Thứ Tư, 11/10/2017 07:00

Huế sẽ đào tạo ngành hộ sinh hệ đại học

Sau 12 năm duy trì tuyển sinh các ngành truyền thống, năm 2020, Trường đại học (ĐH) Y dược, ĐH Huế mở mới ngành hộ sinh hệ ĐH đáp ứng nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe sinh sản hiện đang rất cần, đồng thời tăng tính đa ngành, đa lĩnh vực khi ĐH Huế đang xây dựng trở thành ĐH Quốc gia.

Trường đại học Y Dược - Đại học Huế: Một năm nhiều thành côngTrường ĐH Y Dược trao chứng nhận và quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư

Nhu cầu cao

Thống kê từ Trường ĐH Y dược, ĐH Huế cho biết, kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực các sở y tế, bệnh viện tại khu vực miền Trung cho thấy, chỉ riêng 19/50 đơn vị phản hồi sớm, nhu cầu nhân lực ngành hộ sinh hiện cần đến 400 người. “Nhu cầu mỗi năm sẽ khác. Hiện, còn chờ 31 đơn vị hoàn thành kết quả khảo sát. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu hộ sinh tại các đơn vị y tế rất cao”, ThS. Ngô Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y dược chia sẻ.

Đại diện Trường ĐH Y dược phân tích, tại Việt Nam, thống kê sơ bộ của Tổng cục Dân số, năm 2019, Việt Nam có gần 1,6 triệu trẻ em được sinh ra. Dự kiến, từ năm 2020, khoảng 4.293 trẻ em được sinh ra trung bình mỗi ngày, điều này đồng nghĩa có hàng triệu trẻ em được sinh ra hằng năm. Với thực tế như vậy, mạng lưới y tế Việt Nam cần số lượng lớn hộ sinh làm việc tại các khoa sản, trung tâm y tế từ thành thị đến nông thôn.

Cuộc đời chào con bằng những nụ cười. Ảnh: Doãn Tú 

Theo ông Đồng, nhà trường xây dựng chuyên ngành hộ sinh từ năm 2015, đồng thời khoảng 3 năm trước nhà trường đã có đào tạo học phần về điều dưỡng hộ sinh, tuy nhiên giai đoạn đó, do chưa có mã ngành cấp 4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chưa thể mở ngành riêng. Trái lại, tính đặc thù khiến ngành hộ sinh có những khác biệt trong đào tạo. “Kể từ năm 2008, sau khi mở ngành y học cổ truyền, đến năm 2020 nhà trường mới mở lại ngành mới”, ThS. Ngô Văn Đồng thông tin.

Mặc dù nguồn nhân lực hộ sinh tại Việt Nam ngày nay đã được quan tâm tuyển dụng và tăng dần hàng năm nhưng về số lượng và cơ cấu vẫn còn thiếu nhiều. Điều dưỡng, hộ sinh đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất (48,8%), giảm dần qua các bệnh viện tuyến quận/huyện (27,5%), bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (13,1%), các bệnh viên tư nhân (9,1%) và thấp nhất là tại các bệnh viện bộ/ngành (1,4%). Đáng nói, có sự bất cập rất lớn về trình độ chuyên môn. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trình độ hộ sinh phải từ cao đẳng trở lên, thì tại Việt Nam điều dưỡng, hộ sinh trình độ trung cấp chiếm đa số với 66,9%.

Đại diện ĐH Huế phân tích, ĐH Huế đang xây dựng trở thành ĐH Quốc gia, đa ngành, đa lĩnh vực. Việc mở những ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội và người học, nhất là đáp ứng nguồn nhân lực ở những lĩnh vực hiện nay đang cần.

Đảm bảo chất lượng

Nhu cầu lớn, tuy nhiên theo đại diện Trường ĐH Y dược, trong khoảng 3 năm đầu, quy mô tuyển sinh chỉ duy trì khoảng 50 sinh viên/năm đối với ngành mới để đảm bảo chất lượng.

Khác với hệ cao đẳng, sinh viên hệ ĐH ngành Hộ sinh có thời gian đào tạo kéo dài 4 năm, thời gian tập trung cho các học phần chuyên ngành sâu hơn, khả năng về nghiên cứu, lý luận, chuyên môn, quản lý, thực hành sẽ cao hơn. Theo đại diện Trường ĐH Y dược, để mở ngành hộ sinh, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong thời gian dài, trong đó có cả khảo sát nhu cầu người học và đơn vị tuyển dụng, đồng thời trải qua nhiều bước kiểm tra chất lượng.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế phân tích, quy trình mở ngành mới rất chặt chẽ, qua nhiều bước và được thẩm định nhiều vòng, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ. Qua thẩm định, điều kiện để mở ngành tại Trường ĐH Y dược là đảm bảo. Còn theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, ĐH Huế rất chú trọng chuẩn đầu ra. Đối với các ngành mới đều đòi hỏi xây dựng chương trình và các vấn đề liên quan kỹ.

Theo đại diện Trường ĐH Y dược, do tính đặc thù và là ngành mới, trong bối cảnh hiện nay, nhà trường đang tập trung quảng bá tuyển sinh qua hình thức trực tuyến, mạng xã hội và truyền hình, đồng thời tương tác, trao đổi để thí sinh có thêm định hướng nghề nghiệp trước khi đăng ký hồ sơ xét tuyển.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo kiến thức chăn nuôi lợn cho người mù và khuyết tật
Đào tạo kiến thức chăn nuôi lợn cho người mù và khuyết tật

Ngày 17/2, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù thuộc Hội người mù tỉnh phối hợp với Ban chấp hành Hội người mù huyện Phong Điền tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn cho 15 học viên là người mù và người khuyết tật.

Đa dạng chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra
Đa dạng chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra

Với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và chuẩn đầu ra, đặc biệt là đa dạng các chương trình đào tạo, Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế đã và đang kịp thời cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân
Đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân

Từ các lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất do Trung tâm Hỗ trợ nông dân (TTHTND) thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức, nhiều nông dân biết cách làm ăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.