Chủ Nhật, 08/03/2015 05:56

Hết lòng chăm sóc sức khỏe người dân

Khi chúng tôi đến, Trưởng trạm Y tế xã Bắc Sơn (A Lưới) và một bác sĩ đã về xuôi tập huấn nghiệp vụ. Tiếp chúng tôi là chị Hồ Thị Ngọc Mai, Phó Trưởng trạm.

Khám bệnh tại Trạm Y tế Bắc Sơn

Chị Mai thông tin, Bắc Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43%. Trình độ dân trí của người dân không đồng đều, việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con là nhiệm vụ rất quan trọng.

Trạm hiện có có 8 cán bộ, trong đó 2 bác sĩ đa khoa, 2 y sĩ, 2 nữ hộ sinh, 1 y tá và 1 cán bộ dân số. Ngoài ra, còn có 2 cán bộ y tế thôn bản và 4 cộng tác viên dân số. Kể từ năm 2013, khi được tăng cường thêm một bác sĩ, công tác khám chữa bệnh tại trạm cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, những bệnh nhẹ đều được điều trị tại chỗ, giúp giảm tải cho tuyến trên.

Để bảo đảm tốt nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch khám chữa bệnh, lịch khám chữa bệnh gồm 5 ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, ngày nghỉ hay ngoài giờ làm việc luôn đảm bảo có kíp trực 24/24 giờ. Trạm cũng tăng cường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho người dân khi đến khám chữa bệnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, trạm khám cho trên 1,1 nghìn lượt bệnh nhân; trong đó bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị hợp lý tại trạm y tế đạt 98%.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi một bệnh nhân đến khám. Không rõ nội dung trao đổi nhưng tôi thấy sự ân cần, gần gũi giữa bác sĩ và bệnh nhân. Chị Hồ Thị Bích Thí, bệnh nhân đến khám cho biết: “ Cán bộ ở đây rất nhiệt tình, giải đáp cặn kẽ thắc mắc của bệnh nhân; ngoài khám và phát thuốc còn thêm tư vấn sức khỏe”.

Theo chị Mai, một trong những thành công của Trạm Y tế xã Bắc Sơn là giúp bà con dần nhận thức được vai trò quan trọng của việc khám, chữa bệnh thay vì cúng bái, trừ tà như trước đây. Trước người dân còn chưa tin tưởng đội ngũ y bác sĩ, nhiều lúc trạm phải cắt cử người xuống tận nơi để tuyên truyền, vận động bà con đi khám. Chính việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe đã góp phần mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, 100% phụ nữ có thai được khám và quản lý thai nghén tại Trạm y tế. Phần lớn trẻ em trong xã đều được tiêm chủng định kỳ, uống vitamin A đầy đủ.

Là một xã miền núi nên nguy cơ xảy ra dịch sốt rét khá cao. Trạm tích cực tuyên truyền qua hệ thống loa đài để người dân tự hình thành ý thức phòng dịch, đồng thời thực hiện các đợt thau vét cống rãnh, phun thuốc phòng ngừa, nhờ vậy mà nhiều năm qua trên địa bàn xã không xảy ra dịch. Trạm tích cực phối hợp với tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, kiểm tra vệ sinh môi trường tại các trường học trên địa bàn, nhờ vậy tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn ngày càng giảm.

Theo chân chị Mai một vòng quanh trạm, dãy nhà hai tầng gồm 7 phòng chức năng được xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp. Hệ thống điện trong nhà hư hỏng từ năm trước, cán bộ ở đây phải đấu điện thẳng từ cột điện xuống mới có thể đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng. Trạm vẫn chưa có hệ thống nước sạch đấu từ huyện mà phải dùng nguồn nước tự nhiên từ nước mưa, tận dụng nguồn nước tự chảy…

 “Những năm gần đây chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao nhờ được cấp thêm trang thiết bị, phương tiện cận lâm sàng khá đầy đủ. Tuy nhiên tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu kinh phí để sửa chữa cũng gây không ít cản trở trong quá trình hoạt động”.-Chị Mai tâm sự.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng răng implant ở đâu tốt nhất tại TPHCM
Trồng răng implant ở đâu tốt nhất tại TPHCM?

Xu hướng trồng răng implant đang ngày càng nở rộ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam bởi những lợi ích của nó so với phương pháp trồng răng truyền thống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết đến địa chỉ nha khoa uy tín để tiến hành trồng răng implant tại TPHCM. Cùng chúng tôi khám phá bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc này.