Thứ Tư, 04/02/2015 05:41

Không chỉ là trách nhiệm

Đền ơn đáp nghĩa vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những hy sinh, mất mát của ông, cha trong các cuộc kháng chiến. Thị xã Hương Thủy đã và đang nỗ lực làm tốt công việc ý nghĩa đó để cuộc sống tinh thần và vật chất của người có công đầy đủ hơn, ấm áp hơn.

Thị xã Hương Thủy tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, thị xã Hương Thủy có 2.541 người con hy sinh được Tổ quốc ghi công; 690 thương bệnh binh; có 131 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 15 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; hơn 42.200 huân chương, huy chương các loại được Nhà nước tặng thưởng, 285 người đang được hưởng chế tù đày...

Những năm qua, thị xã đã thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công cách mạng. Bên cạnh những chính sách ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động tình nghĩa, như: Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương binh nặng, xây dựng và sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm đã tạo điều kiện thuận lợi để gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, tự bảo đảm cuộc sống của mình. Từ năm 2012 đến nay, thị xã đã hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa 218 nhà ở cho các gia đình chính sách với tổng kinh phí gần 4,4 tỷ đồng; tiếp nhận và giải quyết kịp thời gần 2,5 ngàn hồ sơ các loại; phát hiện và cất bốc 23 hài cốt liệt sĩ về cải táng tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã; nâng cấp 4 nghĩa trang liệt sĩ, 3 đài tưởng niệm, 12 nhà bia ghi danh với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; lấy 474 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ chuyển Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) giám định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cùng với nhiều phần quà của các đoàn thể, tổ chức xã hội đến tận nhà các đối tượng là người có công để trao tặng, thăm hỏi, thị xã Hương Thủy còn tổ chức một lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công bằng một chương trình nghệ thuật sân khấu hóa sinh động. Ôn lại truyền thống kháng chiến giữ nước tự hào của quê hương Hương Thủy qua các tiết mục ca múa nhạc, chương trình thực sự là món quà tinh thần rất ý nghĩa với 14 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 300 đại biểu người có công.

Bà Nguyễn Thị Bòng, đại biểu người có công của phường Thủy Phương, xúc động: "Sinh và lớn lên trong thời buổi chiến tranh loạn lạc nên cứ hoạt động cách mạng không hề đắn đo sống chết, lại càng không nghĩ đến ngày được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho hưởng nhiều chế độ chính sách như hôm nay. Nghĩ đến nhiều đồng đội, đồng chí không được may mắn còn sống, tôi càng xúc động hơn. Tôi không có điều chi phiền lòng cả, chỉ mong đất nước yên bình để các thế hệ con cháu có cuộc sống no ấm, hạnh phúc mà thôi".

Trong số cán bộ chính sách cơ sở của thị xã Hương Thủy, chị Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ chính sách của phường Thủy Phương, là người lớn tuổi nhất, chuẩn bị về hưu nhưng “độ” nhiệt tình trong công việc thì không thua kém bất cứ bạn trẻ nào. Chị bảo, làm công tác chính sách 10 năm nay, chuyển tiếp công việc từ cán bộ văn hóa. Làm công tác văn hóa cơ sở, vui thì vui nhiều nhưng chị lại có cảm giác, chính công việc thực hiện các chế độ chính sách cho người có công mới là sở thích của chị. Chị tỉ mỉ đến mức, nếu có giấy mời từ các cấp trên mời người có công tại địa phương tham dự hội nghị nào đó (như lễ tri ân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống chẳng hạn), chị sẽ nhờ người nhà có nét chữ đẹp ghi để thể hiện đúng sự trang trọng.

“Làm công việc chính sách ở cơ sở như người có con mọn, vì phải tham gia nhiều đầu việc. Việc khác thì không nói, nhưng đối với các việc có liên quan đến người có công, tôi luôn đảm bảo làm đúng và làm đủ theo yêu cầu. Tôi cảm thấy mình được hướng thiện khi làm công tác này nên không nề hà, kể cả phải đem việc về nhà”, chị Hạnh chia sẻ. 

Các chế độ, chính sách đối với người có công luôn được thị xã Hương Thủy thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đây cũng là phần việc mà đội ngũ cán bộ chính sách của thị xã làm tốt nhất, chính xác, không để xảy ra tình trạng chi nhầm hoặc chi sai – bà Võ Thị Minh Thảo, Trưởng phòng LĐ, TB & XH cho biết. Công việc này được làm tốt vì các thủ tục hành chính được quan tâm cải cách ở nhiều thủ tục, nhiều cấp nên việc nhận và trả hồ sơ liên quan đến chính sách với người có công được thực hiện đúng hạn, đúng quy trình. Hồ sơ của người có công vướng mắc điểm nào được kết nối để gỡ điểm đó nên hạn chế tối thiểu hồ sơ bị tồn đọng.

Hiện nay, phần việc liên quan đến người có công nhưng thực hiện còn hạn chế ở thị xã Hương Thủy là hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. “Nhu cầu của người dân thì nhiều nhưng kinh phí thì vẫn chưa có. Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, chúng tôi phối hợp với các địa phương ưu tiên giải quyết cho các trường hợp đủ điều kiện xây dựng nhà, sửa chữa nhà từ các nguồn kinh phí xã hội hóa và quỹ đền ơn đáp nghĩa, sau này có kinh phí phân bổ theo Quyết định 22 rồi xử lý sau”, bà Minh Thảo nói  thêm.

ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người chỉ huy trưởng mẫu mực, trách nhiệm
Người chỉ huy trưởng mẫu mực, trách nhiệm

“Là một cán bộ luôn gương mẫu, trách nhiệm và luôn hết lòng vì công việc”. Đó là những đánh giá của anh em, bạn bè và đồng đội khi nói về Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) phường Thuận An, TP. Huế - Lê Nông.

Trách nhiệm và gần gũi
Trách nhiệm và gần gũi

Gương mẫu, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc nhưng cũng rất gần gũi và hòa đồng với cấp dưới, tận tình chăm lo chu đáo cho chiến sĩ. Đó là những nhận xét của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đối với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lợi, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.

Xả thải vô trách nhiệm, dân khổ
Xả thải vô trách nhiệm, dân khổ

Những ngày giáp Tết Quý Mão, hàng trăm bao tải rác thải độc hại, như bao túi ni lông, xăm cao su... không biết từ đâu bỗng dưng xuất hiện tại khu vực trên một cách ngổn ngang và từng đống lớn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, làm nhiều người dân địa phương bức xúc.