Thứ Tư, 25/07/2018 17:03

Học cho mình và cho cả nhà

Là con gái út của gia đình làm nông, từ nhỏ Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1988, giáo viên Trường tiểu học số 1 Quảng Thành, Quảng Điền) đã mơ trở thành cô giáo.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy luôn được học sinh yêu mến

Để thực hiện ước mơ, Thuỷ luôn chăm chỉ siêng năng để hoàn thành tốt việc nhà như các anh chị và học thật tốt ở trường. Chị đạt được ước mơ khi thi đậu vào Khoa Giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm Huế. Là người con được học hành đầy đủ nhất trong sáu anh chị em trong nhà, cô luôn nhớ câu nói của ba mẹ: “Con được học thì nhớ học cho cả anh chị nữa nghe”.

Từ vùng trũng Quảng Điền, Thu Thuỷ bước lên giảng đường với ước mơ một ngày quay lại giảng dạy cho bầy em nhỏ quê mình. Tốt nghiệp và nhận công tác tại Trường tiểu học số 2 Quảng Lợi rồi chuyển sang Trường tiểu học số 1 Quảng Thành cho đến nay. Chặng đường gắn bó với bục giảng của cô Thuỷ chưa dài, nhưng với cô, khởi đầu từ giấc mơ thành cô giáo đã biến mỗi ngày đến trường của mình là một ngày vui và luôn mong muốn đem đến cho các em nhỏ những niềm vui.

Cô Thuỷ nhớ lại những ngày đầu lên lớp, cô giáo trẻ nhận ra các cô bé cậu bé trong lớp không phải em nào cũng chăm ngoan, cũng có điều kiện tốt để đến trường. Nhưng thay vì thất vọng cô lặng lẽ theo dõi, tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh. Cô nhớ lại, năm 2010, khi là chủ nhiệm lớp 3/2 ở điểm lẻ chỉ với ba phòng học tại thôn Thủy Lập (xã Quảng Lợi). Phụ huynh ở đây đa phần nghèo, điều kiện đến trường của các em khó khăn, trong đó có Viên, cậu bé có dáng người nhỏ thó, nước da đen của người sớm dầm mưa dãi nắng, Viên đi học không thường xuyên.

Có lần, Viên vắng mặt nhiều ngày không lý do, phụ huynh không có điện thoại nên cô Thuỷ phải lặn lội tìm đến tận nhà để hỏi thăm. Vượt qua con đường đất nhấp nhô, cô tìm mãi mới thấy nhà của Viên, là một túp lều nhỏ nằm tại khu độn cát mới khai hoang, xung quanh không có hàng xóm, cả nhà chăn vịt để sống. Mới học lớp 3 nhưng Viên là anh cả của bốn đứa em vì thế Viên liên tục nghỉ học để phụ ba mẹ chăn vịt, chăm em.

Thương Viên, Thuỷ chờ để gặp cho được phụ huynh, gặp rồi cô ngỡ ngàng khi cả hai không ai quan tâm việc nên đi học của đứa con trai đầu lòng. Phải mấy lần liên tục đến nhà ngồi tỉ tê với cha mẹ Viên, Thuỷ mới đưa Viên trở lại lớp học với lời hứa sẽ là người chở Viên đi học và đón về hằng ngày cho đến hết năm học. Năm học ấy, Viên từ một học sinh trung bình đạt học sinh tiên tiến.

Sau khi lập gia đình, ở nhà chồng cách trường gần 20km, có những ngày nắng nóng gần 40 độ C, cô trang bị cho mình hai ba lớp áo để… chống nắng, ngày mưa cô phải mặc đến 3 lớp áo mưa. Thế nhưng, cô luôn tạo cho mình tâm thế của người đi sớm về muộn. Tự khép mình vào kỷ luật, cô Thuỷ cũng tạo cho mình niềm vui trên bục giảng từ những trách nhiệm nho nhỏ như luôn đúng giờ, luôn hết lòng với công việc được giao, say mê với những chuyên đề cũng như tâm đắc rèn chữ cho từng đứa trẻ…

Bằng sự nỗ lực, cố gắng và tâm huyết, cô Thuỷ không chỉ hoàn thành tốt việc trên lớp mà còn đại diện trường, phòng GD&ĐT Quảng Điền tham gia nhiều cuộc thi… và đạt được nhiều thành quả như giải nhất giáo viên chữ đẹp cấp huyện, giải nhì giáo viên dạy giỏi cấp huyện, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giải nhất cuộc thi An toàn giao thông cấp huyện, tỉnh, đặc biệt giành giải nhất cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ cấp quốc gia năm 2020. Cô còn là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, là giáo viên điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.

Nói về đồng nghiệp của mình thầy Hiệu trưởng Trần Bá Trai khẳng định: “Cô Thủy không chỉ là một giáo viên giỏi nghề mà còn là tấm gương cho học sinh lẫn đồng nghiệp. Là tổ trưởng chuyên môn 2-3, cô không “giấu nghề” mà luôn chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy học với các giáo viên khác trong tổ và rất nhiệt tình trong công việc nên được BGH tin tưởng, đồng nghiệp quý mến”.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm cách giúp bạn giảm căng thẳng khi học online
Tìm cách giúp bạn giảm căng thẳng khi học online

Học sinh áp lực, căng thẳng khi học trực tuyến, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của chính các em trong suốt thời gian dài. Đáng lo ngại, nhiều học sinh thừa nhận có dấu hiệu của chứng trầm cảm, cô đơn.

Học chứng chỉ quốc tế để rộng đường vào đại học
Học chứng chỉ quốc tế để rộng đường vào đại học

Mới đây, hàng loạt trường đại học công bố phương án tuyển sinh chính quy năm 2022. Nhiều trường đã giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển, thậm chí là tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL hoặc các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế, như A-Level, SAT… Điều này thôi thúc nhiều thí sinh sớm lên kế hoạch “chinh phục” các chứng chỉ quốc tế để gia tăng cơ hội.

Cho con học tại trường quốc tế chỉ phí tiền có đúng không
Cho con học tại trường quốc tế chỉ phí tiền có đúng không?

Các trường quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều cho thấy nhu cầu lựa chọn loại hình giáo dục này của các bậc phụ huynh đang tăng lên. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cho con học tại trường quốc tế chỉ phí tiền. Liệu điều này có thực sự đúng đắn?