Thứ Năm, 02/01/2020 06:45

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tăng thu nhập cho người dân

A Lưới triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân.

A Lưới phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3%/nămA Lưới phải đi lên từ nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

 A Lưới phát triển các sản phẩm dệt zèng phục vụ du lịch

Nâng cao giá trị nông sản

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), đơn vị này đã công bố chuỗi sản phẩm nông sản an toàn cho 3 sản phẩm, gồm thịt gà kiến, trứng gà và chuối già lùn A Lưới. Tại cửa hàng nông sản an toàn do Hội LHPN huyện A Lưới phối hợp với HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn xây dựng, các sản phẩm này được giới thiệu bán và quảng bá đến các kênh tiêu thụ.

Nhiều năm nay, người dân A Lưới trồng rất nhiều loại chuối nhưng quy mô còn manh mún và chưa chọn được giống chuối phù hợp để phát triển diện tích, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị để tạo tính hàng hóa cho sản phẩm. Tháng 9/2020, địa phương đã hoàn thiện hồ sơ để thông qua hội đồng của huyện đánh giá, gắn sao xếp hạng sản phẩm theo quy trình thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh. UBND huyện A Lưới cũng phê duyệt 6 xã trồng chuối, và giống được lựa chọn là chuối già lùn với tổng diện tích trồng tại địa bàn là 378 ha.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, mô hình chuối già lùn cho hiệu quả cao, hiện trồng được 115 ha. Bình quân mỗi năm, cho thu hoạch 280 tấn/ha. Sản lượng tổng thể trên địa bàn toàn huyện đạt gần 11.000 tấn, doanh thu khoảng 41 tỷ đồng. Hiện các địa phương không trồng dàn trải như trước mà tập trung vào các xã có điều kiện phù hợp, chú trọng sản xuất theo mô hình công nghệ cao.

Nhờ có công bố chuỗi nông sản an toàn, hiện sản phẩm chuối già lùn A Lưới được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, có mặt tại nhiều cửa hàng trên địa bàn huyện và ở TP. Huế; đặc biệt, đã được chào hàng thành công với số lượng lớn tại Siêu thị GO!.

Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới, hiện địa phương đang triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh nhiều chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản và thủ công mỹ nghệ của huyện ra thị trường.

A Lưới cũng đang triển khai nhiều dự án (DA) nhằm giúp các sản phẩm đặc sản, OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh của huyện từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại.

DA “Xác lập, quản lý nhãn hiệu tập thể thịt Bò vàng A Lưới” đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ. Nghiệm thu giai đoạn DA “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong xây dựng mô hình phát triển đàn dê có chất lượng tại huyện A Lưới”. Triển khai thực hiện DA “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong xây dựng mô hình phát triển trồng hoa tu líp và hoa đồng tiền tại huyện A Lưới” và DA “Xác lập, quảng bá nhãn hiệu tập thể Chuối già lùn A Lưới”.

Hoàn thiện kết cầu hạ tầng

UBND huyện A Lưới đã kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Tính đến cuối tháng 5 năm 2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách huyện quản lý đạt 8,3 trên 53 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch vốn thông báo. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 500 tỷ đồng.

Các công trình, DA sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được triển khai trên địa bàn huyện đã hoàn thành các thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các công trình khởi công mới. Các DA chuyển tiếp chưa giải ngân được do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và điều chỉnh quy mô đầu tư như: Nâng cấp, cải tạo điện chiếu sáng, điện trang trí khu vực đô thị mở rộng; chỉnh trang nút giao Quốc lộ 49A - đường Hồ Chí Minh; nâng cấp, sửa chữa đường Konh Hư, thị trấn A Lưới (giai đoạn 2)...

Các DA sử dụng vốn ngoài ngân sách như DA trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao A Lưới đang được Sở KH&ĐT thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với DA trung tâm bán lẻ vật liệu xây dựng, hiện nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư. DA Làng hòa bình Việt Nam – Hàn Quốc, đang được lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành, trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư…

A Lưới cũng đang triển khai công tác GPMB các DA trọng điểm. Tính đến thời điểm hiện tại cơ bản đã hoàn thành 5/8 DA để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, thời gian tới, huyện phối hợp thúc đẩy việc thực hiện các DA đã có chủ trương đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện quản lý; DA “Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc”. Tiếp tục đấu giá cho thuê đối với các điểm kinh doanh còn lại tại chợ A Lưới và chợ Bốt Đỏ. Tăng cường quản lý công tác đầu tư công và đẩy mạnh công tác quyết toán vốn công trình hoàn thành gắn với bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn 2022 và chuyển nguồn vốn từ 2021 sang được đảm bảo.

Qua rà soát, hiện hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%, có 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%, hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ chung toàn huyện là 65,53%. Phấn đấu cuối năm 2022 giảm 10,18%, tương đương 1.430 hộ theo chỉ tiêu tỉnh giao, số hộ nghèo cuối năm 2022 còn 5.592 hộ chiếm 39,8%.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).