Chủ Nhật, 26/11/2017 09:28

Internet chậm gây khó người dùng

Nhiều người dùng Internet tại Việt Nam gặp rắc rối trong công việc và cuộc sống, khi việc truy cập đi quốc tế bị ảnh hưởng trong nhiều ngày.

Người Việt 'trông chờ' vào ứng dụng tăng tốc mạng

Phạm Thủy, nhân viên chăm sóc khách hàng của một doanh nghiệp tại Hà Nội, đã không thể hoàn thành công việc vì mạng chậm. Do đặc thù công việc, Thủy phải trực fanpage của công ty hai ngày cuối tuần, tuy nhiên, từ sáng thứ 7 vừa qua (23/5), việc truy cập vào Facebook gần như không thể thực hiện.

"Gần 5 phút, tôi mới mở được trang mạng xã hội, nhưng đến lúc hiện ra thì cũng chỉ là trang trắng, không có nội dung gì. Việc truy cập Messenger và gửi hình ảnh gần như không thể", Thủy nói.

Tiến Anh, một người kinh doanh đồ thời trang trên Facebook cho biết, lượng đơn hàng trong hai ngày cuối tuần vừa qua của cửa hàng đã giảm gần nửa so với tuần trước. Nguyên nhân theo dự đoán của anh là do sự cố Internet. "Cuối mỗi tuần là thời điểm tôi có nhiều đơn hàng nhất qua các quảng cáo trên Facebook, nhưng hai hôm vừa rồi lượng đơn hàng giảm mạnh so với tuần trước. Chúng tôi nhắn tin cho khách, nhưng một lượng lớn khách không 'seen', điều chưa từng xảy ra trước đây", Tiến Anh cho biết.

Không chỉ Facebook, hầu hết các dịch vụ quốc tế như Google (Drive, Photos), Netflix, YouTube, PlayStation Network... đều chậm, một số nơi thậm chí không thể truy cập được trong những ngày vừa qua.

"Đối tác gửi tài liệu dung lượng mấy trăm MB qua Google Drive. Mọi khi tôi chỉ mất vài phút là tải về máy xong, nhưng hôm nay thì không thể tải nổi", Trần Bình, một người làm trong lĩnh vực truyền thông cho biết. Cũng vì mạng chậm, sinh hoạt gia đình anh Bình bị đảo lộn khi "muốn xem Netflix thì chỉ tải được video độ phân giải thấp, chơi game thì bị lỗi "không thể kết nối đến máy chủ".

Trên một số diễn đàn về game, nhiều thành viên cũng phản ánh việc không thể chơi game nhiều ngày qua do mạng gặp sự cố. "Mạng 'lag' quá các bác ạ, ‘ping’ thế này thì bảo sao không thua", thành viên Nguyễn Duy chia sẻ, kèm theo bức ảnh chụp màn hình với chỉ số ping lên tới gần 1.000 ms.

"Ping" là chỉ số thể hiện thời gian truyền của gói tin đi và về từ thiết bị người dùng tới điểm kiểm tra. Thông thường chỉ số này ở mức dưới 100 ms, nhưng trong những ngày qua, nhiều người đã ghi nhận con số cao gấp hàng chục lần.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc truy cập, nhiều người đã tốn thêm tiền vì sự cố mạng. Anh Tiến Anh cho biết lượng tiền chi cho quảng cáo Facebook tốn hàng triệu đồng mỗi ngày, nhưng lượng khách giảm nên cửa hàng phải bù lỗ trong mấy ngày vừa qua. Trong khi đó, những người như anh Bình, chị Thủy lại tốn thêm cả trăm nghìn đồng để đăng ký gói cước 4G sử dụng để làm việc, dù tiền Internet cáp quang trước đó đã đóng đủ.

Nhiều người dùng cho biết không thể tải những trang nước ngoài như Facebook, trong những ngày vừa qua.

Trong chưa đầy 2 tháng, người dùng Internet tại Việt Nam hai lần gặp sự cố mạng. Hồi đầu tháng 4, phần lớn người dùng phải học tập và làm việc qua Internet khiến lưu lượng Internet tại Việt Nam tăng vọt, gây ra "nghẽn mạng", kết hợp với sự cố đứt cáp quang AAG khiến việc truy cập gặp nhiều khó khăn.

Đến giữa tháng 5, hai sự cố liên tiếp với các tuyến cáp AAG (ngày 14/5) và APG (ngày 23/5) là nguyên nhân khiến việc truy cập vào các dịch vụ nước ngoài bị ảnh hưởng. Trong thông báo gửi đến khách hàng, một nhà cung cấp mạng Internet cho biết sự cố ảnh hưởng đến toàn bộ người dùng tại Việt Nam. Việc truy cập vào các dịch vụ nước ngoài như Facebook, YouTube, Instagram... bị chập chờn.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet cho biết đang áp dụng một số phương pháp như san tải, sử dụng kênh dự phòng để đảm bảo chất lượng đường truyền trong thời gian này. Tuyến cáp AAG dự kiến sẽ được sửa xong vào ngày 1/6 tới, trong khi tuyến APG chưa có lịch sửa chữa.

Theo vnexpress.net

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng dung lượng kết nối hướng cáp đất liền
Tăng dung lượng kết nối hướng cáp đất liền

Để khắc phục tình trạng cả 5/5 tuyến cáp biển gặp sự cố, theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông), các nhà mạng đã áp dụng biện pháp kỹ thuật và mở thêm dung lượng kết nối cáp trên đất liền nên chất lượng Internet vẫn đảm bảo, nhưng có thể bị chậm vào giờ cao điểm.

Đề xuất lộ trình tắt sóng công nghệ 2G vào tháng 9 2024
Đề xuất lộ trình tắt sóng công nghệ 2G vào tháng 9/2024

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) dự kiến sẽ thực hiện theo lộ trình đến tháng 9/2024 sẽ dừng công nghệ 2G. Điều đó đồng nghĩa điện thoại dùng công nghệ cũ (hay còn gọi là điện thoại cục gạch) sẽ không còn tác dụng liên lạc.