Thứ Ba, 14/11/2017 06:15

“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới

Trong con mắt đồng nghiệp, bạn bè và người dân trên địa bàn, chị Phan Thị Hương (tổ 2, tổ dân phố 1, thị trấn A Lưới) là “kiện tướng nông dân” nơi xã biên giới còn nhiều khó khăn.

Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý42 lần hiến máu tình nguyện

Chị Phan Thị Hương chăm sóc vườn ổi

Bằng sự chăm chỉ, nỗ lực gấp nhiều lần người khác, ngoài công việc chuyên môn, chị Hương đã “nuôi” mảnh vườn quanh năm rau trái sinh sôi, trong 4 năm thu về hơn 400 triệu đồng.

Chị Phan Thị Hương là giáo viên môn thể dục, hiện đang công tác tại Trường THCS - THPT Hồng Vân (huyện A Lưới). Ông Đoàn Chí Quýnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chị Hương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, năm nào cũng đạt lao động tiên tiến; rất năng nổ trong hoạt động đoàn, hoạt động công đoàn. “Trong cuộc sống, Hương cũng rất nỗ lực, được đồng nghiệp, bạn bè khâm phục”- ông Quỳnh nói.

Cách đây 4 năm, gia đình Hương gặp chuyện không vui. Kể từ đó, người phụ nữ ấy phải một mình nuôi các con còn nhỏ, với rất nhiều khó khăn, thiếu hụt. Quyết tâm phải vươn lên trong mọi hoàn cảnh, Hương quyết định sau khi thực hiện tốt công việc chuyên môn và hoạt động phong trào ở trường, thời gian còn lại sẽ trồng rau, trái sạch, phát triển kinh tế. Toàn bộ nhà đất chỉ vỏn vẹn 300m2, nhưng Hương rất may mắn khi được một đồng nghiệp tốt bụng, cho mượn mảnh đất đang bỏ không cạnh đó, để sản xuất. Người họ hàng ủng hộ quyết tâm của Hương, cũng cho chị mượn 1.000 m2 đất vườn, để canh tác.

Không phụ tấm lòng của những người đã cảm thông, hỗ trợ, chia sẻ với mình, Hương đổ mồ hôi lên từng tấc đất. Chị trồng 100 cây ổi, với cách chăm sóc để vườn ổi cho thu hoạch quanh năm. “Cứ 2-3 ngày em cắt ổi bán, bình quân từ 10-20 kg/1 lần thu hoạch. Thời điểm trái rộ 1 lần thu hoạch tầm 50kg. Thời điểm cắt cành để chăm, dưỡng sức khỏe cho cây, chuẩn bị cho vụ mới thì mỗi lần thu hoạch tầm 5kg. Khách hàng là đồng nghiệp, bạn bè, người quen, biết rõ và tin tưởng chất lượng, nên luôn ủng hộ. Nhiều gia đình trên địa bàn đặt hàng khi chuẩn bị có đám cưới hay đám tiệc”- chị Hương bày tỏ.

Trái ổi vừa bứt xuống từ vườn rất giòn, thơm, ngọt. Tôi mới hiểu vì sao ổi vườn nhà Hương lúc nào hái xong, vừa đăng lên facebook là mọi người đã đặt hàng. Cười hiền, Hương bảo để có được kết quả như vậy, chị phải bỏ ra bao nhiêu công sức, đổ xuống bao nhiêu mồ hôi. Nơi đây thời tiết khắc nghiệt, trồng cây gì cũng khó. Mùa khô ổi ngon, nhưng muốn cây ra trái, cho trái tốt tươi là phải tưới thường xuyên. Bắc vòi lấy nước từ suối, tưới từ sáng đến trưa mới xong vườn ổi. Vậy nên một ngày của Hương bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc vào tầm 11 giờ khuya. Thấy con gái một mình quần quật, mẹ ruột của chị từ quê ở miền Bắc vào phụ giúp.

Trên diện tích đang canh tác, mùa nào thức nấy, Hương trồng mãng cầu, bí đỏ, bắp cải, cà chua, củ cải, sắn dây… Hương cho biết, chị mới thu hoạch 1 tạ sắn dây, đang lọc và phơi thành bột, nhưng khách hàng đã “đặt gạch” rồi. 1 tạ củ cải mới thu hoạch cũng bán hết chỉ trong 1 ngày. Bất cứ rau củ nào trong vườn của Hương cũng đều được khách hàng tín nhiệm. Chị không cần phải đưa ra chợ, chỉ đăng sản phẩm lên facebook là có ngay đơn hàng.

“Nông sản do chị Hương sản xuất đảm bảo, tươi, ngon nên rất nhiều đồng nghiệp là cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục huyện và người quen, bạn bè thường xuyên đặt mua khi có hàng”- chị Nguyễn Thị Tứ công tác tại Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới nói.

Một cửa hàng bán nông sản sạch ở TP. Huế, sau khi lên A Lưới khảo sát, tìm nguồn hàng đáp ứng tiêu chuẩn, cũng đặt vấn đề sẽ mua rau, quả do chị sản xuất. Tuy nhiên, hiện chị chỉ đủ để cung cấp cho thị trường A Lưới. “Năm nay em đang trồng thí điểm dưa bở. Cây đã lên tầm 10 cm. Em cũng trồng măng tây, cung cấp giống cây, hy vọng loại rau cao cấp rất ngon và bổ dưỡng này được nhân rộng trên địa bàn”- Hương bộc bạch.

Người phụ nữ chăm chỉ và nỗ lực này, vào ngày thứ bảy của mỗi tuần, còn tranh thủ làm đậu phụ bán. 30 kg đậu hạt sau khi ra thành phẩm lại “hết vèo” trong buổi sáng.

Dạo quanh một vòng trên diện tích mà Hương đang canh tác, tấm tắc vì rau trái xanh tươi không bỏ sót tấc đất nào, tôi càng khâm phục khi Hương bộc bạch, đối với công việc chuyên môn, năm nay chị đăng ký danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cơ sở, để phấn đấu tốt hơn.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh  

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Quảng Điền làm giàu
Nông dân Quảng Điền làm giàu

Phong trào sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tạo động lực cho nhiều hộ nông dân nghèo ở Quảng Điền vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.

Xây dựng Mái ấm cho người nghèo biên giới
Xây dựng "Mái ấm cho người nghèo biên giới"

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp UBND các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) tổ chức khởi công xây dựng “Nhà cho người nghèo nơi biên giới” trên địa bàn. Tham dự lễ khởi công có Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Song hành cùng nông dân
Song hành cùng nông dân

Bằng nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, các cấp Hội Nông dân huyện Phú Lộc đã song hành cùng hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, qua đó tập hợp được nhiều nông dân vào tổ chức hội.