Thứ Tư, 17/08/2016 07:43

Hội đua... thua gì hội vật

Người Huế có truyền thống thượng võ, yêu thích các hoạt động thể thao gắn liền với đời sống dân cư. Điều này được minh chứng qua những hội vật, đua ghe, đua trải… diễn ra mỗi dịp đầu xuân.

100 đô vật tham gia hội vật làng SìnhSới vật Thủ Lễ tưng bừng khai hộiĐu tiên, mong ngày trở lạiVề Thủ Lễ xem hội vật đầu nămQuảng Điền: Gần 100 đô vật tham gia Hội vật làng Thủ Lễ

Đua trải thu hút đông đảo người cổ vũ không kém gì vật

1. Mùng 6 tết, mới sáng sớm, khi còn không ít người còn ngủ nướng thì những nẻo đường hướng về đình làng Thủ Lễ (Quảng Phước – Quảng Điền) - nơi diễn ra hội vật Thủ Lễ đã thấy đoàn người mỗi lúc mỗi dài thêm ra. Không chỉ con dân trong vùng, đoàn người còn là khách tứ xứ với tâm thế nôn nao, háo hức, cố nhanh chân cho kịp tiếng trống đang thúc giục rộn rã trong sân đình.

Thì cũng như mọi năm, cũng khoảng trên dưới trăm đô thanh – thiếu niên đăng ký thượng đài với 2 nội dung vật truyền thống và vật tự do. Rồi cũng khai màn bằng miếng đánh của 2 đô cao niên, tiếp đó là những màn biểu diễn “táng, bành…” đẳng cấp của các đô nữ đang khoác áo tuyển vật tỉnh, rồi lứa tuổi thiếu niên đánh trước, thanh niên so tài sau…

Vậy mà trong suốt buổi sáng mùng 6 tết, hàng ngàn khán giả, nam có nữ có, lớn có nhỏ có với ánh mắt chăm chú, với những tiếng xuýt xoa, trầm trồ, vỗ tay, hò reo cứ vang lên như thể đang chứng kiến cái gì mới lạ lắm.

Thật ra hội vật Thủ Lễ năm nay cũng có nét mới khi thu hút 16 đô là con em của làng đăng ký thượng đài. Nhưng nếu hội vật không có sức hút và khán giả không có tình yêu mãnh liệt đi kèm truyền thống thượng võ thì chắc hẳn, cái sự mới đó không đủ sức khiến đình làng Thủ Lễ cứ gọi là chen chân không lọt.

Ấy là nói sau này BTC cho dựng thêm khán đài 3 tầng bằng sắt ở hai bên sới. Còn khi chưa có khán đài, lỡ như tới muộn một chút thôi thì xác định nhón chân, nghểnh cổ, leo cây. Thậm chí cùng nhau chen chúc, một chân trụ, một chân để hờ, tay thì bá vai người bên cạnh (dù chẳng quen biết nhau) đứng chông chênh trên bức bình phong mà tuổi đời tương đương với ngôi đình cổ để có thể thưởng thức bằng được những miếng vật đầu xuân.

Sức hút của hội vật Thủ Lễ còn lan tỏa đến các em nhỏ

Sau vật Thủ Lễ 4 ngày là hội vật làng Sình (Phú Mậu – Phú Vang). Có truyền thống lâu đời hơn, quy mô lớn hơn, ngày khai hội vật Sình, không chỉ các khán đài bao quanh sới vật, mà ở phía ngoài hàng rào, người người chen chúc chật kín như nêm. Nhưng cũng chẳng khác mấy vật Thủ Lễ, nghĩa là cũng từng đấy nghi thức, luật lệ, đòn, miếng…, rồi không ít gương mặt gần như năm nào cũng thấy thượng đài. Thậm chí có đôi, năm trước vừa phân cao thấp, chẳng hiểu run rủi thế nào năm nay bốc thăm lại gặp nhau. Thế là “thù mới hận cũ”, thế là “quen miếng thuộc đòn” nên mặc kệ phía dưới khán giả sốt ruột la ó, huýt sáo, 2 đô trên sới cứ mải miết vờn quanh.

Tất nhiên là khán giả “ra vẻ” sốt ruột thế thôi, bởi họ cũng thừa hiểu, sau những động tác thăm dò, kiểu chi 2 đô cũng tung những đòn thế hiểm nhưng không ác, phô bày sức mạnh nhưng không mất đi vẻ đẹp trong từng miếng đánh cùng truyền thống thượng võ của mảnh đất Cố đô.

Thì vậy mới nói, hội vật Thủ Lễ, hội vật làng Sình gần như năm nào cũng như nhau, nhưng năm nào cũng như năm nào, cũng đông kín người xem từ tinh mơ cho đến khi kết thúc.

2. Cũng trong những ngày đầu xuân, bên cạnh 2 hội vật thì đua ghe, đua trải cũng diễn ra tưng bừng ở Phong Bình, Phong Hòa (Phong Điền); thị trấn Sịa (Quảng Điền); Lăng Cô, Lộc Vĩnh (Phú Lộc); Vinh Thái (Phú Vang)…  – những nơi dân cư có cuộc sống chủ yếu gắn liền với sông nước.

Ngoài là môn thể thao đơn thuần, đua ghe, đua trải còn là hoạt động để người dân vùng sông nước gửi gắm niềm tin nếu chiến thắng, bản thân và xóm làng có một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Cũng từ niềm tin này mà ngày thường gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhưng lúc ngồi trên ghe, tay cầm chèo là thái độ khác hẳn.

Trên sông đã vậy, trên bờ cũng chẳng kém chi. Cũng chen chân, nghểnh cổ, chen không lọt thì tót lên cây hoặc lội ra sông cho đến khi nước ngập nửa bắp chân, miễn sao cho đội đua làng mình nghe tiếng mình hò reo, thấy mình tạt nước nhiệt tình. Mà trong men say cổ vũ khi quyết không để giọng ai to hơn giọng mình, không để ai tạt nước, thúc trống phất cờ mạnh hơn mình, chuyện “tức nhau tiếng gáy” giữa cổ động viên các làng, nhất là 2 làng sát nhau cũng xảy ra thường xuyên…

Nhưng rồi những chuyện đó chỉ xảy ra trong cuộc đua. Còn khi hết giải, lại gặp nhau, lại bắt tay, lại nói cười, lại tình thương mến thương… Và đua ghe cũng như hội vật. Nghĩa là cũng từng đó nội dung, cũng độ cúng, độ tiền, độ phá, cũng chừng đó vòng, chừng đó tráo và tất nhiên, năm nào cũng như năm nào. Nhưng không hiểu sao chẳng ai thấy chán…

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội làng nho nhỏ
Hội làng nho nhỏ

Con số hàng ngàn người dự hội cho thấy, hội vật làng Sình từ nhiều năm nay đã vượt qua quy mô hội làng để trở thành ngày hội văn hóa...

Duy trì không gian đường hoa xuân phục vụ người dân, du khách
Duy trì không gian đường hoa xuân phục vụ người dân, du khách

Trong ngày nghỉ cuối cùng của Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hàng ngàn người dân đổ ra không gian hoa xuân dọc bờ sông Hương để dạo chơi, ngắm cảnh. Đại diện đơn vị quản lý không gian này cho hay, sẽ tiếp tục duy trì khu vực này càng lâu càng tốt để phục vụ người dân, du khách.

Huế đón khách đến du xuân
Huế đón khách đến du xuân

Trong ngày đầu năm mới, các điểm du lịch, khách sạn, resort… đều ghi nhận lượng khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng đáng kể.

An lạc chốn Huyền Không Sơn Thượng
An lạc chốn Huyền Không Sơn Thượng

Bao bọc bởi núi non, Huyền Không Sơn Thượng bốn mùa xanh um cây cối. Cảnh quan chùa hài hòa, chánh điện, các công trình trong quần thể ngôi chùa ẩn mình cùng cỏ cây, hoa lá, thu hút nhiều bước chân của du khách thập phương.