Thứ Ba, 16/05/2017 06:19

Ký ức người lính

Chiếc xe quân đội dừng lại trước ngõ nhà gia đình liệt sĩ Lê Đình Tư, một trong những người lính biên phòng thuộc Hải đội 2 (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), Bộ đội Biên phòng tỉnh, hy sinh khi đang cứu dân trong trận lũ lụt lịch sử năm 1999. Hôm nay, đồng đội lại về thăm các anh...

Những bài học sâu sắc về phòng chống thiên taiNhững ngày tháng khó quên20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Đại tá Nguyễn Đăng Tâm, nguyên Hải đội trưởng Hải đội 2, Đại tá Nguyễn Văn Nga, nguyên Phó Hải đội trưởng chính trị (thời kỳ 1999, nay đã nghỉ hưu), Đại úy Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2 và những cán bộ, sĩ quan của đơn vị từng vật lộn trong lằn ranh sinh tử năm ấy lần lượt dâng nén tâm hương lên bàn thờ, kính cẩn đứng nghiêm đưa tay chào. Nụ cười từ di ảnh liệt sĩ như nhòa đi trong khói hương thiêng. 

Cán bộ chiến sĩ Hải đội 2 trước bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu dân trong trận lụt 1999. Ảnh: QUỲNH ANH

Không bao giờ quên

Hôm ấy, ngày 30/10/1999 trời bắt đầu mưa. Theo dự báo thời tiết trước đó, không có bão, không có áp thấp nhiệt đới. “Mưa tiếp tục suốt cả ngày hôm sau. Đến ngày 2/11/1999, mưa rất lớn, xối xả, nước lên rất nhanh, trong buổi sáng đã vào sân Hải đội. Lúc đó tôi, Hải đội trưởng và Đại úy Nguyễn Văn Nga, Phó Hải đội trưởng chính trị cùng các đồng chí chỉ huy đơn vị gấp rút hội ý, phân công nhiệm vụ, cử một bộ phận cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Đồn biên phòng 220 và chính quyền địa phương di dời dân ở vùng thấp thôn Hải Thành đến nơi an toàn.

Một bộ phận chuyển toàn bộ lương thực, vũ khí của đơn vị đến Đồn biên phòng 220. Bộ phận khác do Phó Hải đội trưởng quân sự kỹ thuật Trương Tuấn Tuân, chỉ huy 2 tàu chiến đấu tuần tiễu và ca nô, hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào tránh đậu tại vịnh cảng Hải đội 2” -   Đại tá Nguyễn Văn Nga hồi tưởng.

2 giờ chiều ngày 2/11, cơ quan Hải đội 2 ngập trong nước lũ. Lực lượng sau khi giúp dân hoàn thành, về ở trên 2 tàu neo tại cầu cảng Hải đội. Anh em còn lại chuyển đến đồn. Anh Tâm, anh Nga cùng 3 đồng chí nữa bám trụ lại đơn vị. Đến 11 giờ đêm, nước trong doanh trại tụt xuống chừng 10-12 cm, chảy rất xiết. Nhận định tình hình nguy hiểm, cán bộ, chỉ huy quyết định rời khỏi đơn vị, di chuyển đến Đồn biên phòng 220. Sau đó, Thiếu tá Tâm, Đại úy Nga, Đồn trưởng Đồn biên phòng 220 Dương Ngọc Hà cùng chính trị viên của đồn về cảng kiểm tra tình hình tàu thuyền ngư dân. Dòng chảy rất mạnh ra hướng biển, biết lúc đó cửa biển đã mở.

Các hộ dân thôn Hải Thành di chuyển đến nơi khác, nhưng do không thể lường diễn biến phức tạp, nên một số người vẫn ở lại trong các ngôi nhà mới xây ở vị trí cao, kiên cố. Đặc biệt tại nhà ông Thu, ngoài 12 thành viên trong gia đình, còn có thêm một số người dân đến trú ẩn. “0 giờ 30 phút ngày 3/11, chúng tôi nghe tiếng kêu cứu. Lúc này gió rất lớn. Trời đất tối thui. Chúng tôi phải dùng pháo sáng bắn để kiểm tra cửa biển vỡ như thế nào, quan sát vị trí dân kêu cứu. Nhưng gió to quá, pháo sáng bắn chỉ lên cao được 5 mét thì bị gió dập xuống, không đủ chiếu ánh sáng cho tầm nhìn.

Mọi liên lạc đối với Bộ chỉ huy thời điểm này hoàn toàn bị cắt đứt. Tiếng kêu cứu của dân trong đêm tối, giữa lằn ranh sinh tử là “mệnh lệnh” khẩn cấp khiến Ban chỉ huy Hải đội 2 lập tức hội ý, quyết định cho 2 tàu xuất kích thực hiện nhiệm vụ cứu dân. Tàu BP 31-02-02 do thuyền trưởng Đào Xuân Thành chỉ huy, trên tàu có Trung úy Phạm Văn Điền, máy trưởng, Thiếu úy (nay là Thiếu tá) Vũ Xuân Cường, máy phó cùng 2 binh nhất Lê Đình Tư, Nguyễn Văn Phú. Tàu BP 31-04-01 do Phó Hải đội trưởng kiêm thuyền trưởng Trương Tuấn Tuân chỉ huy. Trên tàu có Thượng úy Hoàng Mạnh Hùng máy trưởng và 2 đồng chí khác. Hai tàu xuất phát, vật lộn với gió lớn và nước xiết, đến khu vực người dân kêu cứu.

Đứng ở cảng đơn vị, Thiếu tá Tâm và Đại úy Nga dõi theo ánh đèn pha của 2 tàu, dõi theo “bước chân” của đồng đội đang lao vào rừng dương liễu bị dòng nước xiết “bẻ” nghiêng, tiếp cận với ngôi nhà đang trôi. Một số người dân nhảy được lên tàu. Thế nhưng dòng nước xiết từ đầm phá đổ ra, xô luôn cả 2 chiếc tàu ra biển.

Vật lộn với sóng dữ, tàu BP 31-04-01 sau đó trôi ra phía bắc cửa biển Hòa Duân. Riêng tàu BP 31-02-02 trôi cách bờ biển 1,5 km, máy bị hỏng nên phải thả neo. 2 giờ sáng, truyền trưởng Đào Xuân Thành bị hất văng ra khỏi tàu, bị sóng vùi xuống, cuốn đi. Trung úy Phạm Văn Điền tiếp tục chỉ huy, bám trụ trên biển gần 4 giờ đồng hồ. Khi tàu bắt đầu chìm từ phía sau lái, cán bộ, chiến sĩ được lệnh rời tàu. “Sóng dữ quá, cuốn anh em mỗi người một nơi. Tôi liên tục bị sóng ném, vùi xuống đáy cát. Những phút giờ tàn khốc đó, tôi cầm chắc mình sẽ hy sinh”- Thiếu tá Vũ Xuân Cường (lúc đó là Thiếu úy) trầm giọng.

Lúc dạt vào bờ, anh Cường đã bất tỉnh. Đi dọc bờ biển hàng chục km, đồng đội tìm được các anh Thành, Cường, Phú. Nhưng Trung úy Phạm Văn Điền và binh nhất Lê Đình Tư đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển ở tuổi đôi mươi.

Đồng đội về thăm nhà liệt sĩ Lê Đình Tư. Ảnh: VÕ NHÂN

Ký ức hào hùng

Nước mắt lại lăn xuống. Bà Võ Thị Kim Oanh, mẹ của liệt sĩ Tư nghẹn ngào: “Tư hiền lắm, thương cha, thương mẹ lắm. Trước trận lũ lụt xảy ra 5 ngày, nó được về thăm nhà, chuẩn bị hột bí, hột bầu mang đến đơn vị để trồng. Lúc chuẩn bị trở lại đơn vị, nó nói: “Tháng ni con ở dưới tàu nên lâu về, mẹ đừng trông”. Khi lũ lụt xảy ra, tui yên tâm là con cùng đồng đội trên tàu đi cứu giúp dân. Không ngờ con trai tui đi mãi không về”.

Đại tá Nguyễn Đăng Tâm, Đại tá Nguyễn Văn Nga, những chỉ huy của Hải đội 2 năm ấy, trong gió to sóng lớn đã lệnh 2 tàu xuất kích cứu dân; Thiếu tá Vũ Xuân Cường, Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng…, những người lính năm ấy từng cùng các đồng đội xuống tàu trực tiếp lao vào hiểm nguy, từng đi qua lằn ranh sinh tử, giây phút này nén những giọt nước mắt ngược vào lồng ngực, tưởng nhớ những đồng đội đã mãi mãi nằm lại khi thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh của trái tim.

Những bông hoa trắng được thả kín cầu cảng Hải đội 2, nơi các anh cùng đồng đội xuất phát đi làm nhiệm vụ, là tình cảm của người dân Thuận An gửi đến hương hồn các liệt sĩ đã hòa cùng sóng biển.

20 năm qua, cứ đến cuối tháng 10, năm nào cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 cũng làm giỗ 2 liệt sĩ trước tấm bia tưởng niệm ở cầu cảng Hải đội. "Mỗi lúc tàu xuất bến tuần tra trên biển, chúng tôi không quên thắp trước tấm bia tưởng niệm đồng đội đã hy sinh một nén hương"- Đại úy Lê Văn Hải xúc động.   

QUỲNH ANH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 46 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng chính sách
Hơn 46 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng chính sách

Chiều 27/7, UBND huyện A Lưới tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78-NĐ/CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

20 năm sau vụ 11 9, những bức ảnh vẫn gây chấn động mạnh
20 năm sau vụ 11/9, những bức ảnh vẫn gây chấn động mạnh

Hai mươi năm trước, cả nước Mỹ đã chứng kiến cảnh những chiếc máy bay bị không tặc lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở TP New York, Lầu Năm Góc ở Washington D.C và một cánh đồng ở TP Shanksville, bang Pennsylvania vào ngày 11/9/2001.

Tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng đêm nhạc “online”
Tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng đêm nhạc “online”

Tưởng nhớ 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, khi chương trình “Nhớ Trịnh Công Sơn” chưa đến Huế (dự kiến diễn ra trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế), tối 1/4, khán giả Cố đô cùng với cả nước vẫn có cơ hội thưởng thức nhạc của ông với đêm nhạc “online” “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn” được livestream trên trang facebook "Phim Em và Trịnh".

Già không chết, trẻ lại chết
Già không chết, trẻ lại chết

Đó là khái quát thiệt hại cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế qua cơn bão số 5 ngày 18/9/2020.

20 năm gắn bó với nghề mài dao
20 năm gắn bó với nghề mài dao

Đường Nguyễn Tất Thành (TX. Hương Thủy) lúc 2h chiều, trời nắng như đổ lửa. Cạnh con đường quen thuộc, ông Đỗ Ngọa nhấp ngụm nước, lau những dòng mồ hôi. Hít một hơi thật dài, tiếp tục leo lên xe đạp, cụ ông đã 73 tuổi rướn những vòng quay lặng lẽ trên con đường trở về nhà.