Thứ Tư, 31/07/2019 06:37

Kết nối những tấm lòng thiện nguyện

Tuy hoạt động chưa lâu, nhưng Câu lạc bộ Cộng đồng tình nguyện Thừa Thiên Huế đã phát huy tinh thần tuổi trẻ với các hoạt động an sinh xã hội và tham gia công tác phòng, chống dịch.

Không cho phép mình ngơi nghỉGiúp người dân về quê trong mưaNhững chân sút “nhí” lan tỏa tinh thần thiện nguyện

Tình nguyện viên của Dự án “ATM OXY - Thừa Thiên Huế” tiếp tế oxy cho F0 điều trị tại nhà

Từ “ATM OXY”… đến ngân hàng máu

Rạng sáng ngày 13/1, số hotline của dự án  “ATM OXY - Thừa Thiên Huế” nhận được cuộc gọi cầu cứu từ một gia đình F0 sống tại phường Xuân Phú (TP. Huế).

“Alô con ơi, cháu của chú đang tay chân run rẩy, SPO2 dưới 80, con hỗ trợ gấp chú với, nhà chú ở...”, giọng nói hối hả pha lẫn sự lo âu của đầu dây bên kia khiến các tình nguyện viên ứng trực tỉnh cơn buồn ngủ và khẩn trương bắt tay ngay vào việc.

Chưa đầy 10 phút sau, đội hỗ trợ đã có mặt kịp thời tại gia đình để tiếp tế oxy. Anh Nguyễn Ngọc Nhật Hoàng, Phó ban Dự án “ATM OXY - Thừa Thiên Huế” và cũng là người trực tiếp tham gia lúc đó nhớ lại, bé trai chỉ mới 3 tuổi gặp tình trạng suy hô hấp, chỉ số SPO2 của em chỉ ngang mức 84. Vì còn quá nhỏ nên em khá khó chịu và đòi rút ống thở liên tục, các thành viên và người nhà phải dỗ dành mãi em mới chịu nằm yên “hợp tác”. May mắn chỉ một lúc sau, chỉ số SPO2 của em đã trở lại bình thường, đội hỗ trợ để lại bình oxy và giúp người nhà liên hệ bệnh viện để em được chuyển viện sớm nhất có thể.

Đại diện CLB Cộng đồng Tình nguyện Thừa Thiên Huế tặng quà cho các em học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Nam Đông

Theo anh Nguyễn Ngọc Nhật Hoàng, những cuộc gọi cầu cứu lúc nửa đêm hay rạng sáng là chuyện như cơm bữa. Nhiều người khi liên hệ hotline đã lâm vào tình trạng hoảng loạn, căng thẳng nên nhân viên tổng đài phải lập tức trấn an và điều động đội hỗ trợ có mặt nhanh nhất có thể.

“Một ngày của ATM OXY dường như không có thời điểm bắt đầu hay kết thúc, dù bất cứ lúc nào thì những chuyến xe chở oxy vẫn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân trên khắp mọi nẻo đường”, anh Nhật Hoàng khẳng định.

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 1/2022, Dự án “ATM OXY - Thừa Thiên Huế” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và CLB Cộng đồng Tình nguyện Thừa Thiên Huế vận hành.

Hiện, trung tâm điều hành của dự án đã có hơn 200 bình oxy loại 8 lít và các trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình hoạt động. Số lượng các trang thiết bị này sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà trên địa bàn tỉnh.

Song hành cùng dự án “ATM OXY - Thừa Thiên Huế”, CLB Cộng đồng Tình nguyện Thừa Thiên Huế còn thành lập Mô hình “Ngân hàng Máu sống Cố đô” với tôn chỉ: “Khi cộng đồng cần thì chúng ta có và khi ta cần thì cộng đồng đó luôn ở bên ta”.

Một trong những điểm khác biệt của mô hình chính là việc kết nối giữa người cho và người nhận trong những tình huống khẩn cấp, cần gấp máu để cứu chữa và duy trì sự sống. Với việc xây dựng hệ thống tình nguyện gồm 3 cấp độ: Hội viên hiến máu khẩn cấp, hội viên hiến máu nhắc lại và tình nguyện viên hiến máu; dự án luôn chủ động được nguồn máu tùy thuộc vào điều kiện yêu cầu thực tế.

Bên cạnh việc thiết lập ngân hàng máu sống với đội ngũ thành viên thường trực hiến máu, dự án cũng sẽ tổ chức các chương trình hiến máu và các đợt hiến máu phong trào nhằm bổ sung vào nguồn máu dự trữ.

Hướng đến cộng đồng

Hoạt động sôi nổi với nhiều mô hình, dự án mang ý nghĩa thiết thực đến cộng đồng, nhưng ít ai biết rằng CLB Cộng đồng Tình nguyện Thừa Thiên Huế (trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh) chỉ mới có tuổi đời hơn 2 tháng.

Dự án “Nuôi em - Thừa Thiên Huế” nhận nuôi 240 em học sinh tại huyện Nam Đông

Chính thức ra mắt vào cuối tháng 11/2021, CLB hướng tới việc tập hợp các tổ chức liên quan đến hoạt động tình nguyện trong tỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động tình nguyện của từng huyện nói riêng và phát triển hoạt động tình nguyện tại Thừa Thiên Huế nói chung. Xây dựng hệ thống cộng đồng tình nguyện bằng sự kết nối nhằm thúc đẩy và hỗ trợ nâng cao hoạt động tình nguyện tới toàn xã hội.

Vừa qua, CLB tiếp tục triển khai dự án “Nuôi em - Thừa Thiên Huế”. Đây được đánh giá là dự án đầy tính nhân văn khi hỗ trợ bữa ăn cho các em học sinh mầm non và tiểu học có hoàn cảnh khó khăn. Tuy mức hỗ trợ không quá lớn, nhưng là sự sẻ chia gánh nặng kinh tế cùng gia đình, tạo điều kiện để các em có thể tham gia học tập, phát triển và trưởng thành.

Với mức hỗ trợ 150 nghìn đồng/tháng/em, hiện dự án đã nhận nuôi khoảng 1.000 em học sinh là hộ nghèo tại nhiều địa phương. Nguồn hỗ trợ từ việc vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kính phí. Mỗi “em nuôi” sẽ được cấp một mã số riêng để các mạnh thường quân theo sát sự phát triển và có thể liên lạc với thầy, cô giáo phụ trách hay đến thăm định kỳ để đảm bảo tính minh bạch.

Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi đến khắp các huyện, thị, thành phố và bổ sung thêm đối tượng là các hộ cận nghèo đưa vào hỗ trợ để ngày càng có nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được nhận nuôi.

Từng bước chuyên nghiệp hóa

Là một trong những người đặt nền móng cho sự hình thành của CLB Cộng đồng Tình nguyện Thừa Thiên Huế, Phó Chủ nhiệm Thường trực Đỗ Văn Dệ chia sẻ, bản thân anh cũng là Chủ tịch CLB Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam. Nhiều năm qua, anh vẫn nung nấu ý tưởng có thể thành lập một CLB riêng ở mảnh đất quê hương.

Mãi đến năm 2021, dự định đó mới có thể trở thành hiện thực khi anh trở về Huế sinh sống và làm việc. Kết nối cùng với những cá nhân nhiệt huyết khác, CLB dần thành hình với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

“CLB hứa hẹn sẽ thu hút sự tham gia đông đảo và nhiệt tình từ các bạn trẻ sinh viên, học sinh và người lao động trên địa bàn tỉnh và mọi miền Tổ quốc”, anh Dệ khẳng định.

Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực, thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục ra mắt nhiều dự án khác như: “Quỹ đỡ đầu”, “Mảnh ghép nhà nhân ái”… Điều này đòi hỏi bộ máy vận hành phải được chuyên nghiệp hóa và phân cấp rõ ràng mới có thể hoạt động hiệu quả. Hiện CLB đã vận hành theo hình thức các phòng, ban chuyên môn như: nhân sự, truyền thông, đối ngoại… và đào tạo lực lượng tình nguyện viên chuyên nghiệp, đa năng để có thể sẵn sàng tham gia vào mọi dự án được triển khai.

 

Đại diện Tỉnh đoàn đánh giá, việc thành lập CLB Cộng đồng Tình nguyện Thừa Thiên Huế là một dấu mốc quan trọng góp phần phát huy vai trò tiên phong, hỗ trợ giúp đỡ và cống hiến hết mình của người trẻ cho cộng động và xã hội. Thời gian tới, CLB sẽ đồng hành cùng tuổi trẻ tỉnh nhà trong nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Bài: Minh Nguyên

Ảnh: CLB Cộng đồng Tình nguyện Thừa Thiên Huế & Tỉnh đoàn cung cấp

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bất động sản Huế - BDS NET “Một điểm chạm đa kết nối” Bản đồ
Bất động sản Huế - BDS NET “Một điểm chạm đa kết nối” Bản đồ

Thị trường Bất động sản (BĐS) Huế, các loại hình BĐS từ phân khúc đất nền, các sản phẩm nghỉ dưỡng, nhà ở, shophouse đến các khu công nghiệp… đa dạng và có sức hút riêng. Vậy người quan tâm đến thị trường BĐS tại đây sẽ nên chọn loại hình nào? khu vực nào tiềm năng? Câu trả lời cho riêng bạn chỉ với Một điểm chạm - Đa kết nối.

Tăng dung lượng kết nối hướng cáp đất liền
Tăng dung lượng kết nối hướng cáp đất liền

Để khắc phục tình trạng cả 5/5 tuyến cáp biển gặp sự cố, theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông), các nhà mạng đã áp dụng biện pháp kỹ thuật và mở thêm dung lượng kết nối cáp trên đất liền nên chất lượng Internet vẫn đảm bảo, nhưng có thể bị chậm vào giờ cao điểm.

Kết nối và tri ân các chiến binh PUN 75
Kết nối và tri ân các chiến binh PUN 75

Tối 16/2, Hội Phản ứng nhanh tỉnh (PUN 75) tổ chức chương trình “Hành trình phụng sự”, sơ kết chặng đường tình nguyện xông pha tuyến đầu trong bối cảnh dịch COVID-19 và các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khác.

Khảo sát dự án tuyến đường giao thông kết nối liên vùng
Khảo sát dự án tuyến đường giao thông kết nối liên vùng

Ngày 14/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát thực địa Dự án tuyến đường kết nối liên vùng từ Tỉnh lộ 16 (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà) với đường tránh phía Tây TP. Huế (DA).