Thứ Sáu, 31/07/2020 07:44

Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu rau quả

Năm 2022, rau quả là một trong bảy mặt hàng của ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Dự báo, năm 2023, rau quả tiếp tục có nhiều lợi thế xuất khẩu với kỳ vọng kim ngạch sẽ vượt con số 3,34 tỷ USD năm 2022 để cán mốc 4 tỷ USD.

Nông nghiệp sạch hướng tới thị trường ngoạiXuất khẩu rau quả chuyển dịch tích cực trong những tháng đầu nămTuân thủ nghiêm ngặt quy định để tránh ảnh hưởng xuất khẩu sang EU

Trái cây Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng quốc tế. Ảnh: MINH ANH

Năm 2022, rau quả Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Tuy nhiên, tại hầu hết các thị trường đều ghi nhận sự tăng trưởng thì thị trường Trung Quốc lại sụt giảm khá mạnh dù vẫn giữ vị trí là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc năm 2022 đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm gần 20% so với năm 2021 và chiếm tỷ trọng 45,38% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Trong khi đó, thị trường Mỹ đạt kim ngạch hơn 247 triệu USD, tăng 11,15%; thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch xuất khẩu gần 181 triệu USD, tăng 14,83%...

Năm 2022 cũng là năm mở cửa thị trường thành công đối với nhiều mặt hàng rau quả, như ký các Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc các loại rau quả như: sầu riêng, chuối, khoai lang; Trung Quốc đồng ý thực hiện thí điểm nhập khẩu chính ngạch chanh leo, ớt tươi. Ngoài ra, trái bưởi cũng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ, New Zealand.

Mới đây nhất, tháng 11/2022, Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho trái nhãn Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này sau sáu năm đàm phán. Đến đầu tháng 1/2023, hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Công ty TNHH Hoàng Phát (tỉnh Long An) đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Sau lô nhãn này, dự kiến, mỗi tháng công ty sẽ cung ứng đều đặn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang Nhật Bản. Để nhập khẩu vào Nhật Bản, trái nhãn phải trải qua nhiều quy trình đánh giá khắt khe dưới sự giám sát của các chuyên gia Nhật Bản.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật cũng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm để tăng nhanh sản lượng xuất khẩu nhãn vào thị trường Nhật Bản. Tính tới thời điểm này, đã có bốn loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, là: thanh long, xoài, vải, nhãn. Cũng trong đầu tháng 1/2023, Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần RYB, Công ty TNHH MTV Cao Phong đã tổ chức lễ xuất chuyến hàng cam Cao Phong đầu tiên sang Vương quốc Anh, với số lượng gần bảy tấn quả. Đây cũng là lần đầu trái cam Cao Phong vươn ra thị trường thế giới, hứa hẹn những đơn hàng lớn hơn trong thời gian tới.

Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm 2023, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định của từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng...

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tính đến hết tháng 11/2022, cả nước đã cấp được 5.325 mã số vùng trồng (254.137,55ha) phục vụ xuất khẩu tại 55 tỉnh, thành phố; 1.438 mã số cơ sở đóng gói, phân bố tại 36 tỉnh. Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật) Phan Thị Thu Hiền cho biết: Hiện nay, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu trên thế giới. Mã số vùng trồng cấp theo định kỳ, có thời hạn tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Các mã số này phải được công nhận bởi các nước nhập khẩu và được giám sát bởi cơ quan quản lý. Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không chỉ để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà nó còn có ý nghĩa lớn trong việc chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất của người nông dân theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, năm 2023 ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, những khó khăn về logistics được tháo gỡ, cước vận chuyển được dự báo có chiều hướng giảm…, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.

Ngành hàng rau quả cũng đang tận dụng ngày một tốt hơn lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, cho nên cơ hội xuất khẩu rau quả sang các thị trường lớn như châu Âu, Vương quốc Anh, Australia, New Zealand… cũng rất rộng mở. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành hàng chính là nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng thị trường.

Theo nhandan.vn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều kỳ vọng từ Aeon Mall Huế
Nhiều kỳ vọng từ Aeon Mall Huế

Khởi công ngày 11/2/2022, dự kiến hoạt động vào nửa cuối năm tài chính 2024, Trung tâm Thương mại (TTTM) Aoen Mall Huế (khu đất TM-DV7 thuộc khu A – Đô thị mới An Vân Dương (P. An Đông, TP. Huế) hứa hẹn có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tránh chồng chéo về quản lý khi xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu
Tránh chồng chéo về quản lý khi xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu

Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều điều khoản và quy định theo văn bản pháp luật cần sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.