Thứ Ba, 02/12/2014 13:46

Hợp tác xã... nước ớt

Vinh Xuân (Phú Vang) nổi tiếng là vựa ớt, cũng là địa phương duy nhất có nghề chế biến nước ớt trên địa bàn tỉnh. Một “hợp tác xã nước ớt” ra đời là cơ hội phát triển cho nghề trồng và ép nước ớt ở xã vùng cát này.

Người dân Kế Võ thu hoạch ớt

Về xã Vinh Xuân những ngày cuối tháng 5, cũng là thời điểm thu hoạch vụ ớt năm nay. Niềm vui với bà con trồng ớt vụ này không chỉ được mùa, mà còn được Hợp tác xã (HTX) Vinh Xuân hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. “Có nhiều vụ đạt năng suất cao, nhưng giá quá thấp nên khó bán, thậm chí lỗ nặng... Từ nay, tui không còn lo về giá cả bấp bênh, hoặc ớt không tiêu thụ được khi có HTX đứng ra thu mua sản phẩm”, ông Trần Thanh Kha ở thôn Kế Võ chia sẻ.

Trồng ớt cũng như chế biến nước ớt là nghề truyền thống đối với nhiều hộ dân ở xã Vinh Xuân. Có lẽ do thổ nhưỡng, thời tiết thích hợp nên nước ớt Vinh Xuân nổi tiếng thơm ngon, có vị cay nồng. Theo người dân nơi đây, nghề ép nước ớt không biết cụ thể có từ khi nào, nhưng hầu như nhà nào trồng ớt đều biết ép nước ớt. Sau khi thu hoạch, một phần bán ớt tươi, phơi khô làm bột, phần còn lại chế biến nước ớt để cung cấp trên thị trường.

Một số địa phương lân cận, hay cả những vùng cát ở Quảng Điền, Phong Điền... đều trồng ớt, nhưng không có nơi nào có nghề chế biến nước ớt. Nước ớt vì thế đã trở thành gia vị “đặc sản” ở Vinh Xuân, không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà con nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Nước ớt thường được người dân bày bán hai bên đường, du khách về biển Vinh Thanh, Vinh Hiền, Phú Diên... đều ghé mua về làm quà. Dù chưa có thương hiệu nhưng nước ớt Vinh Xuân đã được nhiều người biết đến.

Chính vì chưa có thương hiệu nên cũng không ít người còn nghi ngờ về chất lượng nên sản phẩm nhiều khi khó bán, giá thấp. Nghề làm nước ớt chủ yếu bằng thủ công, các công đoạn khá kỳ công, vất vả, song thu nhập chưa tương xứng. Chị Phan Thị Thủy, chuyên chế biến nước ớt, cho biết, nhiều lúc giá mỗi lít nước ớt chỉ 10 ngàn đồng, trong khi đó phải tối thiểu 20 ngàn đồng mới có lãi. Còn những vụ ớt bị mất mùa, giá cao thì phải 25 ngàn đồng/lít mới có lãi.

Dây chuyền sản xuất nước ớt của HTX Vinh Xuân sẽ đi vào hoạt động từ giữa tháng 6/2017

Trước yêu cầu lưu giữ và phát triển nghề truyền thống, HTX Vinh Xuân ra đời cách đây chừng 2 năm, có nhiệm vụ chính là hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ớt. HTX còn tham gia nhận khoán trồng rừng phòng hộ ven biển với diện tích 10 ha và trồng rừng sản xuất 15 ha, trồng thêm dưa lê, chăn nuôi lợn rừng. Ông Đỗ Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc HTX Vinh Xuân cho rằng, trong số các ngành nghề sản xuất, kinh doanh thì chế biến nước ớt là chính. Đó cũng là lý do mà HTX còn có thêm tên mới là “HTX nước ớt”.

Ông Đỗ Ngọc Hiệp so sánh, mỗi sào ớt có giá trị kinh tế tương đương một mẫu lúa. Mỗi hộ trồng chừng 3 sào có thể thu về 40-50 triệu đồng/vụ. Toàn xã Vinh Xuân có khoảng 50 ha ớt, mỗi vụ thu được 15 tỷ đồng... “HTX nước ớt” ra đời sẽ là điều kiện, cơ hội để mở rộng diện tích trồng ớt, tăng thu nhập cho người dân địa phương. HTX đang xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Mỗi kg ớt tươi bình thường có giá chỉ 5-7 ngàn đồng, nhưng sau khi ép, chế biến được 1 lít có giá 20 ngàn đồng trở lên.

Để hướng đến xây dựng thương hiệu, sản phẩm đảm bảo uy tín trên thị trường, an toàn cho người tiêu dùng, HTX đang tổ chức vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp, quy trình kỹ thuật trồng ớt an toàn. Trong quá trình sản xuất, hoàn toàn sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân chuồng, hạn chế tối đa thuốc trừ sâu. Nguồn nước tưới được kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn. Về lâu dài sẽ nghiên cứu, dùng nước ớt, hoặc tỏi để chế biến thuốc trừ sâu, tuyệt đối không sử dụng chất hóa học.

HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước ớt với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng, công suất chế biến mỗi ngày khoảng 2 tấn ớt tươi; giữa tháng 6 tới sẽ chính thức đi vào hoạt động. Với công suất này thì nguồn nguyên liệu hiện có tại địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Sắp đến, HTX đề xuất với chính quyền địa phương rà soát những vùng đất trồng lúa hiệu quả thấp, không chủ động nước tưới chuyển sang trồng ớt nhằm mở rộng diện tích. Nếu vẫn thiếu nguyên liệu thì HTX hợp đồng thu mua ở các địa phương khác.

Ông Hiệp cho biết, trước mắt HTX hướng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho du khách làm quà. Về lâu dài, Ban Giám đốc HTX Vinh Xuân sẽ tìm hiểu, khai thác mở rộng thị trường ở các tỉnh khác và hướng đến xuất khẩu ở một số nước Đông Nam Á.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Viết Quýt cho rằng, định hướng phát triển của HTX Vinh Xuân là hướng đi đúng, phù hợp với thực tế tại địa phương, hài hòa lợi ích giữa HTX và bà con nông dân. HTX biết khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để đầu tư sản xuất, kinh doanh theo Luật HTX năm 2012.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác xã với sản phẩm OCOP
Hợp tác xã với sản phẩm OCOP

Trong số 40 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh có đến hơn một nửa với chủ thể là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trong đó có 9 sản phẩm OCOP 4 sao và 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Thảo luận Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi và Dự án Luật Phòng thủ dân sự
Thảo luận Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự

Chiều 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu chủ trì phiên thảo luận.

Thủ tướng Các hợp tác xã phải chủ động chuyển đổi số để tồn tại và phát triển
Thủ tướng: Các hợp tác xã phải chủ động chuyển đổi số để tồn tại và phát triển

Sáng 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hợp tác xã chuỗi giá trị
Hợp tác xã chuỗi giá trị

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, mô hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu, phù hợp với kinh tế HTX hiện nay.