Thứ Hai, 25/11/2019 14:03

Lo ngại khi lịch sử là môn học lựa chọn ở lớp 10

Nhiều người cho rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, không nên đưa môn lịch sử trở thành môn học tự chọn, vì sẽ ít em theo học. Ngược lại cũng có ý kiến, cần thay đổi cách dạy và học sử trong trường học để thu hút học sinh.

Lịch sử luôn là môn học hấp dẫnThông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mớiMôn học lịch sử: Cần giữ đúng vị thế

Xây dựng hình ảnh Vua Quang Trung, người anh hùng áo vải trong trường tiểu học

Chưa tạo hứng thú cho người học

Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học chương trình GDPT mới. Môn lịch sử không phải là môn học bắt buộc với học trò, mà nằm trong nhóm môn học lựa chọn. Nhiều dự đoán môn này sẽ ít người chọn. Thử làm một khảo sát “bỏ túi’’ đối với học sinh lớp 9, tôi không bất ngờ khi khá nhiều em sẽ không chọn học môn lịch sử. Lý do được đưa ra bài học dài, nhiều sự kiện lại còn khô khan và khó nhớ, giáo viên dạy chưa thực sự hấp dẫn. Có em kể rằng, phụ huynh muốn con chọn những trường THPT có nhiều tổ hợp môn học, trong đó có lịch sử. Thế nhưng, em lập luận, em có thể tự học lịch sử bằng nhiều cách, không cần học trong trường miễn sao cảm thấy hấp dẫn, thú vị và thích tìm hiểu.

Từ khảo sát, tôi nhận thấy trùng hợp với thực trạng học sử trong trường THPT hiện nay. 5 năm trở lại đây, điểm trung bình môn lịch sử của Thừa Thiên Huế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đều rất thấp, loanh quanh ở mức dưới trung bình: 4,3 điểm (năm 2017), 3,6 điểm (năm 2018), 4,1 điểm (năm 2019) và 4,93 điểm (năm 2020), xếp thứ 60 và năm 2021 con số này cũng nhích lên rất chậm. Đây là điểm trung bình ở mức thấp hơn mức trung bình cả nước.

Cũng không ít hội nghị được tổ chức để bàn giải pháp cải thiện môn sử, nhưng chắc chắn không phải ngày một, ngày hai có thể tháo gỡ. Thực tế, không quá khó khăn trong việc tìm ra những giáo viên lịch sử tâm huyết, thế nhưng cách dạy sử ở nhiều trường lại là vấn đề đặt ra. Một số trường đã tạo điều kiện về đồ dùng, thiết bị dạy học và cả phòng sinh hoạt bộ môn, nhưng giáo viên lịch sử nhìn chung chưa tìm ra được phương pháp dạy phù hợp, phổ biến vẫn là cách “đọc - chép” chưa tạo được sự hứng thú học tập cho học sinh.

Môn lịch sử sẽ không bị "xóa trắng"

Với điểm sử thi tốt nghiệp THPT thấp, nhiều giáo viên dạy sử âu lo, họ có nguy cơ thất nghiệp vì tỷ lệ chọn môn này sẽ ít. Tuy nhiên, theo thầy Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, trường sẽ xếp các tổ hợp môn để định hướng cho học sinh. Ví dụ tổ hợp hóa, sinh, sử, địa, tin học; tổ hợp lý, hóa, sinh, sử, tin học; tổ hợp sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế - pháp luật, tin học...Như vậy, dù muốn dù không, học sinh vẫn phải học môn sử chứ không thể chọn lựa từng môn theo ý mình. Theo giải thích trên, môn lịch sử không bị "xóa trắng" như dư luận lo ngại. Ngoài những học sinh lựa chọn lịch sử theo định hướng lựa chọn ngành nghề ở bậc học cao hơn, những học sinh khác có thể chọn học thêm lịch sử vì yêu thích.

Với phân hóa này, nếu môn lịch sử có sự chuyển biến về phương pháp dạy học thì sẽ thu hút nhiều học sinh, thay vì chỉ "học để thi". Cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên dạy sử Trường THPT Hà Trung (Phú Vang) cho rằng, cần tạo hứng thú cho học sinh bằng phương pháp lồng ghép đóng vai, kể chuyện minh họa cho bài giảng. Khi bài học liên quan đến diễn biến của một cuộc khởi nghĩa, cuộc kháng chiến, một chiến dịch… giáo viên có thể cho học sinh xem một đoạn phim tư liệu lịch sử, kết hợp kể những câu chuyện có liên quan đến sự kiện đang trình bày, cho học sinh quan sát tranh, ảnh. Ngoài ra, giáo viên cần hướng dẫn tham quan thực tế sẽ đem lại cho học sinh hướng về nguồn cội dân tộc, tự hào về lịch sử qua các thời kỳ. Các em có điều kiện gần gũi, hiểu biết về các sự kiện lịch sử, từ đó có ý thức về cội nguồn, về lòng yêu nước.

Cũng không nên lo lắng khi môn lịch sử trở thành môn học tự chọn trong chương trình GDPT mới, tuy nhiên vấn đề còn lại chính là giáo viên dạy môn lịch sử, cần thay đổi cách dạy theo lối mòn cũ và chương trình học cũng cần phải được làm mới. Ý kiến của nhiều giáo viên dạy môn sử cho rằng, chương trình, sách giáo khoa nên gọn nhẹ, không nên đi vào chi tiết ở bậc học phổ thông. Nội dung bài học nên viết dưới dạng một câu chuyện kể lịch sử mới thu hút học sinh, thẩm thấu một cách tự nhiên như đọc một quyển truyện hay. Còn kiểm tra, thi không nên nặng về sự kiện mà nên yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận, nêu hiểu biết, suy nghĩ của các em về một nhân vật, một sự kiện lịch sử nào đó mà em yêu thích. Phương pháp dạy học cũng nên tạo điều kiện để học sinh lớp 10 có trải nghiệm thực tế, tham quan, xem triển lãm… Điều này sẽ giúp kích thích tư duy, khơi dậy hứng thú học tập ở học sinh tốt hơn là trình bày trên những trang sách.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử
Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử

Với cậu học trò Trường THPT Thừa Lưu (Phú Lộc) Phạm Đức Lương, việc học không đơn thuần chỉ là thu nạp kiến thức, đó còn là hành trình chinh phục và vượt qua những thách thức của bản thân.

Học sinh lớp 10 Không dễ chuyển đổi môn học
Học sinh lớp 10: Không dễ chuyển đổi môn học

Nhiều học sinh lớp 10 có nguyện vọng chuyển môn/ tổ hợp môn vì sức học không theo kịp, nhưng nhiều trường chưa thể giải quyết, do liên quan đến điều kiện thực tế như đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.