Thứ Tư, 05/09/2018 06:17

Không có rào cản trong thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn

Cần sớm xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải quy mô, hiện đại để vừa giải quyết thực trạng ô nhiễm tại các BCL không hợp vệ sinh và nhu cầu lượng rác gia tăng.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Hướng đến quy mô chuyên nghiệpGần 10 tỷ đồng xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt

Nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt đang có nguy cơ quá tải, cần sớm có nhà máy xử lý quy mô, đạt chuẩn

Những năm qua, tỉnh tập trung mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ các hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý CTR trên địa bàn tỉnh; trong đó chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Điều này tác động tích cực đến công tác quản lý môi trường nhất là công tác quản lý về CTRSH. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và còn tồn tại một số bất cập, tác động xấu đến môi trường do CTR như nước rỉ rác, mùi hôi, cảnh quan, bãi chôn lấp ô nhiễm môi trường...

Trọng tâm nhất và bức bách nhất hiện nay và sắp tới tập trung ở công đoạn xử lý, tức là tại các bãi chôn lấp (BCL) rác. Toàn tỉnh có 8 BCL CTR hợp vệ sinh. Song, công tác quản lý và vận hành một số BCL cấp huyện chưa đảm bảo theo quy định, cũng như không đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật do các địa phương được bàn giao quản lý không có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình vận hành, dẫn đến phát sinh một số tác động xấu đến môi trường. Một số BCL hợp vệ sinh trở thành BCL ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc trở thành điểm ô nhiễm.

Vấn đề cấp bách hiện nay là cần sớm xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải quy mô, hiện đại để vừa giải quyết thực trạng ô nhiễm tại các BCL không hợp vệ sinh và nhu cầu lượng rác gia tăng.

Thực tế, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải trên địa bàn vẫn hấp dẫn và thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, kể cả những DN đã đầu tư hoạt động ở nhiều quốc gia khác đăng ký. Đơn cử khi tỉnh kêu gọi đầu tư dự án nhà máy xử lý rác khu vực phía Nam tỉnh ở Phú Sơn (TX. Hương Thủy) đã có 11 DN nộp hồ sơ dự thầu.

Tỉnh cũng rất thiện chí khi ban hành các chủ trương, chính sách liên quan. Chẳng hạn để kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến rác thải sinh hoạt, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí Kinh tế-Kỹ thuật-Công nghệ và cơ chế chính sách để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Nhằm tạo điều kiện tối đa trong việc giúp các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác bao gồm các thành viên có năng lực, trách nhiệm và nhiệt tình ở các sở ban ngành cấp tỉnh, như: xây dựng, tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư, tài chính, Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh và Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế để xây dựng tiêu chí về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, làm cơ sở mời thầu và hỗ trợ nhà đầu tư vào xử lý rác thải.

Ngoài ra, đây là lĩnh vực được nhà nước khuyến khích xã hội hoá, nên được ưu đãi về thuế đất, thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, ưu đãi vốn vay và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được hỗ trợ các công trình giao thông, điện, nước ngoài hàng rào; hỗ trợ kinh phí bồi thường tái định cư, rà phá bom mìn...

Được tạo điều kiện về cơ chế chính sách, có bộ tiêu chí kinh tế- kỹ thuật-công nghệ để áp dụng, song đến nay, dự án xây dựng nhà máy xử lý CTR Phú Sơn và khu xử lý CTR ở Hương Bình (TX. Hương Trà) vẫn chưa động tĩnh. Trong khi đây là dự án rất được kỳ vọng và giải quyết bài toán bức bách về lượng CTR gia tăng cũng như khi nhiều BCL rác đã quá tải và ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Xúc tiến mở các đường bay nội địa và quốc tế thu hút du khách đến Huế
Xúc tiến mở các đường bay nội địa và quốc tế thu hút du khách đến Huế

Năm 2023, du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 70 - 80%; tổng doanh thu khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng. Với những tiềm năng về du lịch thì việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ là điều quan trọng nhất. Trong đó đáng chú ý là việc xúc tiến mở đường bay nội địa, quốc tế sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho ngành du lịch phát triển.