Thứ Tư, 06/11/2019 14:29

Hiệu quả từ xét xử trực tuyến

Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức những phiên tòa trực tuyến đầu tiên. Giữa quy định và thực tế áp dụng phát sinh những tình huống khác nhau, nhưng nhìn chung các phiên tòa diễn ra suôn sẻ, rút ra được một số kinh nghiệm để những phiên tòa sau đạt hiệu quả cao hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp Đoàn công tác của Tòa án Nhân dân Tối caoHòa giải bằng cái tâm

Tại một phiên tòa xét xử trực tuyến do Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức

Lợi ích 

TAND TX. Hương Trà là đơn vị tiên phong của tỉnh trong xét xử trực tuyến. Ngày 1/3/2022, TAND thị xã mở phiên tòa trực tuyến xét xử một bị cáo về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Tiếp đó, TAND TP. Huế mở thêm 2 vụ xét xử trực tuyến và TAND tỉnh mở 3 vụ xét xử trực tuyến. Ngoài ra, TAND tỉnh đã phối hợp với sự hỗ trợ TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử 8 vụ án trực tuyến tại TAND tỉnh.

TAND TX. Hương Trà và TP. Huế - những đơn vị đầu tiên xét xử bằng hình thức trực tuyến đều thể hiện sự hào hứng với hình thức xét xử mới này. Các đơn vị đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, diễn tập, tổ chức phiên tòa giả định để chuẩn bị tốt nhất cho phiên xử trực tuyến. “Những điểm tích cực khi xét xử trực tuyến rất dễ nhận thấy, đó là giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, giảm chi phí, thông qua đó có thể giải quyết vụ án nhanh chóng mà vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Với hình thức này, một ngày TAND có thể xét xử nhiều vụ” - Chánh án TAND TX. Hương Trà, ông Lê Hữu Nam nhận xét.

Khi áp dụng xét xử trực tuyến, cách thức chung của các phiên tòa này là tổ chức thành các điểm cầu. Trong đó, điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở TAND, có hội đồng xét xử tham gia. Một điểm cầu đặt tại nhà tạm giữ của cơ quan công an, bị cáo tham dự phiên tòa từ đây. Trong thời gian tới, đối với những vụ án được dư luận quan tâm, một số đơn vị còn chuẩn bị thêm điểm cầu ở các xã để người dân có thể tham dự tại xã, không cần lên trụ sở TAND huyện, tỉnh. Để tổ chức thành công những phiên tòa trực tuyến đầu tiên, TAND tỉnh đã chỉ đạo công tác chuẩn bị phải thật chu đáo trong điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê của TAND tỉnh, mỗi năm, TAND 2 cấp của tỉnh có khoảng 900 vụ hình sự với 1.500 - 1.600 bị cáo bị tạm giam, việc đưa bị cáo đến tòa án vừa mất công sức vừa tốn kém. Chánh án TAND tỉnh Vũ Văn Minh cho biết, thực tế, nhiều địa phương đã trông chờ việc xét xử trực tuyến sớm triển khai. Ngay sau khi Nghị quyết 33 của Quốc hội có hiệu lực (từ 1/1/2022), TAND các cấp tại của tỉnh đã tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Bước đầu đơn vị xét xử một số vụ án hình sự đơn giản và sẽ mở rộng thí điểm đối với các vụ án dân sự, hành chính. Trong quý II/2022, TAND 2 cấp của tỉnh phấn đấu mỗi đơn vị Tòa án trực thuộc đều có phiên tòa xét xử trực tuyến. 

Xây dựng “Tòa án điện tử”

Chánh án TAND tỉnh - Vũ Văn Minh khẳng định, việc triển khai thực hiện công tác xét xử trực tuyến hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay và góp phần nâng cao tiến độ xét xử các loại án nói chung và đặc biệt là án hình sự trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến còn góp phần thúc đẩy quá trình “chuyển đổi số”, xây dựng “Tòa án điện tử” của hệ thống TAND trong thời gian đến.

Theo Nghị quyết 33, các vụ án được lựa chọn xét xử trực tuyến là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Song trong thực tế đã phát sinh khó khăn. Khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức những phiên tòa trực tuyến đầu tiên là nhận thức của người làm công tác tòa án về xét xử trực tuyến, chuyển đổi số. Hầu hết cán bộ, công chức ít am hiểu về công nghệ của lĩnh vực mới này. Đây là những rào cản về mặt tư duy nhận thức, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.

TAND tỉnh kiến nghị TAND tối cao cần có quy định về biên chế chuyên trách công nghệ thông tin bắt buộc đối với mỗi tòa án để đào tạo, trực tiếp vận hành hệ thống phiên tòa trực tuyến, quản trị các phần mềm dùng chung. Đồng thời, cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị; bố trí hội trường chuyên dụng xét xử trực tuyến; cấp bổ sung kinh phí tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Có ý kiến cho rằng, xét xử trực tuyến có thể ảnh hưởng đến việc hội đồng xét xử tiếp cận, nhận định toàn diện, đầy đủ các tình tiết của vụ án. Do đó, việc xét xử trực tuyến chỉ nên thực hiện khi không thể xét xử trực tiếp. Như vậy, mặc dù ứng dụng công nghệ, xét xử trực tuyến là xu thế không thể thay đổi, nhưng các nơi cũng không nên chạy theo xu thế chung mà bỏ qua những nguyên tắc trong hoạt động xét xử của tòa án. Đó là bảo đảm trình tự thủ tục tố tụng, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bài, ảnh: Thái Bình

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

7 năm tù cho kẻ chém người dã man do mâu thuẫn
7 năm tù cho kẻ chém người dã man do mâu thuẫn

Chiều 21/2, TAND tỉnh mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “Giết người” đối với bị cáo Nguyễn Đình Anh (SN 1972), trú tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.

Nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án
Nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án

Năm 2022, Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, đúng lộ trình cải cách tư pháp. Các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, bảo đảm đúng người, đúng pháp luật, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Biết sợ… sống trong sợ hãi
Biết sợ… sống trong sợ hãi

Năm nay, xem ra là năm “thất bát” nhất của giới từng là lãnh đạo cao cấp ở một số tỉnh thành, ngành... Cứ giở mặt báo, lâu lâu là thấy khởi tố, bắt tạm giam. Theo thông tin của Trung ương, có tới 15 người thuộc diện Bộ Chính trị, Thường vụ, Ban Bí thư quản lý bị khởi tố, điều tra… Ở cấp thấp hơn thì nhiều.