Cả năm đói khổ, nồi cơm một gạo ba khoai. Thế mà tết vẫn phải no đủ. Hai tám hai chín là mấy anh em đi tát ao. Tát bằng gàu sòng. Cá bắt về lựa con to cuốn tròn rồi nướng. Bỏ vào thúng, đậy kỹ treo triêng gióng. Ngày hai bữa thím Bốn lấy ra kho để cúng ông bà.
Người thì có thể đói nhưng heo phải no. Lo heo tết là phải lo từ bảy tám tháng trước. Con cháu tập trung về đông như vậy nếu không có heo tết thì lấy gì cho chúng nó ăn ! Trước đó mấy ngày là Thím tráng bánh. Khi bánh chưa khô thì cuốn tròn lại cắt ra làm sợi bún. Thịt heo tham gia vào mọi món ăn. Canh cũng thịt heo, đĩa bún xào cũng thịt heo, nem lụi cũng thịt heo…Chiều ba mươi cúng rước xong, con cháu quây quần chung quanh chừng ba chiếc nong to giữa sân. Sân nền đất, giữa nong thắp một hai cây đèn “hột vịt”. Những hình ảnh đấy khó mà quên cho được.
Người dân chọn mua hoa mai chiều 30 Tết. Ảnh: L.Tuệ
Tôi đã ở Huế hơn 30 năm, cứ tạm gọi đã là người thành thị. Cái cảm giác chiều ba mươi tết nó khác với ở quê nhiều lắm. Chiều ba mươi của một xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng ấm no hơn thì nó lại rất khác với ngày ba mươi của ngày xưa. Ba mươi của ngày xưa là tất tần tật phải “sắm”, ba mươi của ngày nay là mua. Cận tết thì đồng tiền lưu thông càng mạnh. Giá cả cũng nhích nhích hơn ngày thường. Ai cũng tranh thủ những ngày này để làm thêm việc... Ngoảnh lại đã là ba mươi. Những gì “kiếm thêm được từ sự tranh thủ ngày công, vật giá cao hơn”, cứ thế mang đồng tiền ra chợ. Chợ giờ không thiếu thứ gì. Người sang thì đi siêu thị; người bình dân hơn thì cứ chợ truyền thống mà đi. Tính ra đi mua lời hơn tự “ sắm”. Chỉ một biểu hiện này thôi cũng thấy xã hội chuyển mình. Nghĩa là cách nghĩ, cách làm của phần lớn người dân đã khác.
Nhưng mà có nhiều người không quên được nồi bánh chưng ba ngày tết. Trước ngõ nhà tôi, trên đường Điện Biên Phủ, từ sáng hai chín tôi đã thấy gia chủ sắp gạch cho hai bếp lò, bên cạnh là một đống củi to. Chiều hai chín ra ngóng thử thấy lò đã đỏ, nhiều người quây quần bên bếp lửa. Hỏi ra, bếp lửa và nồi bánh chưng bánh tét ngày ba mươi là để đón con cháu từ ngoại quốc về. Họ mang về cho người thân hơi ấm, tình cảm... và thậm chí là tiền. Và họ nhận lại, họ đòi hỏi người thân ở quê nhà cho lại họ điều gì ? Họ chỉ mong nhận lại chút hơi ấm của bếp lửa hồng nồi bánh chưng bánh tét. Chiều ba mươi nó cho con người ta nhiều cung bậc cảm xúc là vậy: tất bật có; thảnh thơi có; nhớ nhung mong ngóng có, yêu thương có... Nhưng tuyệt nhiên không có giận hờn.
Gói bánh tét bánh chưng, nét truyền thống được nhiều gia đình gìn giữ . Ảnh: Đăng Tuyên
Sáng ba mươi đi chợ Đông Ba mới thấy nó rộn rã làm sao. Ngôi chợ hơn 120 năm tuổi là chợ truyền thống chứ gì nữa ! Người đông nghìn nghịt, đủ thứ đủ món, không thiếu bất cứ thứ gì. Người đi chợ nhiều thì hàng ăn uống cũng tăng về số lượng. Tôi chưa bao giờ hình dung một trẹt bánh ít nậm lọc nhiều đến vậy. Thử hỏi sức tiêu thụ thế nào. Chị chủ bảo, cả chục ngày nay ngày nào cũng như vậy, đến cuối ngày là bán không còn một cái.
Làm sao mà kể hết ở ngoài kia ngày ba mươi tết có gì. Chỉ biết nó đông từ sáng sớm và thưa dần người vào lúc chiều muộn. Hàng hoa cũng thưa thớt dần. Dáng người cũng đỡ tất bật hơn. Đó là lúc nhà nhà cúng rước ông bà. Mỗi thời mỗi khác. Chỉ có cái không khí trang nghiêm của ngày cúng rước là thời nào cũng vậy. Có chăng chỉ là sự đầm ấm, nhiều tiếng cười hơn thôi. Tôi ngóng qua bờ dậu bên nhà hàng xóm, và nghe họ chuyện trò, cười nói râm rang lắm. Ba mươi tết của ngày hôm qua, và ba mươi tết của ngày hôm nay, những gì tôi biết, đó là sự đủ đầy.
Lê Phương