủ đề "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo" dự kiến diễn ra từ ngày 17-19/3 tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hội Báo toàn quốc 2023 có quy mô toàn quốc với nhiều đổi mới, sáng tạo tạo sức hấp dẫn cho công chúng.

Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc
Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc

Không chỉ am hiểu những món ăn truyền thống của người đồng bào mình, ông Hồ Nhật Tân (SN 1958, người đồng bào Tà Ôi, ngụ xã A Ngo, huyện A Lưới) còn có khả năng học ngôn ngữ của dân tộc khác rất nhanh...