Thứ Ba, 17/12/2013 05:26

Lâm tặc “hoành hành” rừng Thượng Quảng

Những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông) đang bị lâm tặc cày xới từng ngày, với hàng chục chuyến xe xuôi ngược ngang nhiên chặt phá, mang gỗ ra khỏi cửa rừng.

 

 

Gỗ đi như chốn không người

Sau nhiều ngày “bắt mối”, chúng tôi được T. (xã Thượng Long, huyện Nam Đông), một tay “lâm tặc” đã “gác kiếm”, đồng ý dẫn xâm nhập tuyến đường lâm tặc chặt phá rừng trên địa bàn xã Thượng Quảng, với giao ước: “Tao chỉ dẫn bọn bây lên, việc còn lại là của bây”. Trong trang phục của những người thợ sơn tràng, sau gần hai giờ đồng hồ “nẹt pô” bằng xe máy, rồi cuốc bộ giữa rừng, chúng tôi đến được nơi trung chuyển của lâm tặc tập kết gỗ để chuẩn bị đưa ra khỏi rừng.

Một số cây bị đốn hạ bỏ ngổn ngang ven đường

Trong 3 ngày, từ 12-14/6, theo ghi nhận của chúng tôi, đã có hàng chục chuyến gỗ được dân khai thác bỏ lên xe máy “độ”, xe trâu kéo về nhà cất giấu, tiêu thụ. T. hé lộ: “Dân làm gỗ ở đây là người trong và ngoài địa phương. Phương tiện là xe máy được đôn nòng, thay lốp răng, vòng tua xích tải và gắn thêm giàn sắt hai bên để dễ dàng chở gỗ đã xẻ phách. Gỗ khai thác từ rừng sâu, đưa ra tập kết ven những đường mòn “xương cá”, rồi dùng xe, trâu đưa về”. T. cho biết: “Gỗ được đưa về qua hai tuyến đường: Nếu trực tiếp qua chốt Lồ Ô của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Đông, mỗi xe chung chi 2 trăm nghìn đồng“tiền luật”. Còn không, phải đi đường nhánh xuyên rừng, đưa trâu kéo về”.

 Từ xã Thượng Long lên chừng 5km, theo ghi nhận của chúng tôi, có vài cây gỗ kích thước khá lớn, bị chặt hạ đổ ngay bên vệ đường, xung quanh nhiều phách đã được xẻ. Từ điểm gỗ bị chặt hạ lên vùng đồi chừng 100m, một số gốc cây mới bị chặt hạ, phần ngọn còn mới dấu vết cưa. Sau khi vượt nhiều dốc, đến điểm tập kết gỗ, thấy có động, một người đàn ông và một phụ nữ liền nhanh tay tẩu tán gỗ vào rừng. Từ trong tuyến đường “xương cá”, một thanh niên bước ra, “ngó nghiêng” chúng tôi một hồi, hất hàm hỏi: “Chúng mày người ở đâu, lên đây làm gì?”. Chúng tôi nói là người A Lưới, theo bạn lên đốt ong rừng lấy mật. Người này bỏ đi rồi gọi điện thoại: “Không phải kiểm lâm, đưa gỗ ra đi bây”. Tiếp tục hành trình thêm nhiều km nữa dọc tuyến đường này, chúng tôi ghi nhận được nhiều xe chở gỗ kiền được xẻ phách với kích thước dài chừng 2,5m, ngang 40cm, dày 10cm đang nghỉ bên vệ đường. Điều khó hiểu, những điểm tập kết gỗ chỉ nằm cách chốt Lồ Ô của BQLRPH Nam Đông chừng 3-4km, nhưng không hiểu vì lý do gì cán bộ chốt trực tại đây không phát hiện (!?).

Chiều tối ngày 13-14/6, tại điểm đầu con đường dẫn lên rừng ở xã Thượng Quảng, chúng tôi ghi nhận nhiều xe trâu, xe máy độ đang đưa gỗ ra khỏi rừng. Mỗi chuyến xe thường có 2-3 người đi trước để dò đường. Các đối tượng khai thác gỗ thường dùng điện thoại để liên lạc, cảnh giới cho nhau.       

Đã làm hết trách nhiệm?

Ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho biết: “Trong hơn 5.000 ha rừng giao cho địa phương, chính quyền xã đã giao cho 4 cộng đồng và 6 nhóm hộ quản lý và hưởng lợi. Gỗ ở đây chủ yếu các loại thuộc nhóm 6-7. Do vậy, các hộ dân khai thác gỗ trái phép nằm trên lâm phận của rừng phòng hộ thuộc trách nhiệm của BQLRPH Nam Đông. Vừa qua, được sự chỉ đạo của UBND huyện Nam Đông, địa phương đã rà soát lại các loại xe gắn máy “độ” trên địa bàn và yêu cầu các chủ xe này ký cam kết, không vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng”. Tuy nhiên, theo ông Đông, tình trạng phá rừng trên địa bàn khó kiểm soát, do các đối tượng khai thác gỗ lậu chủ yếu hoạt động ban đêm, có một số đối tượng ngoài địa phương. “Chúng tôi thường xuyên kết hợp lực lượng kiểm lâm địa bàn, công an huyện, kiểm tra các xưởng gỗ, nhưng do gỗ được đưa về ban đêm, sáng ra đã xẻ thành khí hết nên rất khó phát hiện”, ông Đông thừa nhận.

Xe độ của lâm tặc vận chuyển gỗ kiền

Ông Trần Toản, Giám đốc BQLRPH Nam Đông cho biết: “Đơn vị quản lý 11.000 ha rừng phòng hộ, riêng địa bàn xã Thượng Quảng có 7.000 ha. Chúng tôi thường xuyên kết hợp với lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội truy quét. 6 tháng đầu năm 2016, đã bắt giữ 7 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Trong đó, Thượng Quảng là điểm nóng khai thác gỗ trái phép, đặc biệt trên vùng thượng nguồn Mù Nú, do địa bàn này rộng lớn, rừng còn giàu. Trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên nghiệp của đơn vị chỉ có 10 người, chia thành 2 chốt và 2 trạm đóng trên địa bàn nên không thể quán xuyến tất cả”.

Theo ông Toản, khó khăn nhất của đơn vị hiện nay, cán bộ quản lý đa số là nhân viên hợp đồng. Khi thực hiện công tác tuần tra, lực lượng của BQLRPH Nam Đông không có công cụ hỗ trợ, nên có trường hợp lâm tặc không chấp hành, chống đối. “Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm. Cái vướng ở đây là hành lang pháp lý, chức năng xử lý chưa có. Đơn vị phải phối hợp với các lực lượng khác khi tuần tra, bắt giữ, tịch thu tang vật và xử lý các đối tượng”, ông Toản nói.

Ông Nguyễn Viết Trai, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đông cho rằng: “Gỗ khai thác trái phép trên địa bàn Thượng Quảng chủ yếu do các hộ dân khai thác nhỏ lẻ, dùng để làm nhà. Đây là trách nhiệm của BQLRPH Nam Đông. Vì là đơn vị chủ rừng. Để xảy ra tình trạng này, có thể do phía BQLRPH Nam Đông để các cán bộ, nhân viên hợp đồng lơ là. Khi gỗ đưa về, nhiều đối tượng “đưa vài chục nghìn” cho các nhân viên này thì cho qua”. Trước việc ông Trai cho rằng “chỉ một vài đối tượng khai thác gỗ để làm nhà”, chúng tôi đưa một số hình ảnh về tình trạng khai thác gỗ trái phép tại địa bàn Thượng Quảng, ông Trai tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nói: “Sao các anh không báo liền cho chúng tôi lúc đó để truy quét”(!)

Trước thông tin các đối tượng khai thác gỗ “chung chi” cho nhân viên tại chốt kiểm soát Lồ Ô của BQLRPH Nam Đông mỗi xe 200 nghìn đồng, ông Trần Toản cho rằng: “Chúng tôi chưa nghe thông tin này. Sắp tới sẽ cho kiểm tra, nếu có tình trạng này sẽ xử lý nghiêm những người liên quan”. Theo ông Toản, thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả tuần tra bảo vệ rừng, đơn vị BQLRPH Nam Đông sẽ thường xuyên phối hợp với quân đội, công an, lực lượng kiểm lâm tuần tra, truy quét xử lý nghiêm các đối tượng.

Ông Nguyễn Viết Trai khẳng định: “Trước mắt, Hạt sẽ làm việc với BQLRPH Nam Đông cùng các địa phương nhằm rà soát lại các loại xe máy độ dùng chở gỗ và các điểm nóng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, nhằm có phương án xử lý hiệu quả”.

Theo Hạt Kiểm lâm Nam Đông, trong 5 tháng đầu năm 2016, Hạt đã phối hợp với các lực lượng liên quan, bắt và xử lý 21 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, tịch thu 22,7m3 gỗ, 16 xe “độ” của các đối tượng dùng để chở gỗ, xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng.

Hà Nguyên – Quỳnh Viên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp nạn khi truy quét lâm tặc
Gặp nạn khi truy quét lâm tặc

Trong lúc truy đuổi lâm tặc, một cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy (BQLRPH Hương Thủy) không may gặp nạn, dẫn đến chấn thương nặng ở đầu gối.

Giảm số vụ phá rừng A Lưới
Giảm số vụ phá rừng A Lưới

Sau nhiều vụ phá rừng trên địa bàn huyện A Lưới liên tiếp diễn ra, các lực lượng kiểm lâm (KL), bảo vệ rừng (BVR) siết chặt hơn trong quản lý bằng nhiều chuyến tuần tra ngày đêm tại các điểm nóng.

Giải pháp nào để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả
Giải pháp nào để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả?

Phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, chính quyền địa phương, người dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ là một trong những giải pháp để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả - theo ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.

Huyện A Lưới thông tin bước đầu kiểm tra vụ “cắt xén” tiền bảo vệ rừng
Huyện A Lưới thông tin bước đầu kiểm tra vụ “cắt xén” tiền bảo vệ rừng

Tối 23/4, thông tin từ đại diện UBND huyện A Lưới trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế cho biết, trong ngày 23/4, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin việc sử dụng kinh phí theo nội dung Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ tại xã Hồng Thủy trước thông tin phản ánh có tình trạng “cắt xén” tiền bảo vệ rừng.