Mẹ đọc nó nghe đến thuộc những trang sách ố vàng lúc rảnh rỗi hiếm hoi. Để nó mơ. Để đến lúc biết đọc là nó như con mọt. Ngấu nghiến tất thảy. Cả những mảnh báo ai xé bay vất vơ vệ đường.
Tôi có một cái góc nhỏ trong bếp cạnh chiếc cối xay lúa. Ở đó nhìn ra có thể thấy mọi người đang làm việc của mình mà không ai nhớ đến để sai vặt, không ai thấy tôi chúi mũi đọc. Khi nước mắt giàn dụa, lúc nín cười đến tức bụng. Gấp trang cuối, tôi đi như bay lên đồi. Đi cắt lá hái rau mà không ít lần nghĩ mình là công chúa, là nàng tiên cá, là điệp viên... với tấm áo hoa cọc còi và mái tóc dính bết mồ hôi trán. Tôi mơ.
Mai sau lớn, con sẽ mua luôn một cửa hàng sách. Nếu không có tiền (vì mẹ nói đểnh đoảng thế làm chi kiếm ra tiền) con sẽ xin làm thủ thư. Tôi làu bàu nói bên tai ông ngoại.
Tôi vô Huế khi ngủ qua đêm nhà dì vẫn còn khóc thầm nhớ mạ. Không kể cảnh đẹp xứ sông Hương núi Ngự với vàng son thành quách, những món ăn vặt mới nhắc đến đã thèm. Tôi mê ngay những tiệm sách dù bảng hiệu ố màu thời gian, cả những sạp sách báo cũ thi thoảng người ta bày bán. Háo hức như lạc xứ thần tiên, nhà sách đầu tiên tôi đến là hiệu sách Tuổi Ngọc ở đường Bến Nghé. Không có tiền, tôi chỉ muốn được thuê hay mượn đọc. Thi thoảng mới rụt rè hỏi ông chủ mua một cuốn mỏng. Rồi tôi tìm lên đường Lê Lợi. Chị Bích Khuyến là ca sĩ đoàn ca múa nhạc Bình Trị Thiên mới được chuyển về làm thư viện tỉnh. Chị hứa cho tôi thẻ, tha hồ mà tìm mượn và đọc. Tôi chỉ muốn mau mau qua kỳ thi đại học để vô Huế với sách. Dì tôi theo ông bà đi qua Thái Lan rồi về Huế trước 1975. Nhà có tủ sách và các dì cậu đều là người mê đọc. Dì kể, dì đã yêu và cưới một chàng sau này là bác sĩ cũng vì ổng mê sách. Ổng dắt dì đi bao nhiêu tiệm sách đôi khi để tìm một vài cuốn cũng là cái cớ để đứng cạnh nhau lâu hơn. Vô Thành Nội là tiệm Khánh Quỳnh, Văn Hiến. Ra khỏi cổng thành là tiệm Thượng Tứ, Nam Hoa, Ái Hưng, Tuổi Hồng...
Những thế hệ người Huế trước đây rất yêu thích việc đọc. Nhà có con cái được đi học ít nhiều đều có tủ sách. Tôi nghe mà mê ly xứ sở núi Ngự, sông Hương.
Phố tôi nay có những nhà sách rất lớn. Những Hồng Đức, Phú Xuân, Fahasa và hàng chục nhà sách khác. Ghế ngồi lót nệm kèm giải khát với các thức uống hấp dẫn. Hồi này, người ta đi mua sách như đi hội. Có những hội sách bên bờ sông Hương trong một ngôi nhà bạt lớn. Cả trăm người cùng vào. Những ngày cuối tuần, mùa lễ hội, sách được bày bán khắp nơi. Người Huế yêu sách. Là truyền thống vùng đất Kinh đô từ bao đời, người xứ khác đến Huế yêu sách. Họ là sinh viên và học sinh, cả khách du lịch hay những người trong chuyến công du dừng chân ở Huế. Một thời các quán cafe trên hè phố, nơi nhà ga bến tàu, người ta thấy thiên hạ chăm chắm sách trên tay. Rồi thời của mạng xã hội, Google điện thoại cập nhật, nhưng thú đọc của những người mê sách giấy truyền thống dường đã trở lại.
Có sách, bầy trẻ bớt chăm chăm màn hình, người lớn đọc để thư giãn suy ngẫm. Có những kẻ coi như được thỏa mãn cơn đói khát của một thời thiếu sách. Thú tìm sách, chiều chiều lướt qua vài cửa tiệm, tìm một góc nhỏ... Thật dễ chịu biết bao
Từng mơ ước và sau bao năm tôi đã có một tủ sách kha khá. Nhà có góc đọc riêng, trên sofa, đôi khi cả trên sân thượng ngó qua tháp chuông nhà thờ màu nâu xám. Nhưng hồi này đọc sách cũng phải có lịch vì đâu còn được làm đứa trẻ trốn mẹ. Nhà bao việc đến tay mình. Đôi khi lại thấy nhớ cồn cào cái góc cối xay của ngày xưa...
Góc nhỏ khuất sâu giữa hẻm Đội Cung ngay phố trung tâm nhộn nhịp mọc lên một tiệm sách.
Thật lạ sao mình luôn yêu những góc nhỏ bé bé xinh xinh. Và, những tiệm sách trong hẻm luôn là sự tò mò không nhỏ.
Tôi có thể tựa lưng ngồi bệt nơi góc phòng ngó ra hẻm nhỏ nhìn nắng lọt vài vệt dài, thong thả lật từng trang. Cảm giác vui lẫn bùi ngùi như lúc gấp lại cuốn “Cây cam ngọt của tôi”, tôi vừa mang về nhà cùng một giỏ mấy cuốn hay ho khác. Gõ những dòng này khi đọc xong cuốn thứ hai, Pierre và Jean, sách mới tậu về. Còn nữa!...
Ơ hay, quá nửa đời loanh quanh với phố vẫn thèm trốn mẹ nơi góc cối xay, lật từng trang sách mơ mộng trong khu vườn nhỏ bé xa xôi...
BẠCH DIỆP