Thứ Sáu, 07/08/2020 06:09

Hướng đi nào cho hệ thống giáo dục ngoài công lập?

Trong khi các tỉnh phát triển rầm rộ hệ thống giáo dục ngoài công lập thì ở Huế các trường tư thục sống "thoi thóp" và phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Không hẳn là người Huế chưa mặn mà với loại hình này, mà cơ bản họ vẫn thấy chưa tương xứng với “đồng tiền bát gạo” bỏ ra.

Chia sẻ khó khăn với cơ sở giáo dục ngoài công lậpKhông nên để trường ngoài công lập “tự bơi”Đừng chờ “hữu xạ tự nhiên hương”


Tiết học ở Trường THPT ngoài công lập Chi Lăng

Thi rớt mới vào trường ngoài công lập

Có một thực tế xảy ra ở nhiều gia đình có điều kiện, khi con không đỗ vào các trường  trung học phổ thông (THPT) công lập, họ mới nghĩ đến chuyện cho con học trường ngoài công lập. Một phụ huynh có con vào lớp 10 năm trước giãi bày: "Con không đủ điểm đậu vào các trường công lập tốp dưới, song tôi vẫn không muốn con học nghề hay học song bằng. Tôi đăng ký cho con học trường ngoài công lập, chấp nhận mức học phí cao hơn hẳn trường công”.

Bỏ ra một số tiền không nhỏ, nhiều phụ huynh mong muốn các em được tiếp cận với môi trường chuẩn quốc tế để hội nhập với thế giới, thuận tiện hơn trong việc đi du học. Các em học sinh được phát huy sức sáng tạo, khả năng tư duy tốt hơn nhờ sự khuyến khích của các thầy cô. Nghĩa là, ngoài chất lượng giảng dạy các em còn được bồi dưỡng năng khiếu, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phát triển tư duy thẩm mỹ và sức khỏe tinh thần.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, có con đang học tiểu học cho biết: "Tôi sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để con được tiếp cận môi trường giáo dục hiện đại. Nhưng ở Huế hầu như chưa có trường nào đáp ứng nhu cầu trên, khi số lượng học sinh đến học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có người học giữa chừng phải chuyển trường cho con vì trường ngoài công lập đóng cửa". Chất lượng đầu vào của học sinh ở các trường ngoài công lập cũng là chuyện đáng bàn. Khảo sát đầu năm vào lớp 10 của một số trường cho thấy, đa số các em đều đạt điểm 0 môn toán. Thế nên, nhà trường phải mất những tháng hè để ôn tập cho học sinh lớp 10 kiến thức từ lớp 6.

Tâm lý muốn con học trường công

Toàn tỉnh hiện có 3 trường THPT ngoài công lập và một số trường tiểu học theo chuẩn quốc tế. Các trường phát triển với quy mô khác nhau, song, kết cục đều rất ít người học. Nhiều phụ huynh đã kỳ vọng về môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc tế, nhưng họ lại không yên tâm cho con theo học vì từ cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục vẫn chưa “đến đầu, đến đũa”. Thành tích của các em vẫn còn quá mờ nhạt trong các cuộc thi nên phụ huynh không biết nhiều về mô hình trường tư thục.

Trường THPT tư thục khó sống trên đất học như Huế cũng là điều dễ hiểu. Tâm lý phụ huynh vẫn muốn con em học trường công lập, thậm chí, trường càng có bề dày truyền thống càng được ưa chuộng. Những trường công lập có thương hiệu đã hút một số lượng học sinh không nhỏ. Hơn nữa, các trường công lập ở Huế không thiếu, có trường còn tuyển không đủ chỉ tiêu, lại được tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư từ nguồn ngân sách để đạt chuẩn quốc gia nên ngày càng phát triển mạnh mẽ.

 Khó khăn mà các trường tư thục phải đối mặt là số lượng tuyển sinh hàng năm rất bấp bênh và không cao. Số lượng này phụ thuộc vào lượng tuyển sinh của các trường công lập trên địa bàn tỉnh. Mỗi khi không thu được học phí, lại chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên các trường tư thục không có kinh phí đầu tư và luôn ở trong vòng luẩn quẩn. Thậm chí, có trường vẫn còn ngổn ngang các công trình xây dựng, không theo thiết kế ban đầu đặt ra, dẫu liên tục tuyển sinh. Chính đầu tư theo kiểu nửa vời, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học nên khó thu hút học sinh.

Cần có hướng đi mới

Ngành giáo dục cho rằng, luôn bình đẳng trong việc tạo cơ hội tuyển sinh cho cả trường tư, lẫn trường công và ngành đã có đề án phát triển quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục đến năm 2030. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ có 56 trường ngoài công lập ở bậc mầm non; 9 trường tiểu học ngoài công lập; 8 trường trung học cơ sở ngoài công lập và 5 trường bậc THPT ngoài công lập. Chính sách phát triển hệ thống trường ngoài công lập cũng đã được đề cập đến, trong đó, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mô hình trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia, tiếp cận chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, muốn thay đổi nhận thức của người dân, nhất thiết phải có những nhà đầu tư đủ mạnh để xây dựng những ngôi trường tầm cỡ, thậm chí thu hút du học tại chỗ. Tín hiệu vui trong năm nay, hệ thống giáo dục FPT sẽ đầu tư xây dựng các trường mầm non ngoài công lập ở Huế. Hy vọng, sẽ có một làn gió mới, tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường công lập và ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu thực sự của phụ huynh và học sinh.

Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm, đừng xem trường tư thục là nơi chỉ đón những học sinh không đậu từ các trường THPT công lập mà phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cách quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được điều đó, ngoài vận động các nguồn lực để xã hội hóa, cũng rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước về mặt cơ chế quản lý và kinh phí hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.

7 năm tù cho kẻ chém người dã man do mâu thuẫn
7 năm tù cho kẻ chém người dã man do mâu thuẫn

Chiều 21/2, TAND tỉnh mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “Giết người” đối với bị cáo Nguyễn Đình Anh (SN 1972), trú tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.

Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ
Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ

Qua thực tế giáo dục con trẻ mới thấm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Dạy con bằng chính tấm gương của bố mẹ là một trong những phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh chủ động đổi mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học trong nền kinh tế số, xã hội số.