Thứ Tư, 28/11/2018 07:37

Liên kết sản xuất tiêu thụ: Giải “bài toán” đầu ra lúa gạo cho nông dân

Với diện tích sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu có liên kết với DN, HTX trong tiêu thụ sản phẩm lúa gạo gần 5.000 ha/vụ, thực sự mở ra kênh tiêu thụ ổn định, tránh bị tư thương ép giá...

Nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạoXuất khẩu thuận lợi, giá lúa gạo tăng mạnhXuất khẩu gạo trở lại: Tín hiệu vui cho người dân và doanh nghiệp

Cơ giới hóa tại đồng ruộng xã Thủy Thanh (Hương Thủy)

Không lo đầu ra

Vụ lúa đông xuân 2020-2021 là vụ mùa “thắng lớn” nhất trong 10 năm qua đối với ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, với năng suất bình quân ước đạt 64,4 tạ/ha, cao hơn gần 5 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái.

Điệp khúc “Được mùa mất giá” nhiều năm nay đối với nông dân trồng lúa giờ đây sẽ không còn nữa khi một số địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, theo mô hình cánh đồng mẫu có liên kết sản xuất với các DN, HTX thu mua chế biến.

Đã là vụ đông xuân thứ 2, nông dân Trần Duy Linh (Thủy Thanh, Hương Thủy) sau khi gặt lúa, phơi khén trên sân nhà, không còn chật vật lo đầu ra cho sản phẩm, bị tư thương ép giá. Điều mà nông dân Thủy Thanh giờ đây cần làm là đưa lúa tới kho HTX, giá cả được thỏa thuận ngay từ đầu vụ. Được HTX NN Thủy Thanh bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vật tư đầu vào để sản xuất giống lúa J02 với diện tích hơn 1 mẫu, ông Linh thu lãi khoảng 25 triệu đồng/năm.

Ông Linh cho biết: “Khi đưa giống lúa J02 (nguồn gốc Nhật Bản - PV) về canh tác, HTX vận động nông dân tham gia vào mô hình sản xuất tập trung với diện tích lớn. Được hỗ trợ khoảng 30% giá trị vật tư đầu vào, nông dân cảm thấy yên tâm bắt tay sản xuất. Điểm lợi nữa là khi lúa được thu hoạch phơi khô khén, HTX tiến hành bao tiêu sản phẩm cho bà con. Dù giá thị trường thế nào đều mua theo giá đã cam kết từ trước. Do vậy, hàng trăm xã viên trên địa bàn đều tham gia mô hình này. Vụ đông xuân năm nay giống J02 đạt năng suất 4,2 - 4,5 tạ/sào nên càng lãi lớn”.

Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh thông tin, vụ đông xuân 2020-2021, HTX đưa vào sản xuất hơn 350 ha lúa, được sự hỗ trợ của UBND thị xã Hương Thủy, HTX triển khai mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa với quy mô tập trung 100 ha của 300 hộ nông dân tham gia. Giống lúa J02 được HTX tiêu thụ 50% sản lượng (khoảng 350 tấn) với giá “nhỉnh” hơn thị trường khoảng 2,5 nghìn đồng/kg. Ngoài trang bị máy xay xát công suất lớn, HTX còn liên kết với các cơ sở, kho trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu nông dân khi gặt đại trà.

Không chỉ được bao tiêu sản phẩm, việc tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo còn giúp nông dân có cơ hội dễ dàng tiếp cận các biện pháp kỹ thuật trồng trọt mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hạt lúa gạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh gay gắt của thị trường. Đồng thời mở rộng quy mô hàng hóa, tạo dựng thị trường tiêu thụ ổn định và không còn phải lo lắng tình trạng “được mùa mất giá” hay bị tư thương o ép.

Tham gia chuỗi liên kết, nông dân có điều kiện tiếp cận máy móc nông nghiệp, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Mở rộng diện tích

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, theo mô hình cánh đồng mẫu với diện tích gần 5.000ha/vụ và ngày càng được mở rộng. Liên kết cùng với các công ty, đơn vị HTX triển khai sản xuất theo chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, nhằm tăng giá trị thu nhập, lợi nhuận và giảm một phần chi phí so với sản xuất lúa bình thường.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khẳng định, thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, nhân rộng và phát triển hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo thông qua hợp đồng mà DN giữ vai trò hạt nhân cung ứng đầu vào sản xuất và thu mua lúa gạo cho nông dân. Chỉ đạo các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã thành công, gắn liền với việc triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, củng cố và phát triển tổ hợp tác và HTX trên địa bàn.

Theo Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020, đối với sản xuất lúa gạo đến năm 2025, tổng diện tích lúa chất lượng cao đạt 27.000 ha, chiếm 50% diện tích lúa toàn tỉnh. Để mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, thời gian tới cần tiếp tục phát huy và nhân rộng 4 loại hình liên kết cơ bản; đó là HTX liên kết với các công ty, DN; HTX liên kết với HTX; DN tham gia HTX và HTX đầu đàn.

Tham gia chuỗi liên kết, nông dân được áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến từ gieo cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại nên hiệu quả đem lại trên một đơn vị diện tích lớn hơn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân.

Đặc biệt, tham gia chuỗi không chỉ tạo cơ hội khai thác lợi thế của từng địa phương, tạo ra khối lượng nông sản hàng hoá tập trung có chất lượng cao, giá thành hạ mà qua đó tạo nên môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống ngay trên mảnh ruộng của mình…

Theo Sở NN&PTNT, chuỗi sản xuất liên kết tiêu thụ lúa gạo là một phương thức sản xuất mới giúp hộ nông dân từng bước tiếp cận và làm quen với sản xuất hàng hóa, chuyển đổi sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất lúa theo hướng hàng hóa. Đồng thời, mang lại lợi ích cho người nông dân cũng như HTX nông nghiệp, các DN và thắt chặt mối liên kết giữa “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Quảng Điền làm giàu
Nông dân Quảng Điền làm giàu

Phong trào sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tạo động lực cho nhiều hộ nông dân nghèo ở Quảng Điền vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.

Song hành cùng nông dân
Song hành cùng nông dân

Bằng nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, các cấp Hội Nông dân huyện Phú Lộc đã song hành cùng hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, qua đó tập hợp được nhiều nông dân vào tổ chức hội.

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới
Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.