Chủ Nhật, 22/12/2013 14:15

Khó xóa mù cho người khiếm thị

Với người mù, Braille là chữ viết giúp họ tiếp cận thông tin, học nghề và nhiều sinh hoạt khác. Những năm qua, vấn đề xóa mù và tái mù vẫn là một nỗi lo lớn.

Các em ở HNM tỉnh học nghề thông qua chữ Braille

Không có tiền chi trả

Hơn 5 năm qua, Hội Người mù (HNM) TP. Huế mong ước mở một lớp xóa mù chữ Braille cho các hội viên nhưng chưa thực hiện được. Khó khăn về kinh phí khiến kế hoạch giúp người mù tiếp cận việc đọc, viết chữ Braille liên tục “lỗi hẹn”.

Ông Hoàng Trọng Sơn, Chủ tịch HNM TP. Huế kể, lần gần nhất mở được lớp xóa mù chữ Braille là năm 2010. Do hạn chế về kinh phí nên mỗi lần đề ra kế hoạch mở lớp, cán bộ hội phải gửi thư ngỏ và đi vận động các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ. Sau 2010, các thư ngỏ cho những lớp học tiếp theo không nhận được phản hồi, lãnh đạo hội đến gõ cửa một số nơi chỉ nhận được cái lắc đầu. Do vậy, các hội viên đành chấp nhận chờ khi có tiền mới có thể học được.

Thực tế, kinh phí, trang thiết bị cho một lớp xóa mù chữ Braille không quá nhiều. Khoản chi lớn nhất là tạo điều kiện ăn ở cho hội viên. Ông Sơn cho biết, vì khuyết tật đôi mắt nên người mù khó khăn trong chuyện đi lại, nhiều trường hợp nhà xa nhưng gia đình không thể đưa đón mỗi ngày nên nếu mở lớp phải tạo nơi ăn chốn ở cho hội viên để họ yên tâm hoàn thành khóa học.

Theo Chủ tịch HNM tỉnh Lê Văn Lộc, sau khi học được chữ Braille, hội viên cần tiếp tục luyện chữ để không bị tái mù. Vì điều kiện làm ăn kinh tế không có thời gian, đặc biệt là thiếu thốn về phương tiện nên nguy cơ tái mù lên đến hơn 50%.  “Các cấp huyện, xã chưa có hệ thống sách vở chữ Braille. Mặc dù Tỉnh hội cố gắng chuyển báo bằng chữ Braille nhưng mỗi tháng một huyên thị, thành phố chỉ có một số báo truyền tay cho các hội viên đọc nên rất khó. Mặt khác, vấn đề in ấn, bảo quản tốn kém nhiều kinh phí. Đơn cử như một bộ sách giáo khoa lớp 9 in chữ Braille phải mất 16 triệu đồng. Do vậy, nguy cơ tái mù cao”, ông Lộc nói.

Trông chờ nguồn tài trợ

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch HNM huyện A Lưới, được biết, trong 332 hội viên, chỉ có 31 người được học chữ Braille trong 3 khóa học (năm 2006, 2014, 2015). Do hậu quả của chiến tranh, nhiều hội viên người mù ở A Lưới gặp phải đa khuyết tật, đồng thời hạn chế về trình độ học vấn khiến họ rất cần chữ Braille để học nghề.

“Bây giờ, massage là một nghề cho người mù thu nhập ổn định. Để học nghề này, người học phải nắm các huyệt. Cơ thể con người có quá nhiều huyệt, nếu không ghi chép làm sao nhớ hết được. Đó là một ví dụ cho thấy sự cần thiết của chữ Braille”, ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Chủ tịch HNM TP. Huế cho hay.

Mù chữ tạo ra muôn vàn khó khăn cho người khiếm thị. Theo ông Lộc, nếu không biết chữ Braille, việc tiếp cận thông tin liên quan đến quyền lợi của bản thân người mù sẽ bị hạn chế, người mù sẽ phụ thuộc nhiều vào gia đình, trong khi lãnh đạo HNM ở các huyện thị và thành phố cho rằng, rất khó đề ra một giải pháp hiệu quả. Lâu nay, công tác xóa mù chủ yếu dựa vào kinh phí tài trợ hoặc dự án của các tổ chức phi chính phủ. Đa số giải pháp được làm hiện tại là ứng dụng sách nói bằng băng đĩa và các tài liệu nghe trên mạng nhưng giải pháp này chỉ phù hợp với những người đã học qua chữ Braille và có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin đồng thời không bị khuyết tật về tai. Do vậy, trong bối cảnh khó khăn chung trong công tác xóa mù chữ Braille của toàn quốc, người khiếm thị rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị hảo tâm để có cơ hội tiếp cận con chữ.

Lê Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Kiếm chữ” tuổi xế chiều
“Kiếm chữ” tuổi xế chiều

“Tuổi xế chiều, nhưng chúng tôi vẫn đi kiếm chữ. Bởi vì có chữ, đời sáng hơn”- đó là bộc bạch của học viên lớp xóa mù tại thôn 3, xã Vinh Thanh...

Tạo động lực cho người khiếm thị
Tạo động lực cho người khiếm thị

Với hiệu quả từ công tác kết nối với các cá nhân, tổ chức tài trợ trong và ngoài nước, Hội Người mù (HNM) tỉnh có thêm động lực để thúc đẩy các hoạt động, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Học chữ, kể chi tuổi tác
Học chữ, kể chi tuổi tác

Khi phiên chợ chiều tan, cũng là lúc nhiều phụ nữ ở xã Phú Diên (Phú Vang) lại rủ nhau đi học. Họ quyết tâm đi tìm con chữ, viết và ký được tên mình để không còn phải lăn tay, điểm chỉ…

Học không bao giờ muộn
Học không bao giờ muộn

Nơi vùng cao Nam Đông hôm nay vẫn còn đó ở các thôn, bản những lớp học xóa mù. Với nhiều người dân Cơ Tu, ngay cả những người đã lên tới chức bà, chuyện học không bao giờ muộn.

Chăm lo cho người khiếm thị
Chăm lo cho người khiếm thị

Hơn 25 năm qua, Hội người mù (HNM) huyện Phú Vang đã trở thành cầu nối, tích cực chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần, giúp các hội viên khiếm thị tự tin phát triển sinh kế, vươn lên hòa nhập cộng đồng.