Thứ Năm, 20/08/2020 14:16

Hướng mở từ cây dược liệu trên vùng đất khó

Tận dụng vùng đất hoang hóa, đất rú cát, nhiều hộ dân ở Quảng Điền đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu, bước đầu có những kết quả khả quan, cung cấp nguyên liệu cho thị trường. Đây thực sự là hướng đi có triển vọng để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Thanh niên Quảng Điền hăng hái lên đường nhập ngũQuảng Điền tổ chức “Lễ hội Xuân hồng” năm 2023Quảng Điển cần mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa thấp trũng sang nuôi trồng thủy sản

Cây tràm gió trên rú cát Quảng Điền

Hiệu quả

Sau 2 năm triển khai, mô hình trồng cây dược liệu sâm cau của Công ty TNHH Dược liệu Hương Cát ở xã Quảng Thái (Quảng Điền) không chỉ cho giá trị kinh tế cao mà công ty này còn chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc cho 10 hộ gia đình, canh tác trên diện tích 2ha. Sâm cau là loài cây có tính chịu hạn khá cao và là cây thân thảo lâu năm có chồi ẩn nên ít chịu ảnh hưởng của thiên tai và dịch hại, phù hợp với khả năng phát triển sinh kế hộ gia đình.

Theo đánh giá của ngành chức năng, với các yếu tố đất đai, thổ nhưỡng, môi trường thuận lợi, vật liệu hữu cơ sẵn… cây sâm cau đang tạo ra tiềm năng cho sản phẩm dược liệu với năng suất và chất lượng cao, có sức cạnh tranh và khả năng xây dựng thương hiệu lớn trên thị trường. Sau khi có đánh giá cụ thể, huyện Quảng Điền sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng ngành nông nghiệp mở rộng diện tích sâm cau trên địa bàn huyện nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập trên diện tích đất.

Ông Trần Minh Trí (một chủ trang trại trên vùng cát thôn Cổ Tháp, xã Quảng Lợi), người đã triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu như rẻ quạt, tràm gió trên trang trại của mình, trong đó nổi bật có mô hình trồng cây an xoa là giống cây trồng tương đối mới mẻ. Ông Trần Minh Trí cho biết, ngoài phát triển vùng dược liệu là cây tràm gió, bước đầu gia đình đưa vào thử nghiệm 1.000 cây an xoa. Đây là loại cây dược liệu khá dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chịu được hạn và phù hợp với canh tác ở vùng gò đồi. Về giá trị kinh tế, cây an xoa cho năng suất cao và thu nhập gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.

Thấy được tiềm năng phát triển cây dược liệu trên vùng rú cát, nhiều hộ gia đình đã dần chuyển đổi cây nông nghiệp cho năng suất và thu nhập thấp sang trồng cây dược liệu. Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, đến nay trên địa bàn toàn huyện đã phát triển hàng trăm ha cây tràm gió (nguyên liệu chế biến dầu tràm), nhiều diện tích bồ công anh, nhân trần, đinh lăng, cùng các loài dược liệu mới du nhập vào địa bàn như an xoa, sâm cau… 

Phát triển thành cây hàng hóa

Mới đây, tại các buổi kiểm tra mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện, Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thắng khẳng định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây dược liệu đang được huyện Quảng Điền quan tâm và ủng hộ. Việc phát triển cây dược liệu phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nguyện vọng của người dân. Các dự án thử nghiệm phát triển cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ góp phần giải quyết những tồn tại trong sản xuất ngành trồng trọt và nâng cao đời sống của người dân huyện Quảng Điền, đồng thời góp phần thực hiện thành công chương trình nông thôn mới nâng cao của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, nhằm tạo sự đột phá trong phát triển cây dược liệu, huyện đã xây dựng cơ chế đặc thù, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi nhằm thu hút các nguồn lực, dự án đầu tư vào lĩnh vực dược liệu; rà soát diện tích đất, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thủ tục liên quan đến việc thuê đất. Hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 300ha đang chờ các tổ chức, cá nhân vào đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển cây dược liệu.

“Thời gian tới sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện một số chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu; xác định vùng dược liệu và lựa chọn loài dược liệu ưu tiên phát triển; hướng tới phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển vùng nguyên dược liệu và các sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với chương trình OCOP” - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.

Hòa chung vùng trái ngọt
Hòa chung vùng trái ngọt

Lô bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre và là lô bưởi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ cuối tháng qua...

Kiến trúc sư đến từ vùng đầm phá
Kiến trúc sư đến từ vùng đầm phá

Tài năng cộng với những nỗ lực không ngừng, Lê Anh Tài, người con của vùng đầm phá Lộc Điền (Phú Lộc) đã gặt hái nhiều thành công vượt bậc với niềm đam mê thiết kế kiến trúc.