Thứ Hai, 18/02/2019 15:24

Giữ “lửa” gia đình - Kỳ 1: Mong manh, dễ vỡ

Gia đình được ví như “tế bào” của xã hội. Gia đình tốt xã hội mới tốt. Song trước những áp lực của cuộc sống hiện đại, nhiều “tế bào” đã thực sự không “khỏe”.

Vươn lên khẳng định mìnhNguyện làm gạch nối ân tình

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh, trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm tòa thụ lý trên dưới 2.000 vụ ly hôn. Đồng nghĩa mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có thêm hàng ngàn gia đình, số phận phải hứng chịu hệ lụy không đo đếm được từ hôn nhân đổ vỡ. Trong đó nhức nhối nhất là thiệt thòi và nỗi đau mà trẻ thơ phải “gánh”.

Trẻ em huyện A Lưới được trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân thông qua các hội thi

Chệch hướng

Vụ án đã qua hơn 1 năm nhưng chị Nguyễn Thị Bê, trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) vẫn chưa quên cậu bé khôi ngô N.H.A.H (TP. Huế).

Khác với vẻ ngang bướng của những đứa trẻ trong nhiều vụ án, H. có dáng người cao, da trắng, đôi mắt đượm buồn.

"Sau khi H. bị bắt giam vì tội trộm cắp tài sản, tôi lập tức lần dò địa chỉ để về tìm hiểu hoàn cảnh H. làm căn cứ bào chữa. Trong căn nhà thấp nhỏ, bà nội H. kể, khi H. lên 7 tuổi thì bố mẹ ly hôn. Mẹ H. bỏ đi, từ đó không về. Ba cũng vào Nam biệt tăm nhiều năm nay", chị Bê nhớ lại.

Mấy năm đầu, H. còn chăm chỉ học hành nhưng sau đó thì đua đòi theo bạn bè, rồi bỏ học. Cuối năm 2019, không có tiền tiêu xài, H. nảy sinh hành vi trộm cắp.

2h sáng, H. ra chợ đầu mối, lợi dụng người dân buôn bán sơ hở, lấy trộm gần 90 triệu đồng của một tiểu thương buôn bản thủy hải sản. Khi về đến nhà, thấy số tiền quá lớn, H. lo sợ nên 7h sáng cùng ngày H lại đem số tiền đi trả lại. Trên đường đi thì bị công an bắt. “Dù chúng tôi rất đau lòng trước hoàn cảnh của H. nhưng vì số tiền lấy trộm khá lớn và trước đó H. cũng đã có tiền án về một số vụ trộm cắp vặt tại địa phương nên cuối cùng, tòa tuyên án  H. 2 năm tù giam" - chị Bê kể.

Theo thống kê, năm 2020, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý tỉnh thụ lý 289 vụ án do trẻ vị thành niên vi phạm. Trong số đối tượng vi phạm, trường hợp có hoàn cảnh gia đình mâu thuẫn, cha mẹ ly hôn chiếm tỷ lệ cao. "Tôi cũng có con nhỏ, việc chứng kiến những đứa trẻ bị "đánh cắp" tuổi thơ khiến tôi rất đau lòng. Tôi rất mong những cha mẹ hãy yêu thương con mình, xã hội cùng chung tay thì trẻ chắc chắn được bảo vệ" – chị Nguyễn Thị Bê bày tỏ.

Người dân xã Bình Thành, thị xã Hương Trà ký cam kết thực hiện tốt các tiêu chí về ứng xử trong gia đình do Sở Văn hóa và Thể thao phát động (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Nỗi đau âm ỉ

Ở tuổi 60, chị P.T.T.H. (Hương Trà) luôn sống trong dằn vặt, hối hận khi hai con chị đều không chịu lập gia đình bởi ám ảnh quá khứ của vợ chồng chị.

Đã ở tuổi 35 nhưng con gái chị vẫn chạy trốn hôn nhân, cự tuyệt những chàng trai theo đuổi. Chị H. tâm sự: “Có lần tôi nhắc nhở, con tôi gằn giọng như oán trách: Lấy chồng để rồi giống mẹ à? Con không muốn bất cứ một đứa trẻ nào phải chịu đựng một quá khứ như chị em con nữa”.

Nhắc lại câu nói của con, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt người mẹ thiếu hạnh phúc.

Vợ chồng chị yêu nhau rồi kết hôn nhưng sau đó cuộc sống khó khăn, chồng chị lại hay rượu chè nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Từ nhỏ, hai đứa con lớn lên trong những trận đòn roi, chửi bới của vợ chồng chị. Mỗi lần tức giận chị, chồng chị trút giận vào các con. Nhiều bữa chưa kịp và cơm vào miệng, mâm cơm đã bị hất xuống đất. Rồi sách vở, áo quần và đồ dùng trong nhà đều bị chồng chị xé, đốt. “Nhiều lần con tôi khóc xin ba mẹ đừng đánh nhau nữa, nhưng sau đó mọi chuyện vẫn cứ xảy ra”, chị H. đau đớn nhớ lại.

Hôn nhân của vợ chồng chị H. cũng không cứu vãn được. Sau gần 15 năm chung sống, vợ chồng chị đã ly hôn. Sự đổ vỡ của vợ chồng chị H. khiến nỗi sợ hôn nhân hằn sâu trong tâm trí các con chị.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế, những đứa trẻ trải qua tuổi thơ bị bạo hành thường bị ám ảnh, gây ra các chấn thương tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Biểu hiện thường thấy ở trẻ bị bạo hành là sợ hãi, không muốn tiếp xúc với mọi người, có trẻ lại trở nên hung hãn, bạo lực. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trong học đường. Nếu không may sống trong gia đình mà bản thân thường xuyên bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ thường sẽ có những suy nghĩ, những hành động khác biệt, lệch lạc. Không ít người khi trưởng thành không muốn lập gia đình vì sợ tái diễn bi kịch.

Áp lực  kinh tế

Chị N.T. T. T. (phường Trường An, TP. Huế) chia sẻ, vợ chồng chị có việc làm ổn định. Chồng chị là trưởng bộ phận lắp ráp linh kiện điện tử, bản thân chị là trưởng phòng của một công ty xuất khẩu hàng may mặc ở khu công nghiệp Phú Bài. Thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chị hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, để có nguồn thu nhập trên vợ chồng chị hầu như không có thời gian dành cho gia đình. Hai con của chị đều một tay chị giúp việc chăm sóc, kể cả đưa đón đi học. Mỗi lần hai bên nội ngoại kỵ, giỗ, vợ chồng chị cũng ít có mặt. Nhiều lúc cố gắng sắp xếp cả gia đình cùng đi chơi, nhưng chuyến đi cũng chẳng mấy khi trọn vẹn vì không ông xã bận thì chị bận. “Ngẫm lại, cuộc sống mãi kéo dài như thế này, không biết hạnh phúc gia đình có thực sự bền vững...”, chị T. bộc bạch.

Cho đến lúc cô giáo chủ nhiệm gọi hẹn gặp để cảnh báo tình hình học tập của con trai, anh T. T. L., phường Thủy Xuân, TP. Huế mới hoảng hốt. Cuốn theo công việc kinh doanh buôn bán, khiến vợ chồng anh không có thời gian để ý đến con, khi cô giáo chủ nhiệm mời lên anh mới biết, con trai anh thường xuyên nghỉ học để chơi game. Gặp khó khăn trong kinh doanh gần 2 năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, con lại không nghe lời, giữa vợ chồng thường xảy ra bất hòa.

Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nên mỗi người trong nhà đều có một phòng riêng để sinh hoạt, làm việc. Có gia đình mỗi người một máy tính, vài cái điện thoại. Cơm tối xong là ai vào phòng nấy, hoặc “ôm” tivi, máy tính, điện thoại cho đến lúc đi ngủ. Sự tự do ấy đã khiến cho sợi dây kết nối các thành viên trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết.

Khi nói về những thách thức trong cuộc sống hôn nhân của những gia đình trẻ, TS. tâm lý học Nguyễn Thanh Hùng chia làm 3 nhóm. Đó là nhóm gia đình trẻ với những cặp vợ chồng trẻ có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao; những cặp vợ chồng có công việc ổn định thu nhập thấp và những cặp vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định và thu nhập bấp bênh.

Ở nhóm đối tượng nào cũng có những thách thức trước áp lực của xã hội hiện đại, đó là trong nuôi dạy con cái, duy trì bữa cơm trong gia đình, mâu thuẫn về quan niệm sống, giải quyết các mối quan hệ giữa hai bên nội ngoại, bạn bè đồng nghiệp. Riêng đối với với nhóm gia đình không có nghề nghiệp ổn định và thu nhập bấp bênh lại càng dễ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Chính những khó khăn ấy nảy sinh mâu thuẫn mà nếu không có cách hóa giải, sẽ dẫn đến đổ vỡ.

Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết, có “muôn hình vạn trạng” nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Tuy nhiên, số vụ chồng bia rượu, đánh đập ngược đãi vợ con, khiến vợ không chịu đựng được phải ly hôn là rất lớn. Tình trạng các cặp vợ chồng trẻ nhanh chóng "đường ai nấy đi" cũng chiếm con số khá lớn. Nguyên nhân là do yêu nhanh, cưới vội, chưa ý thức được trách nhiệm với nhau, với gia đình hai bên. Nhiều đôi chưa có công việc, bế tắc kinh tế... dẫn đến mâu thuẫn, rạn nứt...

Bài ảnh: Hải Thuận

Kỳ 2: Cần sức đề kháng

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.