Thứ Tư, 28/10/2015 14:16

Không ngừng sáng tạo

Nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp bộ, ba năm liền được nhận Bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, TS. Lê Đại Vương (sinh năm 1983), Phó Trưởng khoa Công nghệ Hóa – Môi trường, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế vinh dự là một trong hai lao động tiêu biểu của tỉnh tham gia xét tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” lần thứ 3 năm 2018 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

“Thầy là giảng viên luôn tâm huyết với công việc nghiên cứu và giảng dạy, sinh viên chúng em được thầy dìu dắt và chỉ dạy rất tận tâm”, đó là nhận xét của Đặng Thị Phương Thảo, sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Công nghiệp Huế về TS. Lê Đại Vương.

TS. Lê Đại Vương (thứ 2 bên phải) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

Ý chí và nghị lực

Xuất thân từ gia đình nông dân tại vùng quê nghèo Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cậu bé Vương luôn khát khao học tập, nhưng do điều kiện gia đình không mấy khá giả buộc phải dừng việc học ngay từ lớp 5. Sau 4 năm xa trường lớp, bạn bè, cậu học trò nghèo đã quyết tâm trở lại trường. Đó là một quyết định khá khó khăn trong thời điểm mà phần lớn các cậu bé ở làng quê nghèo đều chọn bỏ học theo bố mẹ phụ công việc đồng áng.

Với ý chí và nghị lực, cậu học trò nghèo năm nào đã trở thành sinh viên Khoa Vật lý Trường đại học Khoa học Huế. Với kết quả tốt nghiệp khá cao, thầy Vương quyết định tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành Vật lý chất rắn. Thời điểm thầy Vương chuẩn bị bảo vệ luận án Thạc sĩ cũng là lúc bố phát hiện mắc bệnh ung thư. Thầy Vương nhớ lại: “Lúc nghe tin tôi thật sự như người mất hồn, tâm trạng rối bời nhưng bố vẫn động viên tôi cố gắng hoàn thành nốt chương trình học không chỉ vì hoàn thành ước mơ của bản thân mà còn đáp lại sự kỳ vọng của cả gia đình”.

Sau một năm tạm gác lại mọi chuyện để chăm sóc bố tại bệnh viện, năm 2011, thầy Vương tiếp tục theo đuổi luận án Tiến sĩ và chính thức trở thành giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế vào năm 2014. “Những năm tháng còn là nghiên cứu sinh thật sự rất khó khăn, tôi phải làm thêm rất nhiều việc để đảm bảo kinh tế cho gia đình khi hai vợ chồng mới cưới nhau không mấy khá giả. Khi chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ thì bố qua đời, nhưng tôi vẫn luôn hy vọng bố có thể chứng kiến đứa con thân yêu thành công trên con đường mà mình đã lựa chọn và nỗ lực”- thầy Vương tâm sự.

Đưa sáng tạo vào ứng dụng

Bắt đầu với công trình nghiên cứu vật liệu gốm điện tử và đạt được một số thành quả nhất định, nhưng do đây là vấn đề còn khá mới mẻ với Việt Nam nên TS. Vương quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu công nghệ Nano bạc, đề tài có tính ứng dụng cao trong nông nghiệp.

Sau hơn 4 năm nghiên cứu về lĩnh vực này, TS. Vương đã có nhiều công trình, sáng kiến mang tính ứng dụng cao như: ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi, nghiên cứu ứng dụng chế phẩm nano trên cây lạc, xây dựng quy trình trồng rau má sạch sử dụng vật liệu nano…

Bắt đầu từ trăn trở của người nông dân khi diện tích trồng lạc khá lớn nhưng chưa mang lại năng suất cao do trở ngại về giống và sâu bệnh, TS. Vương đã cùng cộng sự bắt tay vào nghiên cứu chế phẩm nano từ phương pháp kết hợp hạt nano bạc và các thành phần khác giúp cây lạc kháng bệnh, tăng năng suất và chất lượng hạt.

Năm 2016, TS. Vương chế tạo thành công, đưa vào thử nghiệm tại Quảng Bình và thu được kết quả rất khả quan. Sau khi được phun chế phẩm nano, cây lạc không những kháng bệnh mà tăng năng suất lên 35% so, hạt lạc có chất lượng tốt.

TS. Vương tiếp tục nghiên cứu sản xuất chế phẩm màng bảo quản hoa quả an toàn, thân thiện với môi trường qua ứng dụng nano bạc. Hiện nay, công nghệ này đã được sử dụng cho quýt Hương Cần, cho thời gian bảo quản tăng gấp 3 lần. Việc áp dụng chế phẩm màng bảo quản quả tươi sẽ hạn chế việc thu hoạch quýt Hương Cần trước thời điểm thu hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và vitamin C trong quýt; tăng thời gian bảo quản, giúp người dân giải quyết vấn đề bảo quản nông sản khi vận chuyển dài ngày, hạn chế thất thoát khối lượng, giữ được màu sắc và hương vị trái cây.

Trong điều kiện nghiên cứu còn khó khăn do cơ sở vật chất chưa thật sự đáp ứng đầy đủ, thiếu kinh phí nhưng TS. Vương luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu để có những công trình khoa học mang tính ứng dụng cao.

Mong ước lớn nhất của TS. Vương là những sản phẩm nghiên cứu ứng dụng có thể nhân rộng ra thị trường, đến được tay khách hàng đang thật sự cần nó. Đó là niềm vui lớn nhất đối với những người làm khoa học.

Bên cạnh nghiên cứu về công nghệ nano bạc, TS. Lê Đại Vương còn là chủ nhân của hàng loạt công trình về vật liệu gốm điện tử như: chế tạo thiết bị phát sóng siêu âm công suất lớn từ vật liệu áp điện PZT – PMSN ứng dụng trong công nghiệp tẩy rửa; nghiên cứu ảnh hưởng của CuO đến các tính chất vật lý của hệ gốm áp điện PZT-PZN-PMnN; chế tạo và nghiên cứu tính chất vật lý của hệ gốm sắt điện không chì nhiều thành phần; chế tạo và nghiên cứu các tính chất điện của vật liệu áp điện định hướng không chưa chì.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”
Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”

20 thành viên trong tổ nuôi quân vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ đi sớm, về muộn cùng công việc “anh nuôi” của mình, phục vụ mỗi ngày hơn 1.000 suất ăn cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đó là hình ảnh những chiến sĩ nuôi quân ở Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, những người lặng lẽ đóng góp vào những thành tích chung của đơn vị.

Bám cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Bám cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Phát huy chức trách, nhiệm vụ được giao, nhiều cá nhân, tập thể thuộc các đơn vị công an trong toàn tỉnh luôn nỗ lực cố gắng, bám nắm địa bàn, gần dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tình nồng ấm trên biên giới A So
Tình nồng ấm trên biên giới A So

Thời tiết ở biên giới khắc nghiệt, chúng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm của những người lính đã mang lại niềm vui cho người dân vùng biên giới A So...

Thăm, động viên chiến sĩ mới
Thăm, động viên chiến sĩ mới

Ngày 16/2, Hội phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã đến thăm, động viên các chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2023 đang học tập, huấn luyện tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trách nhiệm và gần gũi
Trách nhiệm và gần gũi

Gương mẫu, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc nhưng cũng rất gần gũi và hòa đồng với cấp dưới, tận tình chăm lo chu đáo cho chiến sĩ. Đó là những nhận xét của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đối với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lợi, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.