Thứ Sáu, 24/04/2020 07:47

Lan tỏa giá trị du lịch Huế trên đất Thái

Trong thời gian lưu trú tại Huế (21-24/10), đoàn khảo sát du lịch và truyền thông Thái Lan đã tham dự buổi hội thảo xúc tiến du lịch do Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức chiều 23/10. Ông Hoàng Hải Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự.

Nhiều kỳ vọng từ tuyến bay charter

Thái Lan - thị trường trọng điểm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với đoàn khảo sát du lịch và truyền thông Thái Lan bên lề hội thảo

Ngoài tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp (DN) du lịch của Thừa Thiên Huế và Thái Lan, hội thảo là dịp chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc nhằm giúp kích cầu, thúc đẩy phát triển du lịch; thu hút du khách, nhất là khách du lịch quốc tế; phục hồi và duy trì thị trường khách Thái Lan - 1 trong 10 thị trường khách quốc tế tiềm năng đến Thừa Thiên Huế trong thời gian đến.

Sau khi có mặt tại Cảng HKQT Phú Bài bằng chuyến bay charter Bangkok – Huế – Bangkok chiều 21/10, những ngày tiếp theo, đoàn khảo sát du lịch và truyền thông Thái Lan đã đi thăm, khảo sát một số điểm đến; trải nghiệm ẩm thực, đi thuyền Ngự sông Hương, xe bus City tour…, qua đó, hiểu thêm về du lịch Cố đô Huế, nơi có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới. Đó là Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Theo ông Đinh Mạnh Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, xác định thị trường Thái Lan là thị trường trọng điểm, Hiệp hội du lịch Huế mong muốn việc xúc tiến quảng bá, nhất là quảng bá bằng hình ảnh trực quan để khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường khách Thái Lan đến Huế và ngược lại được đẩy mạnh hơn; các DN du lịch Thái Lan tăng cường quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế tại Thái Lan, tổ chức nhiều hơn các đoàn Famtrip đến Huế khảo sát, kết nối để Hiệp hội Du lịch và các DN du lịch có cơ hội hợp tác, ký kết các chương trình, sản phẩm cho cả 2 bên.

Ông Đinh Mạnh Thắng khẳng định, sẽ cùng Hội Lữ hành, các Hội thành viên, các DN du lịch xây dựng một số sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó chú trọng khai thác thế mạnh về di sản văn hóa Huế và du lịch biển; xây dựng các gói kích cầu để kích cầu thị trường khách Thái đến Huế.

“Để phát huy hiệu quả, Hiệp hội du lịch 2 bên sẽ cùng đề xuất với chính quyền tạo mọi điều kiện hỗ trợ các DN trong quá trình tổ chức kết nối du lịch, có cơ chế kích cầu nguồn khách của mỗi bên; hãng hàng không Thái Vietjet tiếp tục duy trì các chuyến bay charter với mức giá ưu đãi hơn. Trên cơ sở các chuyến charter thành công, sẽ phối hợp, đề nghị các cơ quan thẩm quyền, các hãng hàng không cho mở đường bay thương mại để du lịch hai bên phát triển bền vững, chủ động hơn”, ông Thắng nói.

Mở rộng tuyến charter & mở chuyến bay regular

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc giới thiệu tổng quan sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng cùng tiềm năng, lợi thế của du lịch Thừa Thiên Huế

Giới thiệu tổng quan đến đoàn bạn những sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng cùng tiềm năng, lợi thế của du lịch Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan cùng các DN du lịch triển khai nhiều hoạt động kết nối, khơi thông lại thị trường khách Thái Lan đến Thừa Thiên Huế, trong đó, chú trọng khai thác thị trường khách Thái đến Huế bằng các chuyến bay nguyên chuyến (charter).

Hiện, Sở Du lịch đã thành lập một tổ giúp việc và đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thông tin về tổ chức đón khách du lịch Thái Lan bay charter đến Thừa Thiên Huế phục vụ cho công tác truyền thông, quảng bá điểm đến và xúc tiến các thị trường khách quốc tế trọng điểm, tiềm năng; chú trọng phát triển thêm các sản phẩm du lịch; vận động DN du lịch xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách Thái Lan; hỗ trợ DN du lịch quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường mới…

Sau triển khai thành công chuyến bay charter Bangkok – Huế – Bangkok từ 21-24/10, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất mở rộng đón khách charter và đường bay nối các cố đô như Ayutthaya (Thái Lan) - Huế, Huế - Luang prabang (Lào), Huế - Siem Reap (Campuchia)…, qua đó, tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế cùng thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách”; giới thiệu, quảng bá các tuyến điểm, sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, như: “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài”, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Áo dài Show”…; xây dựng quan hệ hợp tác giữa các DN du lịch trên địa bàn tỉnh với các DN, các hãng lữ hành hàng đầu tại Thái Lan và các nước thuộc khối ASEAN.

“Bên cạnh đường bay thẳng thuê nguyên chuyến (charter) nối các trung tâm du lịch của Thái Lan với Thừa Thiên Huế, chúng tôi tiến đến mở chuyến bay thương mại định kỳ (regular) hàng tuần hoặc hàng tháng; đồng thời thu hút, trung chuyển khách du lịch nước ngoài qua Thái Lan đến khu vực miền Trung của Việt Nam”, ông Phúc thông tin.

Lan tỏa giá trị du lịch Huế trên đất Thái

Hội thảo thu hút hơn 80 DN du lịch Huế và 20 DN lữ hành Thái Lan tham dự

Chia sẻ sau những trải nghiệm tại Huế, ông Wachira, thành viên đoàn khảo sát Thái Lan cho rằng, du lịch Huế đang chú trọng khai thác di sản, lịch sử, văn hóa. Đây là thế mạnh cần tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, để du khách có cái nhìn mới về Huế, cần phải kết hợp lồng ghép thêm một số yếu tố trải nghiệm, như: lối sống, các hoạt động ngày thường… của người dân Huế. Điều này giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm và muốn ở lại Huế lâu hơn.

Đánh giá cao một số sản phẩm dịch vụ du lịch của Huế, như: trải nghiệm áo dài truyền thống, ẩm thực, các điểm đến, dịch vụ lưu trú, vận chuyển…, bà Sanat Chan – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thái Lan chia sẻ, khách Thái Lan là một trong những thị trường đến Việt Nam du lịch đông nhất, trong đó, đến miền Trung chiếm khoảng 60% thị phần. Và với thế mạnh về di sản, du lịch Huế cần bổ sung thêm một số điểm mới về dịch vụ để từ đó có thể đưa Huế vào lộ trình 3 ngày 2 đêm, qua đó tăng số ngày lưu trú của du khách tại Huế…

Bà Wiphanada – Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực & du lịch Thái Lan cho biết, thông qua cung cấp sản phẩm nông sản, đặc sản đưa vào chuỗi cung ứng ẩm thực, phục vụ du lịch, từ đó tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Bên cạnh đó, với hệ thống marketting mạnh, hệ thống media trên nhiều nền tảng chuyên kích cầu du lịch khu vực châu Á, du lịch Thái Lan đã tạo ra được mạng lưới du lịch bền vững.

“Sau chuyến trải nghiệm thú vị tại Huế, Hiệp hội ẩm thực & du lịch Thái Lan sẽ đưa ẩm thực, du lịch Huế vào chương trình quảng bá tại Thái trong thời gian 3 tháng để tạo sự kết nối liên hoàn, qua đó, lan tỏa thêm các giá trị của du lịch Huế. Và chiến dịch này sẽ bắt đầu từ hôm nay”, bà Wiphanada nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.