Thứ Sáu, 30/09/2016 06:45

Hoàn thiện không gian văn hóa

Với vị thế thành phố văn hóa - du lịch, TP. Huế đã và đang đầu tư nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các không gian văn hóa - du lịch, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Không gian văn hóaXây dựng không gian văn hóa nghệ thuật trên đường Lê Lợi từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền

Đường đi bộ lát gỗ lim tạo không gian đẹp bên sông Hương. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Tạo điểm nhấn

Hàng ngày, vào buổi sáng và tối, quảng trường trước Trường Quốc Học Huế nhộn nhịp người dân đến vui chơi. Cùng với việc đầu tư lát toàn bộ mặt bằng quảng trường bằng đá, không gian này được bố trí sân khấu hơn 2.500 chỗ ngồi phục vụ các hoạt động văn hóa trong các kỳ festival. 

Tuyến đường xanh được xây dựng theo quy hoạch ở bờ Nam sông Hương đã hoàn thành, trở thành điểm đến yêu thích của người dân và du khách với tuyến đi bộ dọc sông Hương trên con đường lát đá xuyên suốt từ khu vực Bến thuyền Tòa Khâm băng qua Công viên 3-2, theo lối đi dưới cầu Trường Tiền vào đường Nguyễn Đình Chiểu, theo hành lang dẫn xuống cầu đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương, qua công viên Lý Tự Trọng, đến khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh, men theo con đường dạo cạnh Khách sạn Azerai – La Residence Hue và kết thúc hành trình ở nhà hát sông Hương của Học viện Âm nhạc Huế.

Chị Nguyễn Thị Huyền - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Tôi từng đi nhiều nơi, nhưng thực sự tuyến đường lát đá ven sông Hương là một trong những tuyến đường dạo yên bình, thơ mộng và đẹp, tạo không gian thân thiện giữa lòng thành phố hiện đại.

Không gian văn hóa bên bờ sông Hương được đầu tư, mở rộng

Nếu như điểm nhấn của Huế trong năm 2017 là đưa tuyến phố Tây Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu vào hoạt động và biến nó trở thành sản phẩm du lịch để Huế bắt nhịp, hòa nhập với không khí một thành phố du lịch vào buổi tối thì việc hoàn thiện không gian đường Lê Lợi, cầu đi bộ gỗ lim và tuyến đường dạo ven sông Hương vào cuối năm 2018 mang nhiều ý nghĩa. Đây là nơi du khách có thể cảm nhận được một nhịp sống nhẹ nhàng, êm ái đậm chất thơ của sông Hương thơ mộng và quyến rũ, nâng tầm giá trị của sông Hương và trở thành sản phẩm riêng có của Cố đô Huế.

Mở rộng, kết nối

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Thiên Định cho biết, với kết quả từ công tác chỉnh trang, xây dựng nâng cấp các công trình hạ tầng đô thị phục vụ du lịch, tỉnh và thành phố thực hiện đúng với mục tiêu định hướng hoàn thiện không gian văn hóa du lịch của TP. Huế, mở rộng và kết nối các không gian một cách đồng bộ.

Vào thời điểm này, du khách đến Huế có thể cảm nhận nhiều không gian khác nhau. Đó là không gian mang hơi hướng hiện đại ở khu vực ngã 6 với sự hiện diện của Trung tâm thương mại Vincom, Ngân hàng Vietinbank, Siêu thị Big C và tuyến mua sắm Hùng Vương, Bến Nghé. Tiếp đến là khu phố Tây, nơi du khách có thể đến để cảm nhận không khí náo nhiệt nhưng ấm cúng, đi dạo trên những con phố đi bộ đúng nghĩa kết hợp với mua sắm và thưởng thức ẩm thực và nghệ thuật đường phố.

Những công trình trên tuyến đường Lê Lợi đều được chuyển đổi công năng và ưu tiên cho hệ thống nhà bảo tàng. Nhờ có sự ưu tiên này mà đường Lê Lợi trở thành một tuyến đường có mật độ bảo tàng dày với 6 nhà bảo tàng và trưng bày trên tuyến đường chưa tới 1 km gồm: Bảo tàng Điềm Phùng Thị (chuyển đổi từ Trung tâm Festival Huế), Bảo tàng Văn hóa Huế (chuyển từ tòa nhà UBND TP. Huế), Bảo tàng nghề thêu XQ Huế, Nhà trưng bày Liễu Quán, Bảo tàng Lê Bá Đảng và cuối cùng là Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Một không gian khác cũng không thể bỏ quên. Đó là khu vực phía bên trong Kinh thành Huế, nơi đây, hệ thống chiếu sáng kỳ đài kết hợp với súng thần công phun lửa sau khi được đầu tư lắp đặt đã trở thành một điểm thật sự ấn tượng về đêm. Xung quanh Đại Nội là hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật, nhất là việc sắp xếp lại giao thông, chỉnh trang đường Ông Ích Khiêm đang giúp khu vực này trở nên ngăn nắp.   

Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Nguyễn Văn Thành cho biết: Dù nguồn lực hạn chế song thành phố sẽ dốc toàn lực để nâng cấp và hoàn thiện không gian văn hóa du lịch theo tiêu chí sang trọng và đẳng cấp hơn; đây là yếu tố quan trọng giúp thành phố có điều kiện xây dựng các chương trình lễ lội. Chẳng hạn như Festival Nghề truyền thống Huế 2019 tới đây, sẽ mở rộng không gian festival ở cả bờ Nam và bờ Bắc, tạo không gian mở và đa dạng trên nền tảng những công trình mới được đầu tư. Tương lai, sẽ từng bước hiện thực hóa để xây dựng Huế trở thành thành phố quanh năm lễ hội, đúng với định hướng xây dựng Huế - Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Điểm nhấn của TP. Huế là không gian bên bờ Nam sông Hương, dọc tuyến đường Lê Lợi, nơi được tỉnh và thành phố định hướng trở thành trục văn hóa trung tâm.

Bài, ảnh: QUANG PHONG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh
Hoàn thiện hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh

Sau một năm sáp nhập và chuyển đổi hoạt động, cơ sở Chân Mây trở thành đơn vị trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc. Cùng với việc tổ chức lại đội ngũ, đơn vị nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân thuộc 4 xã khu II huyện này.

Hạ tầng cho đô thị thông minh
Hạ tầng cho đô thị thông minh

Là đô thị trung tâm với địa bàn rộng, dân cư đông, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính nên ngoài việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng và chỉnh trang đô thị, TP. Huế chú trọng đến việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của đội ngũ CBCNV trên địa bàn.

Từ thực tế khách quan
Từ thực tế khách quan

Chủ trương “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong giai đoạn mới” mà Hội nghị Trung ương 6, khóa 13 đưa ra là phù hợp với xu thế ở nước ta hiện nay.

Hoàn thiện hạ tầng chợ truyền thống
Hoàn thiện hạ tầng chợ truyền thống

Cùng với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hoá và tham quan mua sắm. Vì vậy, TP. Huế ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống chợ nhằm đảm bảo xây dựng chợ văn minh thương mại (VMTM).