Thứ Ba, 17/01/2017 13:45

Giúp trẻ sẵn sàng vào lớp 1

Với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ nên các em cần được chuẩn bị trước khi vào lớp 1. Trường mầm non Thượng Lộ (huyện Nam Đông) đã tăng cường, giúp các em đủ ngôn từ để tự tin khi giao tiếp, học tập.

Cần môi trường học tập & tấm lòng yêu trẻ

Dạy trẻ tập làm quen tiếng Việt chuẩn bị vào lớp 1 ở Trường mầm non Thượng Lộ

Trường mầm non Thượng Lộ (huyện Nam Đông) có đa số trẻ em là người dân tộc thiểu số Cơ Tu. Năm học qua, toàn trường huy động được 135/171 cháu; trong đó, độ tuổi mẫu giáo có 94/95 cháu. Trước khi đến trường, các em đều sử dụng bằng tiếng mẹ đẻ, ít có môi trường để giao tiếp tiếng Việt. Nhìn chung, các cháu lớp mẫu giáo lớn đã biết nói tiếng Việt, nhưng chưa thành thạo, chưa biết các chữ cái hay nghĩa từ ngữ của tiếng Việt. Trong hoạt động vui chơi, học tập ở lớp các em đều nói tiếng dân tộc.

Giúp trẻ có đủ vốn từ tiếng Việt, Trường mầm non Thượng Lộ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non. Nhà trường tăng thời gian luyện nói và dạy tiếng Việt thông qua các trò chơi, hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động dạy học và vui chơi của trẻ đều được tập nói và giao tiếp bằng tiếng Việt. Các cô cung cấp vốn từ tiếng Việt cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi, tạo mọi cơ hội cho các em thường xuyên được nói tiếng Việt. Qua trò chuyện với trẻ, giáo viên nắm được khả năng phát âm của mỗi em để có biện pháp giúp trẻ phát âm đúng, chuẩn tiếng Việt. Nhà trường còn phối hợp với phụ huynh học sinh khuyến khích con em mình sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và tạo dựng môi trường nói tiếng Việt tại gia đình.

Làm quen với chữ cái là cốt lõi nhận biết khi học tiếng Việt. Nội dung dạy trẻ làm quen với tiếng Việt không chỉ là dạy trẻ nhận biết, dạy trẻ phát âm 29 chữ cái mà còn dạy trẻ đọc đúng các từ, hiểu được nội dung của từ và biết dùng từ để diễn đạt thành câu. “Ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ mạch lạc thì trẻ lại thích giao tiếp, gần gũi với cô giáo, bạn bè và dần dần sự tự tin giao tiếp ấy giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách dễ dàng hơn. Khi hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt thì quá trình học của trẻ mới có hiệu quả”, cô Võ Thị Tâm, Hiệu trưởng, chia sẻ.

Từ việc làm tốt môi trường tiếng Việt cho trẻ trong lớp mầm non có trẻ dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt của trẻ được phát triển, trẻ mạnh dạn tự tin khi tham gia vào các hoạt động. Trẻ có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt. Các em phát âm chuẩn, hát trọn vẹn nhiều bài hát, kể câu chuyện ngắn, biết giới thiệu về bản thân, sở thích, nhớ tên các thành viên trong gia đình…Từ đó, các bậc phụ huynh tin tưởng, tự giác đưa con đến trường và quan tâm ủng hộ tích cực các phong trào của các trường mầm non trên địa bàn Nam Đông.

Theo cô giáo Võ Thị Tâm, để dạy tốt tiếng Việt cho trẻ, giáo viên phải biết sử dụng hai thứ tiếng (bên cạnh tiếng Việt các giáo viên phải học tiếng dân tộc). Giáo viên phải thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng và các biện pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, đồng thời phái tích cực tạo môi trường tiếng Việt cho trẻ. Đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn, tham quan thực tế, giúp cho giáo viên được giao lưu, chia sẽ kinh nghiệm. Đó cũng là công tác bồi dưỡng, đào tạo học sinh trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số có hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Phước Ly

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để con tự tin vào lớp 1
Để con tự tin vào lớp 1

Ngày đầu vào lớp một, nhiều trẻ cảm thấy bỡ ngỡ, lo lắng và thậm chí là không thích đi học. Cha mẹ cần chuẩn bị gì để trẻ có thể vượt qua khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp từ bậc mầm non lên tiểu học này? Những chia sẻ và lời khuyên của TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế, sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho các bậc phụ huynh.