Thứ Hai, 13/05/2019 11:39

Khi những món quà là... tiền

“Hôm nay là sinh nhật thứ 50 của mẹ. Chúng con dành những lời yêu thương nhất gửi đến mẹ. Mẹ đã vì tụi con mà bao năm vất vả, nhọc nhằn...”.

Đọc những chia sẻ ấy trên trang facebook cá nhân, tôi không ngần ngại thả ngay một quả tim cho bạn. Là một phụ nữ đơn thân nhiều năm nay, bạn một mình nuôi hai con khôn lớn. Những chia sẻ, lời chúc của hai cô con gái dành cho mẹ trong ngày sinh nhật, có lẽ đã được viết từ tận đáy lòng.

Nhưng rồi, tôi bỗng chững mắt lại khi lướt qua tấm hình kèm theo. Đó là chiếc bánh kem xinh xắn kèm một bó hoa. Điều đặc biệt, bó hoa ấy được gắn khá nhiều tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng. Nhìn bạn với với chiếc áo dài nền nã của một cô giáo, tươi cười ôm bó hoa được gắn nhiều tiền, bỗng thấy, những lời chúc của cô con gái như đã mất đi một chút sự chân thành. Số tiền con đi làm rồi dành dụm tặng để đỡ đần nỗi vất vả của mẹ thật đáng quý. Nhưng có cần thiết trưng chúng vào bó hoa kèm những lời yêu thương từ tận đáy lòng?

Nhưng rồi, tôi chợt nhận ra, việc gắn tiền vào quà tặng và khoe trên  facebook đang thành “mốt”. Là lẵng hoa được xếp bằng tiền của một người chồng tặng người vợ yêu thương của mình nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Là những bông hoa tiền của các em học sinh tặng cô giáo nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/11. Là những xấp tiền xôm tụ mừng thọ bố của những đứa con thành đạt...

Cha ông ta có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Chính vì vậy, một lẵng hoa được kết bằng nhiều tiền không hẳn là món quà quý. Đôi khi, một món quà quý chỉ đơn giản là một cuốn sách hay mà người tặng đã cất công lựa chọn, đặt mua, gói ghém bằng tấm giấy thật đẹp. Là một bữa ăn gia đình tự đi chợ lấy, tự vào bếp để nấu bằng cả yêu thương...

Đến đây, tôi chợt nhớ đến một truyện ngắn cảm động về đôi vợ chồng nghèo. Trong một dịp Giáng sinh, người chồng đã bán đi chiếc đồng hồ cũ để mua tặng vợ một chiếc kẹp thật đẹp. Nhưng khi về nhà, ông thấy tóc vợ đã cắt ngắn. Người vợ đã bán đi mái tóc của mình để mua tặng chồng chiếc đồng hồ mới. Trong ngôi nhà của đôi vợ chồng nghèo ấy, họ đã đón Giáng sinh trong niềm hạnh phúc được yêu thương với những món quà dành tặng cho nhau bằng sự quan tâm, tình yêu thương từ tận đáy lòng.

Sẽ có người cho rằng, cuộc sống hiện đại ngày nay, không còn chỗ cho những tình yêu lãng mạn. Nhưng khi sự thực dụng chiếm lĩnh, đến mức biến tiền thành những món quà trực giác thì sự trao nhận ấy, phải chăng đã thành một sự phô trương?

NHẬT NGUYÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.