Thứ Sáu, 12/08/2016 06:45

Không chỉ là thước đo năng lực cạnh tranh

Kết quả DDCI về đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, địa phương năm 2018 được công bố trong những ngày đầu năm mới 2019 cho thấy, có một bước tiến mới trong hiện thực hóa mục tiêu chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp (DN).

Sở Y tế và huyện Quảng Điền dẫn đầu bảng xếp hạng DDCI năm 2018Công bố kết quả khảo sát chỉ số DDCI tỉnh

Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công TX. Hương Thủy

Việc áp dụng DDCI không chỉ là trao quyền cho DN trong đánh giá, nhận xét mà còn là công cụ để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại các ngành, địa phương.

Tiền đề thúc đẩy cải cách 

Với mục tiêu cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như hướng đến chính quyền phục vụ người dân và DN, UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong cải cách TTHC trên địa bàn. Một trong những hoạt động được cộng đồng DN ghi nhận là lần đầu tiên tỉnh đã đưa vào bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban ngành, địa phương.

Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh, năm 2018, tỉnh quyết liệt đưa vào thực hiện bộ chỉ số đánh giá đến 22 sở, ban, ngành và 9 địa phương cấp huyện. Bộ chỉ số đánh giá gồm 8 chỉ số thành phần là: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của sở, ban, ngành và địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý và vai trò người đứng đầu. Đối tượng đánh giá DDCI là các nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang nghiên cứu, đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những bước đột phá trong việc quyết tâm đổi mới, tạo ra những thay đổi trong tư duy quản lý và phát triển, tạo điều kiện thông thoáng, minh bạch, hỗ trợ tối đa các TTHC để nhà đầu tư và cộng đồng DN khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vào mục đích tạo ra lợi nhuận cho DN, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đánh giá về kết quả DDCI năm 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI (chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cho biết: Kết quả nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Bởi thực tế giống như PCI, quy cách, hệ thống tính điểm DDCI theo chuẩn quốc tế và lập trình độc lập, không can thiệp được. Bên cạnh đó, đây là đánh giá trong điều kiện giữ bí mật danh tính cho DN, khuyến khích DN nói thẳng, nói thật và là đánh giá của số nhiều DN nên càng khó dự đoán… Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh thông tin: Bộ chỉ số năm nay ghi nhận nhiều lĩnh vực thế mạnh của tỉnh có tính minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu, cạnh tranh bình đẳng... Trong đó, thang điểm về quy trình và thủ tục thực hiện TTHC đơn giản, dễ thực hiện được DN đánh giá cao; riêng thang điểm đánh giá trách nhiệm người đứng đầu được DN đánh giá thận trọng, sát với thực tiễn và cảm nhận của DN, với số điểm đồng tình và chia sẻ với những khó khăn của ngành khá cao. Đáng chú ý là có sự chênh lệch khá lớn về điểm số giữa các đơn vị nằm ở top trên và top dưới.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Bảng xếp hạng điểm số DDCI năm 2018 của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có sự phân hóa rõ rệt. UBND huyện Quảng Điền xếp đầu bảng với điểm số 69,28. Tiếp theo là huyện Nam Đông với 68,81 điểm và huyện Phú Lộc 67,91 điểm. Đứng cuối bảng là UBND TP. Huế với 57,77 điểm.

Ở khối các sở, ban, ngành, đứng đầu là Sở Y tế với 70,49 điểm. Tiếp theo là Sở Du lịch với 69,2 điểm, Sở Ngoại vụ xếp thứ 3 với 68,41 điểm. Xếp cuối bảng là Sở Công thương với 57,86 điểm.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, mục tiêu của DDCI chính là tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế, khả năng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN của cấp sở, ngành, huyện, thị. Việc xây dựng và áp dụng được DDCI sẽ đưa các cơ quan, đơn vị của tỉnh vào phong trào chung trong cải cách, rút ngắn TTHC, giảm thiểu phiền hà; đồng thời, tạo điều kiện cho DN, nhà đầu tư thông qua ý kiến khảo sát của mình đóng góp tiếng nói vào các hoạt động điều hành kinh tế của địa phương. Kết quả công bố vừa qua cho thấy, bộ chỉ số DDCI đánh giá cảm nhận của DN đối với các huyện, thành phố, sở, ngành nhằm tạo sự chuyển biến tích cực của các sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, các địa phương, đơn vị và các ngành chức năng cần sớm xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2019, trên cơ sở đó, siết chặt kỷ luật công vụ, kỷ luật hành chính để phục vụ doanh nghiệp, người dân được tốt hơn.

Trao đổi về giải pháp cải thiện chỉ số PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, có thể khẳng định, môi trường kinh doanh ở Thừa Thiên Huế đang thay đổi hằng ngày thông qua những nỗ lực và sáng kiến thiết thực của chính quyền tỉnh. Một trong những giải pháp cải thiện chỉ số PCI là làm cho DN đang hoạt động cảm thấy hài lòng, phải xây dựng một nền hành chính phục vụ. Giải quyết khó khăn cho DN, giúp DN hài lòng với môi trường kinh doanh là cách xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất. "Một số chỉ số của Thừa Thiên Huế đã có bước tiến nhưng so với các tỉnh khác vẫn còn thua, nếu không có nỗ lực mạnh mẽ sẽ có nguy cơ tụt hậu. Để cải thiện chỉ số PCI, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, cần sự chuyển biến mạnh mẽ của cấp sở ngành, huyện, thị"- ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Kết quả khảo sát đánh giá và công bố chỉ số DDCI được nhiều DN, nhà đầu tư đánh giá cao. Đây là động lực để mỗi cơ quan quản lý nhà nước khẳng định năng lực điều hành của mình và nỗ lực hơn nữa trong đổi mới, bắt kịp với xu thế phát triển, tạo sức mạnh tổng hợp huy động nguồn lực trong đầu tư.

Bài, ảnh: Thái Bình

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn trọng khi luyện thi đánh giá năng lực trên mạng
Cẩn trọng khi luyện thi đánh giá năng lực trên mạng

Để vào đại học, thí sinh có khá nhiều phương thức để dự tuyển. Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), xét tuyển bằng học bạ, thí sinh còn có cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do một số đại học lớn tổ chức.

Du lịch lễ hội cạnh tranh ngày càng lớn
Du lịch lễ hội cạnh tranh ngày càng lớn

Khi vai trò của du lịch lễ hội ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, thì địa phương nào cũng ưu tiên và tập trung tổ chức lễ hội (festival).