Thứ Ba, 25/12/2018 15:32

Khát khao của một con đường

Đó là nỗi khát khao của con đường được mang tên của nhà thơ nổi tiếng: Hàn Mặc Tử.

Đường Hàn Mạc Tử bên dòng sông Như Ý. Ảnh: HT

Con đường khởi đầu từ đường Nguyễn Sinh Cung (giáp Đập Đá) uốn mình men theo bên trái con sông Như Ý, qua cầu Vỹ Dạ, kéo xuống xóm An Bình, dài chưa đến 2.000 mét. Nguyên xưa đây là con đường đất rất nhỏ, thuộc vùng đất huyện Phú Vang. Được sáp nhập vào thành phố Huế từ tháng 9/1981và đến tháng 5/1996, con đường này được đặt tên mới là Hàn Mặc Tử.

Không phải ngẫu nhiên mà con đường này được đặt tên theo nhà thơ vốn rất yêu Huế. Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” nổi tiếng của ông được đánh giá là “thuần túy Huế, tinh khiết Huế” đã thể hiện rất rõ vẻ đẹp của cảnh vật, cuộc sống và con người của xứ Huế. Có lẽ vì thế mà con đường thơ mộng nhất của thôn Vỹ được đặt tên theo tên của nhà thơ mang trong mình nỗi niềm sâu lắng và tình yêu da diết dành cho xứ sở này.

Là một người con thôn Vỹ, tôi đã gắn bó non nửa thế kỷ và cũng đã chứng kiến bao đổi thay của con đường này. Còn nhớ, sau trận lũ lịch sử ở Huế năm 1999, cũng như nhiều con đường khác, đường Hàn Mặc Tử bị xuống cấp nghiêm trọng. Phương tiện đi lại của người dân lúc bấy giờ chủ yếu là xe đạp (xe máy, ô tô chưa phổ biến như hiện nay) nhưng thật vất vả khi phải vừa đi vừa đẩy trên con đường đầy “ổ voi”, đất bùn bám nhão nhoẹt. Mỗi lần đi học về, xe lọc cọc lại phải đi trên con đường như thế thật là khổ (nhất là khi trời mưa gió). Buổi tối, thường sau 7-8 giờ, đường vắng ngắt, tối tăm, trẻ con không dám đi một mình.

Theo dòng thời gian và sự phát triển của đô thị Huế, đường Hàn Mặc Tử dần dần được nâng cấp, mở rộng và có điện chiếu sáng. Đối với những đứa trẻ chúng tôi, ánh sáng điện đường lúc bấy giờ là cả một giấc mơ, vỡ òa niềm vui. Giao thông đi lại dễ dàng, sinh hoạt của người dân thuận tiện hơn. Nụ cười, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt của những đứa trẻ đến trường, của bà con cô bác mỗi sớm đi chợ, của du khách khi đặt chân đến thăm thôn Vỹ.

Thời gian “bình yên” của con đường không được kéo dài khi nó phải oằn mình chịu đựng sự “mổ xẻ” của quá nhiều dự án sau những năm 2010. Vẫn biết, được đầu tư các dự án là sự may mắn, hạnh phúc cho người dân. Sự đổi mới và phát triển để thành phố ngày càng văn minh, hiện đại ắt phải có những công trình xây dựng, đầu tư dự án để cải thiện môi trường nước, đắp kè bờ sông bị lũ lụt xói mòn, sạt lở.

Điều đáng nói là nhiều dự án triển khai ở tuyến đường ngắn này lại cứ ì ạch, chậm trễ. mãi đến cuối năm 2019, đoạn đường mới được trải bê tông...

Nhắc lại chuyện đã qua để thấy được niềm vui của người dân khi chứng kiến con đường dần dần được sửa sang, nâng cấp. Điều đáng mừng là đến nay đường khá thông thoáng, sạch sẽ. Nhất là từ khi thực hiện Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, con đường đã được các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn quan tâm, chăm chút, tổ chức vệ sinh thường xuyên.

Điều mà tôi cũng như nhiều người dân Huế mong mỏi là làm sao để con đường đẹp hơn, sáng hơn, khang trang hơn, xứng tầm với vị trí và cái tên mà nó vinh dự được mang. Nằm sát trung tâm thành phố Huế, gắn với địa danh thôn Vỹ Dạ vốn đã đi vào thi ca, gắn với cảnh đẹp sông nước hiền hòa mang đậm sắc Huế, là nơi viếng thăm của nhiều du khách khi đến Huế…, con đường Hàn Mặc Tử mang một sứ mệnh riêng, tôn tạo thêm cho vẻ đẹp của thôn Vỹ, cho xứ Huế thơ mộng.

Nên chăng con đường này cần được xây dựng thành đường du lịch sinh thái đặc trưng của Huế. Tôi tin rằng, trong xu thế phát triển của đô thị Huế văn minh, hiện đại, con đường Hàn Mặc Tử sẽ sớm tiếp tục được đầu tư, nâng cấp xứng tầm...

Nguyễn Thị Hoa Phượng

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những giấc mộng vàng
Những giấc mộng vàng

Bất kể đội bóng nào góp mặt ở vòng bán kết nâng cao cúp vàng cuối giải đấu cũng mang nhiều ý nghĩa. Đó là lần đầu tiên cho một đội bóng như, Morocco, Croatia hay cũng là lần đầu tiên cho một ngôi sao, đặc biệt là Messi.

Để con đường đến trường bớt chông chênh
Để con đường đến trường bớt chông chênh

Những học sinh nghèo hiếu học được tiếp sức để con đường đến trường bớt chông chênh. Đó là những tình cảm, sự sẻ chia của những cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Phú Lộc dành các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Một lòng theo con đường đã chọn
Một lòng theo con đường đã chọn

Tôi có trên tay tập ký sự “Theo đường xuất bản, theo đường văn” của Nguyễn Duy Tờ, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành nhân dịp Kỷ niệm 70 năm...

“Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”
“Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”

Nhà thơ - nhà báo Vĩnh Nguyên (tên thật là Nguyễn Quang Vinh) ra mắt tự truyện khi vừa lên tuổi bát tuần. Hơn chục năm trước, tôi từng viết bài “tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”. Cuộc đời nhà thơ Vĩnh Nguyên là một trường hợp như thế.