Thứ Ba, 09/04/2019 06:45

“Gỡ khó” cho dạy học trực tuyến

Từ mục đích “gỡ khó” cho dạy - học trực tuyến, chuỗi hoạt động “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến” do Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế tổ chức mang lại hiệu quả không chỉ cho giáo viên các trường trong tỉnh mà còn lan tỏa, giúp ích hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là những vùng “tâm dịch”.

Linh hoạt trong tổ chức học trực tuyến

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT và Trường ĐH Sư phạm bấm nút khởi động chuỗi hoạt động “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến”

Giáo viên trong cả nước có thể áp dụng

Xem chia sẻ về sử dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến cấp tiểu học từ chương trình “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến”, cô giáo Hồ Bích Ngọc, Trường tiểu học Phú Hòa (TP. Huế) có thể áp dụng và thực hành trong công tác dạy học của mình. Cô Ngọc phấn khởi: “Chương trình rất hữu ích và kịp thời. Trong giai đoạn phải dạy học online do ảnh hưởng dịch, giáo viên rất cần những chia sẻ về những kinh nghiệm và đặc biệt là áp dụng công nghệ để tạo ra hiệu quả trong giảng dạy cho học sinh”.

Chương trình bắt đầu từ ý tưởng của PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm với mục đích hỗ trợ cho giáo viên phổ thông sử dụng thành thạo và tích hợp được các phần mềm trong dạy học trực tuyến cũng như sử dụng các phương pháp dạy học trực tuyến hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình GDPT 2018). Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã gửi công văn đến ngành giáo dục và các trường ở 63 tỉnh, thành trong cả nước để chia sẻ thông tin các chủ đề và lịch livestream.

Chương trình “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến” được livestream phát trực tiếp trên fanpage của Trường đại học Sư phạm

Từ kết nối của “điểm tổ chức” tại Huế, những địa phương là “điểm nóng” của dịch COVID-19 cũng tiếp cận và áp dụng kinh nghiệm được chia sẻ từ chương trình. Cô giáo Âu Tuyết Trang, giáo viên Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây việc dạy học trực tuyến chủ yếu là gửi video bài giảng và trao đổi với học sinh. Khi tình hình dịch COVID-19 phức tạp, buộc phải chuyển qua dạy trực tuyến thời gian dài, nhiều giáo viên thực sự thấy bối rối trong việc đảm bảo tính hiệu quả. Giáo viên nắm vững chuyên môn nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin thì không phải ai cũng biết nhiều phần mềm, công nghệ, chính vì vậy chương trình từ Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã “gỡ khó” cho nhiều giáo viên. “Mình là tổ trưởng tổ tiếng Anh. Từng tham gia nhiều hội thảo và tiếp cận nhiều chương trình về dạy học trực tuyến, nhưng khi theo dõi chương trình “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến” mình thấy rất hay, chia sẻ cho các giáo viên trong tổ và các đồng nghiệp trường bạn, mọi người áp dụng thấy hiệu quả”.

Tập trung nội dung giáo viên cần

Chuỗi hoạt động chương trình “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến” được sản xuất mỗi tuần một số dưới hình thức livestream và phát lại trên kênh Youtube của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Theo TS. Hồ Hữu Nhật, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển năng lực sư phạm, Trường ĐH Sư phạm, chương trình đã xây dựng các kế hoạch, kịch bản đến tháng 11/2021, sau đó tùy theo tình hình dịch bệnh để có kế hoạch tiếp theo. “Các cán bộ, giảng viên tham gia chia sẻ đều là những người có nhiều kinh nghiệm các môn liên quan đến công nghệ nên khá thuận lợi”, TS. Nhật khẳng định.

Các chủ đề chương trình tập trung đến những nội dung được giáo viên quan tâm nhất, nhất là ứng dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến, kỹ thuật dạy học tích cực trong dạy học trực tuyến, phát triển chương trình nhà trường trong bối cảnh dạy học trực tuyến, kỹ thuật đánh giá trong dạy học trực tuyến… Mỗi chủ đề sẽ có nhiều nội dung chi tiết. Điển hình như chủ đề ứng dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến chia sẻ nhiều nội dung: Công nghệ trong thiết kế bài học; công nghệ trong quản lý học sinh; công nghệ trong kiểm tra, đánh giá học sinh; công nghệ trong tổ chức trò chơi, thảo luận, làm dự án; an toàn khi sử dụng công nghệ trong dạy và học. Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng đến chủ đề sự kết nối về mặt cảm xúc giữa cô và trò trong dạy học, một vấn đề đang có tính thời sự.

Theo các giảng viên Trường ĐH Sư phạm, trong chương trình GDPT 2018 có mô đun 9 là “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/THCS/THPT” gồm 3 nội dung là vai trò của công nghệ thông tin, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh tiểu học/THCS/THPT; các phần mềm và thiết bị công nghệ hỗ trợ hoạt động dạy học và giáo dục học sinh ở trường tiểu học/THCS/THPT; ứng dụng công nghệ thông tin, học liệu số và thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học và giáo dục học sinh ở trường tiểu học/THCS/THPT. Những nội dung này cũng sẽ được các giảng viên có kinh nghiệm chia sẻ kỹ để các giáo viên bậc phổ thông có thể áp dụng vào thực tiễn, khi giảng dạy và thực hiện chương trình GDPT 2018.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 3/6/2020 và giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế. Sự thay đổi tích cực của các thầy cô giáo sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục Việt Nam. Vì thế, cùng với chuỗi hoạt động “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến”, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cũng sẽ luôn đồng hành cùng các thầy cô giáo trong công cuộc chuyển đổi số.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác với Hàn Quốc triển khai các hoạt động giáo dục STEM
Hợp tác với Hàn Quốc triển khai các hoạt động giáo dục STEM

Chiều 7/2, Trường THPT Thuận Hoá - Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế phối hợp với đoàn giảng viên, học viên, sinh viên đến từ ĐH Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc bắt đầu triển khai các hoạt động giáo dục STEM trong khuôn khổ hợp tác.

Tiếng Anh cho học sinh vùng cao, vừa dạy vừa gỡ khó
Tiếng Anh cho học sinh vùng cao, vừa dạy vừa gỡ khó

Điểm thi môn tiếng Anh của Thừa Thiên Huế vẫn không cải thiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua. Một trong những nguyên nhân là do có nhiều điểm thấp đến từ học sinh dân tộc ít người ở các huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần có sự đổi thay trong dạy và học môn tiếng Anh.

Quyết sách gỡ khó cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Quyết sách gỡ khó cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Nghị quyết số 144/NQ-CP ban hành tháng 11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tháo gỡ khó khăn cho nhiều đơn vị. Việc điều trị cho bệnh nhân theo đó sẽ được chủ động hơn, bớt đi nỗi lo vượt trần, vượt quỹ.

Gỡ khó cho người lao động cận tết
Gỡ khó cho người lao động cận tết

Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế khi nhiều cơ sở sản xuất không có đơn hàng, nhiều người lao động (NLĐ) đã bị chấm dứt hợp đồng LĐ, hoặc giảm giờ làm.