Thứ Tư, 20/06/2018 17:20

Khi bão lũ đi qua

Bão lũ “rủ” nhau cùng tới, rồi cũng lũ lượt kéo nhau đi, vậy mà mạ cứ thở vắn than dài hoài. Tôi ngần ngại hỏi, thiên tai đã qua đi, nhà cửa giờ khô ráo sạch sẽ, đường sá cũng trở lại như xưa, không còn cảnh chèo ghe đi chợ hay chèo ghe vớt củi trôi, đáng ra mạ phải vui mừng mới đúng chứ. Mạ thở dài thườn thượt, ánh mắt nhìn trân trân cái mảnh vườn đã từng xanh um nhưng giờ trở nên tan hoang, trống vắng.

Hoa xuyến chiPhía yêu thương

 

Mạ chỉ, cái vạt gần hàng rào đó ngày xưa lá đon (lá dong) tươi xanh biết mấy, cứ có kỵ giỗ hay người bên phố đặt mua là mạ lui cui làm bánh, giờ cái hương vị bánh ra sao lâu rồi mạ cũng chưa được nếm. Năm mươi chậu xi măng bỏ không, hồi trước chúng xanh mướt những nhánh long tu (nha đam) căng mọng, mỗi ngày mạ cắt bán được vài cân đó. Phía gần nương trống trải kia, trước đây là chỗ trú ngụ của những cây chuối “bà”, nải chuối to trĩu nặng, chuối nhà sạch, ngon, bán được lắm. Rồi mạ chỉ ngón tay về phía sau vườn, vài chục trụ chè xanh giờ chỉ còn trơ trọi hai, ba cây. Thuở trước, ngày nào mạ cũng hãm một nồi nước chè thật đậm, thật to để uống, rồi bà con chòm xóm người qua mua năm, mười nghìn đồng về nấu nước uống, nước tắm. Giờ thì hiếm hoi lắm khi nào nhà có khách mạ mới ra “mót” ít lá vào pha chè mời khách. Xa hơn một chút là dấu vết của những cây bưởi đã gãy đổ, không còn đủ sức chống chọi qua mùa bão giông. Mạ nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nói, tết năm nay không có bưởi đơm bàn thờ tổ tiên rồi. Cả những luống xà lách xanh rì, những luống rau khoai nấu canh ngọt nước đều đã biến mất.

Và còn nhiều nữa những mất mát của mạ trong khu vườn nhỏ này. Từng tấc đất ở đây là công sức của ông nội, của mạ chăm bẵm. Những giọt mồ hôi của sức lao động, những nụ cười tươi vui đã rớt xuống nơi đây, thấm đất thấm cát, đem lại thành quả là vườn sai trái ngọt. Mỗi một thứ cây trái là thức quà mạ để dành cho cha mẹ, chồng con, bà con chòm xóm; đặt tâm tư trong từng bữa cơm ly nước cho gia đình hằng ngày, cũng là nguồn thu nhập nhỏ nhặt nhưng “tích tiểu thành đại” của mạ. Vậy mà chỉ vài cơn bão lũ đi qua cũng đủ xoá tan đi tất cả.

Vậy nhưng, vẫn còn sót lại một vài niềm vui nhỏ an ủi mạ. Là bồ lúa vàng óng, thơm ngào ngạt ba vừa gặt mùa trước đã kịp gác lên cao; là hàng cau vẫn đứng thẳng tắp, hiên ngang, trổ nhiều buồng sai quả, đợt vừa rồi mạ bán cau được kha khá; là bầy gà mái không bị dạt trôi con nào vì kịp nằm lên chuồng trước khi nước lũ dâng lên.

Nỗi buồn cũng dần tan như bầu trời trong xanh trở lại sau cơn bão giông. Mỗi ngày mạ lại bón phân cho từng đám cây còn sót lại. Ông nội hì hà hì hục cuốc đất, gieo trồng những mầm cây mới. Những ngày gần đây, trong bữa ăn thường có thêm dĩa rau cải con hay rau diếp cá hái trong vườn. Cả nhà cùng đưa mắt nhìn ra vườn đã có những chồi non mọc le te, hào hứng nói tết này có lẽ lá đon đã mọc đủ xanh để làm bánh gói. Ông nội thì hứa hẹn đến tầm tháng sáu năm sau, những bụi chuối lúc lỉu quả sẽ xuất hiện trở lại. Tôi gật gù, cười híp mí. Chẳng mấy chốc mà vườn nhà mình lại xanh um như trước thôi!

PHƯỚC LY

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.